Qua loạt bài Thả nổi tiếng Anh mầm non đăng trên Báo Thanh Niên từ ngày 5.11, bà Nguyễn Thị Nghĩa (ảnh), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thanh Niên và cho biết quan điểm của Bộ về vấn đề này.
Bà Nghĩa khẳng định: "Cảm ơn Báo Thanh Niên đã phản ánh rất kịp thời về vấn đề này. Bộ sẽ có chấn chỉnh, yêu cầu ngừng ngay việc dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non dưới mọi hình thức, kể cả chương trình ngoại khóa khi chưa có chỉ đạo của Bộ. Thực ra không chỉ tiếng Anh mà hiện nay nhiều trường mầm non đưa vào nhiều chương trình khác ngoài chương trình của Bộ như toán siêu tốc, học chữ... cũng liên kết với các công ty. Bộ biết việc này từ trước và đã có Công văn số 7679 ban hành ngày 22.10.2013, trong đó nêu rõ các trường không dạy ngoài chương trình, không quảng bá tiếp thị chương trình chưa được Bộ cho phép áp dụng... và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm".
Mọi hình thức liên kết đều không đúng quy định
Hình thức phổ biến nhất của các trường hiện nay là có sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT liên kết với các trung tâm hoặc công ty ở bên ngoài để đưa máy móc, thiết bị và giáo viên vào giảng dạy cho học sinh và thu một khoản học phí khá cao. Bà có nhận xét gì về việc liên kết này?
Mọi hình thức liên kết đều không đúng quy định với mầm non. Ở cấp tiểu học có chỉ đạo, có công khai chương trình nào đã được thẩm định... vì bậc học này có cho phép đưa tiếng Anh vào giảng dạy như môn học tự nguyện đối với học sinh lớp 1 ,2 (ngoài chương trình ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3). Còn mầm non thì Bộ không cho phép nên không có chỉ đạo. Anh muốn dạy thì anh phải có đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình... Còn liên kết mà anh phó mặc cho công ty cũng không được. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra thêm thực tế tổ chức thí điểm ở các địa phương, cách lựa chọn đối tác liên kết.
Việc đầu tư phòng lab, cho trẻ học tiếng Anh bằng những thiết bị máy móc liệu có phải là cách làm phù hợp không, thưa bà?
Cũng cần phải xem lại việc tổ chức cho trẻ mầm non làm quen với máy tính ở các trường mà Hà Nội thí điểm vì lứa tuổi này không nên tiếp xúc nhiều với máy tính mà cần các hoạt động thực tế.
Đây là vấn đề phức tạp, cần cân nhắc mọi khía cạnh
Bộ có cảnh báo hoặc khuyến cáo gì với các cơ sở GD-ĐT khi cho phép đưa tiếng Anh vào trường mầm non và giảng dạy như một môn năng khiếu (tự nguyện)? Có phải cứ đưa vào như một môn học "tự nguyện" thì phụ huynh sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự lựa chọn của mình?
Tự nguyện cũng phải có chương trình, mà chương trình đó phải được thẩm định và cho phép, phải có giáo viên, phải đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất... Không phải nói tự nguyện là phó mặc cho phụ huynh được. Nhiều khi mình cứ lấy cớ đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, áp dụng tùy tiện theo xu hướng không lành mạnh, không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mà còn ảnh hưởng tới uy tín của các cơ sở giáo dục mầm non. Cái này Bộ sẽ có chấn chỉnh: làm thế nào phải vì quyền lợi của trẻ. Không thể vì đáp ứng nhu cầu của phụ huynh mà phó mặc cho phụ huynh.
Việc đưa tiếng Anh vào làm quen trong trường mầm non là vấn đề phức tạp. Nó phải gắn với chương trình giáo dục mầm non nên không chỉ đơn giản lấy chương trình nào đó bên ngoài đưa vào chương trình mầm non.
Với điều kiện như hiện nay, Bộ GD-ĐT có dự định đưa tiếng Anh vào giảng dạy trong trường mầm non hay không, thưa bà?
Căn cứ vào đề xuất của đề tài nghiên cứu Cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh mà Bộ giao cho Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thực hiện, cân nhắc kỹ mọi khía cạnh, Bộ mới đưa ra quyết sách cụ thể, chúng tôi sẽ có quyết sách sau. Trẻ mầm non được học tiếng Anh thì rất tốt nhưng lấy đâu ra giáo viên để dạy, đó là vấn đề. Hiện nay, giáo viên mầm non cả nước còn đang thiếu chứ chưa nói đến giáo viên tiếng Anh để dạy cho mầm non. Nên trước mắt, Bộ không chỉ đạo đưa tiếng Anh vào dạy trong mầm non. Phát âm mà sai ở mầm non sau này lớn lên rất khó sửa. Một vấn đề nữa là chương trình đưa vào phải phù hợp với trẻ, với chương trình mầm non đang được áp dụng, tránh gây quá tải cho trẻ.
Thống nhất để quản lý chất lượng !
Sau nhiều lần liên lạc, đến ngày 7.11 bà Trần Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, mới chính thức trả lời phóng viên Thanh Niên những vấn đề liên quan đến việc đưa tiếng Anh vào giảng dạy ở trường mầm non của TP.HCM.
Bà Thanh cho rằng trước đây, nếu trường nào có điều kiện thì họ tự chọn đơn vị dạy tiếng Anh và ký hợp đồng thực hiện hoạt động ngoại khóa cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Nhưng thời gian gần đây, nhận thấy nếu để các trường tự chủ động như thế sẽ không có sự thống nhất và sở khó quản lý về mặt chất lượng. Do vậy sở đã chỉ đạo phòng giáo dục các quận, huyện phải quản lý hoạt động này, dù đây chỉ là một hoạt động ngoại khóa. "Chúng tôi tổ chức nhiều hội thảo, cuộc họp, dần xác định được đơn vị nào có chương trình phù hợp với lứa tuổi mầm non và đáp ứng được chất lượng giáo viên. Sở giới thiệu một số đơn vị, như: Cambridge, Poly, Ngoại ngữ Tân Văn, Không gian xanh... đến các phòng giáo dục, các trường. Thực chất, quyền chọn chương trình nào là do các trường, chúng tôi không hề bắt buộc", bà Thanh nói.
Tuy nhiên, như trên số báo ra ngày 6.11, theo phản ảnh của lãnh đạo các trường mầm non mà chúng tôi gặp gỡ, năm học này Sở GD-ĐT chỉ chính thức giới thiệu trung tâm Poly để liên kết giảng dạy.
B.Thanh - M.Luân
Giáo viên phải thật chuẩn
Theo kết luận tạm thời của đề tài nghiên cứu về việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ của Viện Khoa học giáo dục: Về cơ sở lý luận ở hội đồng cấp cơ sở thì có thể cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh nhưng phải có điều kiện. Thứ nhất là chương trình; thứ hai, rất quan trọng, là giáo viên phải thật chuẩn. Lý do, ở lứa tuổi này ta dạy các cháu những gì không chuẩn thì sau này rất khó sửa. Chính vì thế lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo phải rất thận trọng khi quyết định cho triển khai thí điểm hay không thí điểm.
PGS-TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non
Yêu cầu báo cáo với Bộ trước ngày 22.11
Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho biết Bộ cũng đã yêu cầu các sở GD-ĐT Hà Nội và TP.HCM có công văn báo cáo, kiểm tra xử lý việc đưa ngoại ngữ vào dạy trong trường mầm non trước ngày 22.11. Sắp tới nếu có tình trạng này ở các địa phương khác Bộ cũng sẽ yêu cầu chấm dứt. Đây rõ ràng là dạy ngoài chương trình, Bộ không chỉ đạo. Mặc dù ở mầm non nếu có thì cũng chỉ là làm quen với ngoại ngữ chứ không dạy nhưng Bộ cũng không cho phép như thế.
Theo Thanh Niên