Viêm tai giữa là một trong những bệnh khá phổ biến ở bé nhưng khó phát hiện, do có những triệu chứng giống với các bệnh khác.
Nguyên nhân viêm tai giữa
- Bé 6-18 tháng tuổi có sức đề kháng yếu, dễ bị mắc viêm tai giữa.
- Khi bé nằm bú sữa bình không cẩn thận khiến sữa tràn vào trong tai gây viêm.
- Do bé bị cảm lạnh.
- Bé sống trong môi trường ô nhiễm, có khói thuốc lá.
- Do chọc ngoáy vào tai của bé làm tai bị viêm.
- Do chất xuất tiết ở mũi họng lan lên tai giữa khiến tai giữa bị viêm nhiễm.
- Do bé bị tát hoặc sức ép do bom đạn.
Triệu chứng viêm tai giữa
- Bé bị sốt, thường là sốt cao 39-40°C, nhức đầu.
- Bé quấy khóc nhiều.
- Bé bỏ bú, kém ăn, nôn trớ.
- Bé rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày.
- Bé không phản ứng khi có tiếng động.
- Bé đau tai, khó chịu.
- Khi bệnh nặng sẽ thấy chảy mủ tai còn các triệu chứng phía trên sẽ giảm dần.
Biến chứng viêm tai giữa
Viêm tai giữa ở bé có thể gây thủng màng nhĩ, làm hỏng xương tai... ảnh hưởng đến sức nghe của bé và dẫn đến rối loạn ngôn ngữ. Nếu không được điều trị triệt để, bệnh có thể gây các biến chứng nhiễm trùng sọ não rất nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây số 7).
Cách phòng viêm tai giữa cho bé
- Giữ ấm cho bé, tránh để bé tiếp xúc với người bị bệnh.
- Để bé tránh xa môi trường có khói thuốc lá hoặc bị ô nhiễm.
- Trong sữa mẹ có rất nhiều kháng thể giúp bé chống lại bệnh tật; vì thế, không nên cho bé cai sữa sớm, Mẹ nên cho bé bú tới khoảng 2 tuổi. Nếu không có điều kiện thì cần cho bé bú mẹ ít nhất là 6 tháng đầu.
- Đặt bé nằm cao đầu khi bú bình, không cho ngậm bình sữa khi ngủ để tránh sữa chảy vào tai.
- Cho bé đi tiêm phòng đầy đủ.
- Giữ vệ sinh cho bé luôn sạch sẽ nhất là bàn tay, mũi họng.
- Dùng tăm bông thấm sạch tai nếu tai bé bị dính nước. Có thể dùng tăm bông tẩm nước muối sinh lí vệ sinh tai, mũi cho bé nhưng sau đó phải dùng tăm bông sạch thấm khô tai tránh việc tích tụ nước gây viêm nhiễm.
Cách điều trị viêm tai giữa
Bác sĩ cho bé dùng thuốc kháng sinh để hạ sốt, giảm đau kết hợp chống viêm, tiêu mủ và giảm xung huyết màng nhĩ, sát trùng mũi họng như thuốc paracetamol (lưu ý: không được dùng Aspirin).
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ tai kháng sinh cho bé.
Đắp khăn mặt ấm hoặc miếng gạc ấm lên tai của bé và cho bé nghỉ ngơi.
Cách tốt nhất là đừng để mủ hình thành trong tai giữa bằng cách điều trị triệt để các viêm nhiễm có thể gây biến chứng viêm tai như viêm V.A, viêm mũi xoang, viêm amiđan...
Theo mevabe.com