Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên mầm non hiện nay của TPHCM là do các sinh viên ngành mầm non thiếu kỹ năng nghề.
Bên cạnh lòng yêu trẻ các cô giáo mầm non phải được trang bị tốt kỹ năng nghề. Ảnh: VGP/Đỗ Cường
Bạn Lê Thị Bích Nga sinh viên (SV) đã tốt nghiệp khoa Mầm non (Đại học Sư phạm TPHCM) cho biết, trước khi tốt nghiệp đã thực tập tại Trường Mầm non Thủy Tiên, quận Tân Phú. Nhưng trong 2 tháng thực tập, Nga chỉ làm những công việc đơn giản như cho các bé ăn, ngủ và chơi cùng các bé. Tuy nhiên, trong thời gian thử việc Nga đã gặp phải rất nhiều lúng túng khi đứng lớp với hơn 30 em nhỏ. Đây là lý do khiến Nga cũng như nhiều SV mầm non chia tay với nghề này ngay sau khi tốt nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT TPHCM, hầu hết các SV sư phạm rất siêng năng, nắm lý thuyết vững và rất yêu trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều em sau khi ra trường đã không đáp ứng được công việc. Nguyên nhân do khả năng vận dụng thực tế và kỹ năng nghề còn rất yếu.
Nhiều SV chưa nhận biết đầy đủ thế nào là dạy tích hợp, dạy theo chủ đề, phát triển kỹ năng cho trẻ, làm quen chữ... Thậm chí có những cô giáo thực tập, thử việc không nắm được kỹ năng giao tiếp với trẻ, kỹ năng dạy dỗ để các bé nghe lời...
Ngoài ra, trong những giờ thực tập hay rèn kỹ năng của các bạn SV vẫn còn tính "lý thuyết". Tức là SV chỉ xuống các trường mầm non để nhìn, xem và xử lý công việc một cách hời hợt. Chính vì vậy, khi giao cho các cô giáo mới thử việc hay mới vào nghề phụ trách lớp thì các cô đều "sốc" với hàng "tá" công việc mà mình chưa từng được giải quyết trong lúc thực tập.
Tăng gấp 2 thời gian thực tập và rèn nghiệp vụ
Để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia, hiệu trưởng trường mầm non cho rằng cần tăng thời lượng thực tập cho SV mầm non. Theo đó, mỗi học kỳ, bắt đầu từ năm thứ 2 sẽ chia làm 2 kỳ, học tập và rèn nghiệp vụ hay thực tập.
Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Đan, Hiệu trưởng trường Mầm non Việt Mỹ Úc, bên cạnh việc tăng thời gian thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của quá trình rèn kỹ năng thực tế. Các trường có SV thực tập cần phối hợp chặt chẽ với các trường mầm non để nâng cao chất lượng thực tập, đánh giá chính xác chất lượng thực tập của các SV.
Bên cạnh đó, các trường sư phạm nên thường xuyên mời các giáo viên, đại diện ban giám hiệu từ các trường mầm non đến nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề với SV và xem đó như là môn học cần thiết để trang bị cho SV những kiến thức nghề thực tế.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng các trường mầm non cần tạo điều kiện cho SV tham gia tất cả các khâu chăm sóc và dạy trẻ. Khi các SV được xem như thành viên trong trường, họ sẽ có trách nhiệm và gắn kết với trường lớp hơn. Mỗi một SV thực tập sẽ chịu trách nhiệm công việc như một cô giáo thực sự để qua đó, các bạn SV làm quen với các tình huống, tập dượt các kỹ năng nghề thực tế hơn.
Theo PGS.TS Hoàng Văn Cẩn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm TPHCM, từ năm học 2013-2014, chương trình học của SV ngành mầm non sẽ tăng gần gấp đôi thời lượng rèn luyện nghiệp vụ và thực tập sư phạm so với trước. Tức là SV năm 3 sẽ có 15 tuần để rèn luyện nghiệp vụ tại các trường học, SV năm 4 sẽ thực tập 12 tuần nhằm nâng chất lượng đầu ra và để SV bắt nhịp kịp thời trước thực tế.
Các trường sư phạm và Sở GDĐT TPHCM, cũng sẽ nghiên cứu xây dựng lại kế hoạch thực hành và chương trình học để nâng kiến thức về thực tế, kỹ năng nghiệp vụ cho SV nhiều hơn. Điều này cần sự hỗ trợ chặt chẽ từ các trường mầm non theo tiêu chí các giáo viên tại trường sẽ như là giảng viên trong trường sư phạm và các SV thực tập cũng được coi như một giáo viên trong trường để gắn kết và trách nhiệm với nhau.
Theo Chinhphu.vn