Dị ứng thức ăn là hiện tượng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với một số loại thức ăn nào đó và thường gặp ở lứa tuổi ăn dặm do sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.
Đây cũng là giai đoạn trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn do kháng thể thụ động từ mẹ truyền sang đã giảm dần, trẻ bắt đầu tiếp xúc nhiều với môi trường xung quanh, trẻ tập ăn những thức ăn khác ngoài sữa mẹ, chính vì vậy nguy cơ dị ứng thức ăn thường hay gặp ở một số trẻ có cơ địa dị ứng. Theo các nghiên cứu gần đây, có đến 40% trẻ nhỏ có nguy cơ dị ứng thức ăn.
Tỷ lệ này giảm dần theo tuổi và phụ thuộc vào sự thay đổi môi trường, thói quen ăn uống và cách sống của từng cộng đồng, cá thể. Các thực phẩm dễ gây dị ứng như: sữa động vật (do protein trong sữa các loại động vật khác với protein trong sữa mẹ về thành phần và số lượng); các loại hải, thủy sản (tôm, cua, cá...); trứng (thường ít gặp).
Khi trẻ bị dị ứng có các biểu hiện dị ứng toàn thân với phần lớn các triệu chứng xuất hiện sau khi ăn từ 30 phút đến vài giờ như đau quặn bụng, cảm giác nóng ran, nổi ban đỏ ngứa khắp người, mắt xung huyết, đỏ, phù nề môi, mắt, khó thở, thở rít, trụy mạch, tụt huyết áp, hoặc chỉ đơn thuần có các triệu chứng ở đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy.
Một số trường hợp nặng, dị ứng thức ăn có thể gây kịch phát cơn hen phế quản hoặc gây sốc phản vệ, nguy cơ tử vong rất cao. Vì vậy, không nên cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi. Khi trẻ ăn dặm, nên làm quen với các loại thức ăn từ từ, ăn một loại thức ăn mới mỗi tuần để theo dõi và tránh các loại thức ăn dễ gây dị ứng như: lòng trắng trứng, lạc, hải sản (tôm, cua, sò...). Những thức ăn này nên tập cho trẻ ăn sau 12 tháng tuổi.
Theo BS. Nguyễn Khánh - Sức khỏe và Đời sống