Viêm họng cấp là bệnh rất hay gặp ở bé vào mùa lạnh.
Nguyên nhân
Thời tiết lạnh, ẩm là điều kiện cho liên cầu khuẩn phát triển, gây viêm họng cấp.
Triệu chứng
Bé sốt cao (39-40°C), khản tiếng, rát họng, sụt sịt; chảy nước mũi hoặc tắc mũi, ho khan.
Sưng hạch vùng cổ hay góc hàm khiến bé khó chịu, đau, quấy khóc...
Viêm họng cấp thường diễn biến trong vài ngày, sau đó triệu chứng lui dần. Tuy nhiên, nếu viêm họng cấp bị bội nhiễm thì sẽ kéo dài hơn, gây nhiều biến chứng nguy hiểm mà cha mẹ cần đưa bé nhập viện khám và điều trị.
Các biến chứng nguy hiểm của viêm họng cấp ở bé
Sốt cao co giật trong viêm họng cấp: Hội chứng sốt cao ở bé là sốt ở nhiệt độ 40-42°C. Bé càng nhỏ thì khi sốt cao, càng hay co giật. Trường hợp này, nếu chậm cấp cứu sẽ để lại di chứng nặng nề cho bé về sau.
Cách xử trí ban đầu: Cha mẹ cần nới (cởi) bớt quần áo cho bé.
Cho bé nằm ở phòng thoáng khí nhưng không có gió lùa.
Cần cho bé uống nước, có thể dùng dung dịch oresol để bù nước và điện giải mất đi do bé sốt cao. Nếu không có oresol, mẹ có thể thay bằng nước gạo rang hay nước cháo loãng...
Đặt khăn mát lên thái dương, lên trán bé.
Cho bé uống thuốc hạ sốt khi cặp nhiệt độ thấy trên 38,5°C.
Cho bé đi bệnh viện kịp thời nếu bé không hạ sốt, sốt cao kèm co giật...
Nhiễm khuẩn huyết do viêm họng cấp: Các vi khuẩn gây viêm họng cấp có thể gây biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, viêm thận, viêm khớp... Trong đó, đáng chú ý là nhiễm khuẩn huyết biểu hiện bằng các triệu chứng sau: Sau đợt viêm họng cấp (7-15 ngày), bé đột nhiên sốt trở lại; rét run, tim đập nhanh, vã mồ hôi, rối loạn tiêu hóa, tiểu ít...
Trường hợp này, cha mẹ cần đưa bé nhập viện gấp.
Chăm sóc và điều trị
Khi bé bị viêm họng cấp, mẹ cần cho bé nghỉ ngơi. Nên giữ ấm cho bé, đặc biệt các bộ phận là cổ, ngực, gan bàn chân.
Cho bé ăn nhiều rau củ quả chứa vitamin C để tăng đề kháng.
Cần cho bé súc miệng bằng nước muỗi loãng, ấm hoặc dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cần cho bé uống đủ liều, dù các triệu chứng đã mất để đề phòng tình trạng kháng thuốc ở bé.
Phòng tránh
Cha mẹ cần giúp bé vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng cách đánh răng, súc miệng với nước muối loãng, nhỏ mũi bằng dung dịch muối sinh lý.
Tập cho bé thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé.
Chú ý giữ ấm cho bé, tránh để bé bị gió lùa.
Hạn chế cho bé tới nơi đông người, môi trường ô nhiễm. Đeo khẩu trang cho bé khi ra đường.
Cần chú ý rèn luyện thể chất cho bé để nâng cao sức khỏe, phòng được bệnh tật khi thời tiết chuyển mùa.
Theo bevame.com