Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền - Trưởng khoa Giáo dục Mầm non - ĐH Sư phạm TP.HCM: Không thể rao giảng đạo đức qua lý thuyết suông
Nói về chương trình đào tạo, tôi có thể khẳng định ngay là ở Việt Nam đã chú trọng đến giáo dục lòng yêu nghề, yêu trẻ hơn cả các nước Anh và Úc - những nước tôi đã từng học tập. Ở các nước Anh và Úc, việc tuyển đầu vào ĐH cũng giống ta, nghĩa là không có những căn cứ để xem xét người học có phù hợp với nghề hay không. Nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ, trong quá trình đào tạo, khi biết chắc rằng mình không phù hợp với nghề, thậm chí không thích và không yêu nghề thì sinh viên (SV) của ta vẫn không dám bỏ, vì họ không còn con đường nào khác.
Điểm nữa, để đào tạo học trò thành những thầy cô giáo tốt, yêu nghề và tận tâm với nghề thì đòi hỏi thầy phải là người tận tâm với nghề trước. Thầy cô giáo không thể rao giảng đạo đức nghề nghiệp cho SV qua những bài lý thuyết suông mà phải dạy bằng chính tấm gương về tâm đức của mình. Cho nên, không những phải quan tâm đến chất lượng đầu vào của SV mà còn phải quan tâm đến cả chất lượng đầu vào của giảng viên ĐH nữa. Với ngành giáo dục MN thì giảng viên trước tiên phải là những tấm gương về yêu trẻ và tận tụy với nghề.
* Ông Nguyễn Vũ Nguyên, chuyên gia tâm lý học, Giám đốc Trung tâm huấn luyện-đào tạo tài năng trẻ Châu Á-Thái Bình Dương: Tuyển dụng bảo mẫu khá qua loa
Xâu chuỗi tất cả hành vi bạo hành của các bảo mẫu bị phản ánh thời gian qua là do họ có trình độ văn hóa thấp, không được đào tạo bài bản, ức chế về cường độ lao động, phải làm việc quần quật từ 6g sáng đến 17g, có khi còn kéo dài đến tối để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Cũng có trường hợp họ có vấn đề trong cuộc sống riêng, gặp chuyện không vui nên sẵn sàng trút lên đầu các bé vô tội bằng những hành vi bạo hành như: tát, giật tóc, giẫm đạp, đấm vào cơ thể các cháu, nhấn nước, dán băng keo miệng... Công tác tuyển dụng bảo mẫu được các chủ nhóm trẻ tiến hành khá qua loa, chỉ học hết THCS, thậm chí thấp hơn, không được đào tạo kỹ năng chăm sóc trẻ. Giải pháp căn cơ nhất là phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động các nhóm trẻ gia đình. Chủ các nhóm trẻ phải có bằng cấp chuyên môn, phòng giáo dục quản lý. Và quan trọng hơn là giảm cường độ lao động cho các bảo mẫu, giảm sĩ số lớp...
Bà Lê Thị My, hiệu trưởng Trường MNTT Việt Trung Q5, TP HCM: Phải được pháp luật xử lý nghiêm minh
Qua đoạn clip ghi lại hình ảnh các cô giáo và bảo mẫu của nhóm tư thục Phương Anh đối xử quá tàn độc, dã man đối với những cháu nhỏ trong giờ ăn, tôi thực sự bàng hoàng. Là một người công tác trong ngành giáo dục mấy chục năm, tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng đó. Tại sao một cô giáo - trước hết là một con người, có thể tra tấn những thiên thần bé nhỏ đến như vậy. Các cháu còn quá non nớt để phán xét hành động của cô, nhưng gia đình và xã hội thì không thể tha thứ cho việc làm đó. Các cô đã làm xấu đi hình ảnh cao quý của người thầy. Giờ đây, không biết các cô nghĩ gì trước đoạn clip này? Trước hết, tôi vô cùng cám ơn ai đã quay được những hình ảnh quý giá đó - một bằng chứng rõ ràng để tố cáo một tội ác. Tôi muốn dùng từ "tội ác" vì khi biết tin này, các cô giáo ở trường chúng tôi thật sự phẫn nộ. Tôi nghĩ: Những cô giáo của Phương Anh phải bị loại ra khỏi ngành giáo dục và phải được pháp luật xử lý nghiêm minh để răn đe.
Hy vọng quý báo sẽ làm tiếng nói chung cho những người cha, người mẹ, người ông, người bà, của toàn xã hội chúng ta cùng lên án những hành vi xâm hại thân thể người khác, góp phần lên án hành vi của các cô trường Phương Anh, cũng đồng thời nhắc nhở cho những ai đang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hiện nay.
Theo PN