Giáo dục mầm non
   Thả nổi tiếng Anh mầm non - Kỳ 3: Chưa có quy định về trình độ giáo viên
 

Khoảng 30 trường mầm non công lập ở Hà Nội đang thực hiện thí điểm chương trình làm quen với tiếng Anh, trong đó giáo viên chỉ cần yêu cầu có chứng chỉ tiếng Anh A, B, C.


Giờ học làm quen tiếng Anh của học sinh Trường mầm non 20.10 (Hà Nội) - Ảnh: Minh Anh


Lại tiếp tục thí điểm
Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: "Hiện Hà Nội có 30 trường đang thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh theo đề tài cho trẻ ở tuổi mầm non làm quen với ngoại ngữ do Viện Khoa học giáo dục VN nghiên cứu. Đây đều là những trường có điều kiện dạy và học tốt nhất nằm rải rác ở các quận huyện. Tuy nhiên, ở mỗi trường này, việc tổ chức dạy tiếng Anh hoàn toàn dựa trên nhu cầu tự nguyện của phụ huynh".


Bà Hương cũng cho rằng Hà Nội chủ động xin thực hiện thí điểm. Đây thực ra là chương trình làm quen với tiếng Anh chứ không phải là dạy tiếng Anh như đối với bậc tiểu học. Được biết, chương trình triển khai thí điểm rộng ở nhiều trường từ năm học 2012-2013.


Cách thức thực hiện ở các trường này cũng là liên kết với Công ty phát triển công nghệ giáo dục VN. Với các trường ký hợp đồng liên kết, công ty này có trách nhiệm đầu tư một phòng lab với máy chiếu, máy vi tính... để phục vụ dạy tiếng Anh bằng phần mềm mang tên Eduplay. Học sinh tham gia chương trình này phải đóng mức phí là 350.000 - 450.000 đồng/tháng, tham gia khoảng 2 - 3 hoạt động/tuần, mỗi hoạt động không quá 30 phút...


Khi được hỏi tại sao lại chỉ có Công ty phát triển công nghệ giáo dục VN được chọn phối hợp với cả 30 trường, bà Hoàng Thanh Hương cho biết: "Sở GD-ĐT Hà Nội không có chủ trương liên kết độc quyền. Bất cứ nơi nào đủ điều kiện gửi hồ sơ đến Sở GD-ĐT, chúng tôi đều sẵn sàng xem xét". Bà Hương nói thêm: "Sau thí điểm, đến 2015 sẽ cho đánh giá nghiệm thu, nếu cái tốt được lan tỏa thì mới thực hiện tiếp, ngược lại sẽ cho dừng nếu tính hiệu quả không cao".


Giáo viên chỉ cần chứng chỉ "a bờ cờ"
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học phải đạt yêu cầu chuẩn châu Âu, trong khi đó hiện nay chưa có bất cứ quy định nào về trình độ đối với giáo viên dạy tiếng Anh ở mầm non. Vì vậy, không ai kiểm soát chương trình được đưa vào giảng dạy cho những "mầm non" cả.


Theo báo cáo vào tháng 7 năm nay của Sở GD-ĐT Hà Nội về chương trình thí điểm này, ở cả 30 trường, ngoài khoảng 7 người nước ngoài tham gia dạy mỗi tuần/buổi cho mỗi lớp học, còn lại hơn 125 giáo viên được chọn từ nguồn sẵn có của các trường mầm non. Xuất phát điểm của những giáo viên này chỉ là: "Có chứng chỉ A, B, C tiếng Anh, được nhà trường và phòng GD-ĐT cử tham gia khóa bồi dưỡng tiếng Anh cơ bản và phương pháp giảng dạy mầm non do Sở GD-ĐT phối hợp với Công ty phát triển công nghệ giáo dục VN tổ chức". Mỗi khóa đào tạo như vậy kéo dài tối đa khoảng 3 tháng.


Báo cáo của Sở GD-ĐT khẳng định: "Giáo viên mầm non cũng chính là người trực tiếp tham gia giảng dạy". Hơn thế nữa, các giáo viên này lại còn có thêm nhiệm vụ nặng nề hơn, đó là: "Giám sát công việc của giáo viên chuyên ngữ, đảm bảo chất lượng chương trình" (?!).


"Chơi với công nghệ là chính"
Một phụ huynh có con học mẫu giáo tại Trường mầm non 20.10 (Hà Nội) cho biết: "Năm nay trường định hoạt động theo mô hình chất lượng cao nên áp dụng đại trà việc dạy tiếng Anh cho tất cả các lớp. Đầu năm học có phụ huynh không muốn con học chương trình tiếng Anh nhưng vì đã trót đăng ký học chất lượng cao nên đành phải theo".


Một phụ huynh Trường mầm non thực hành Hoa Sen cho rằng dù con đã học tiếng Anh 2 năm ở trường với mức học phí là 400.000 đồng/tháng, nhưng đến 5 tuổi gia đình vẫn phải chọn một trung tâm ngoại ngữ uy tín của nước ngoài cho cháu học 2 buổi/tuần để có thể vào lớp 1 của trường ngoài công lập có kiểm tra đầu vào tiếng Anh. Vị phụ huynh này


nhận xét: "Số tiền phải đóng cho việc làm quen với tiếng Anh cũng tới gần chục triệu đồng, thế nhưng mỗi tiết học chỉ như một giờ chơi với công nghệ là chính".


Bộ GD-ĐT chưa có chủ trương về dạy tiếng Anh mầm non
Trao đổi với PV Thanh Niên về thực trạng giảng dạy tiếng Anh trong trường mầm non, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: "Sau khi đọc bài Thả nổi tiếng Anh mầm non, tôi đã yêu cầu Vụ Giáo dục mầm non nắm tình hình thực tế để có hướng chỉ đạo".


Bà Nghĩa khẳng định: "Bộ chưa có một chủ trương nào về việc tổ chức dạy học tiếng Anh ở mầm non. Tuy nhiên, Bộ đã giao cho Viện Nghiên cứu giáo dục VN nghiên cứu đề tài cho trẻ ở tuổi mầm non làm quen với ngoại ngữ. Theo kế hoạch, Bộ nghiệm thu đề tài trong tháng 10 vừa rồi nhưng hiện chỉ mới nghiệm thu ở cấp cơ sở. Thực tế là nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con làm quen với tiếng Anh từ tuổi mầm non nhưng cơ sở lý luận nào để cho phép các trường mầm non triển khai việc này thì Bộ phải nghiên cứu đã. Trong điều kiện các trường mầm non ở ta hiện nay, liệu có nên cho trẻ làm quen với tiếng Anh chưa? Nếu nên thì ở mức độ nào, ở lứa tuổi nào - nhà trẻ, 3, 4 hay 5 tuổi? Sau khi nghiệm thu đề tài, căn cứ vào kết quả nghiên cứu, Bộ mới đưa ra hướng chỉ đạo được".Lê Đăng Ngọc (ghi)


Vất vả kêu gọi sự tập trung của trẻ

Chúng tôi đến dự giờ dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non theo chương trình POLY tại một trường mầm non trên địa bàn Q.5, TP.HCM. Lớp học hôm đó có 3 giáo viên người Việt. Mở đầu tiết dạy, giáo viên hướng dẫn trẻ ổn định chỗ ngồi, mở nhạc để học sinh khởi động, nhún nhảy theo nhịp. Tiếp đến trẻ được giáo viên dạy ghép chữ cái (có kèm theo vật dụng tương ứng với từ tiếng Anh) và phát âm. Nhìn chung, trong suốt thời gian học, giáo viên trao đổi với học sinh bằng tiếng Anh, rất hiếm khi dùng tiếng Việt. Trong giờ học, phần bóc quà là học sinh hứng thú nhất. Khi bóc được quà, học sinh sẽ gọi chúng bằng tiếng Anh.


Do học thông qua hình ảnh và âm thanh khá vui nhộn nên đa số trẻ tỏ ra hứng thú. Thế nhưng không khí lớp học rất ồn ào, giáo viên phải khá vất vả khi kêu gọi sự tập trung của trẻ vào bài học. Vào tiết học của một trường mầm non ở Q.3, trong khi các bạn đang hào hứng với hình ảnh con hải cẩu, con hổ trên màn hình thì có bạn lại nằm phủ phục trên bàn khiến cô trợ giảng phải xuống động viên ngồi dậy học tiếp. Sau đó thì cả lớp cùng quay ra bàn tán về các con thú đến mức giáo viên phải liên tục ra dấu hiệu im lặng. Ở một lớp học của trường mầm non tại Q.Phú Nhuận, chỉ cần một học sinh lên bảng nối từ thích hợp với hình ảnh hiện trên màn hình là các trẻ còn lại ngồi dưới nói chuyện, đùa nghịch, mất tập trung.


Theo Thanh Niên

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Thả nổi tiếng Anh mầm non - Kỳ 2: Chỉ giao một trung tâm thực hiện ! (6/11)
 Thả nổi tiếng Anh mầm non (5/11)
 Một trường, nhiều địa điểm (4/11)
 Khó quản lý trường mầm non ngoài công lập (1/11)
 Lúng túng xóa dạy chữ ở bậc mầm non (31/10)
 Bổ sung thủ tục hành chính liên quan đến trường chất lượng cao (30/10)
 Giáo viên toàn quốc ‘đọ’ kiến thức dinh dưỡng tuổi mầm non (29/10)
 Thực hiện "3 đồng bộ" đảm bảo chất lượng phổ cập GD mầm non 5 tuổi (28/10)
 Gian nan... vẹn cả đôi đường (27/10)
 Trường mầm non ngoài công lập: "Ðẻ" nhiều, không chăm, dễ loạn (24/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i