Năm học 2013 - 2014, Hà Nội chính thức ban hành quy định tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao áp dụng tại một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Mặc dù đây là chủ trương đúng, phù hợp với Nghị quyết 35/2009 của Quốc hội và Luật Thủ đô, nhưng quá trình triển khai chưa hợp lý đang gây nên nhiều băn khoăn trong dư luận.
Giờ học xếp hình của học sinh Trường mầm non Bà Triệu. Ảnh: QUANG MINH
Chủ trương đúng
Nghị quyết số 35/2009/ QH12 của Quốc hội nêu: "Các cơ sở giáo dục và đào tạo được thực hiện chương trình chất lượng cao và được thu học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo". Khoản 3, Ðiều 12, Luật Thủ đô cũng khẳng định: "Xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Việc theo học tại các cơ sở giáo dục chất lượng cao theo nguyên tắc tự nguyện". Ðiều đó cho thấy, về mặt chủ trương cũng như thực tiễn, yêu cầu phát triển giáo dục đặt ra việc xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông chất lượng cao là cần thiết.
Quyết định 20/2013/QÐ-UBND của TP Hà Nội quy định cụ thể tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao áp dụng tại một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông nêu rõ nguyên tắc phát triển trường chất lượng cao (CLC) là việc học phải mang tính chất tự nguyện và phát triển ở những khu vực đã có đủ chỗ học cho các đối tượng phổ cập. Trường CLC phải được kiểm định theo quy định và được UBND thành phố công nhận; được công bố công khai, rộng rãi trong xã hội... Cũng theo quyết định này, ở mỗi cấp học, bậc học đều có những quy định cụ thể về tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình giáo dục, phương pháp giảng dạy và tiêu chí về dịch vụ chất lượng cao. UBND thành phố Hà Nội ủy quyền cho Sở Giáo dục và Ðào tạo thành lập Hội đồng kiểm định độc lập để đánh giá, đề xuất công nhận trường CLC.
Theo các chuyên gia giáo dục, chủ trương xây dựng một số trường học chất lượng cao trên địa bàn có kinh tế - xã hội phát triển như Hà Nội là phù hợp, đáp ứng được nhu cầu học tập của một bộ phận con em người dân Thủ đô. Trên thực tế, số người có nhu cầu cho con học tại trường CLC không phải là ít vì hằng năm có hàng nghìn học sinh du học tại nước ngoài hoặc "du học tại chỗ" ở các trường quốc tế mở ngay tại Việt Nam do có các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy... đáp ứng được nhu cầu học tập chất lượng cao. Vì vậy, hình thành trường CLC sẽ góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô.
Chưa rõ lộ trình triển khai
Năm học 2013-2014, trên địa bàn Hà Nội thí điểm 18 trường chất lượng cao. Bước vào năm học, chúng tôi tìm hiểu và được biết, một số trường trong danh sách thí điểm trường CLC đã thông báo mức thu học phí và khẳng định đang xây dựng mức thu mới và chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, các trường đưa ra hai phương án gồm: Phương án một, thu học phí như những năm trước và phương án hai thu học phí theo Quyết định của UBND thành phố Hà Nội công nhận trường CLC. Ðiều đó khiến cho phụ huynh, học sinh lo lắng, nếu đang ở thời điểm giữa năm học mà các trường được công nhận và thu học phí theo khung CLC thì một số gia đình không đủ năng lực tài chính để nộp. Vì vậy, học sinh sẽ phải chuyển sang những trường công lập không phải CLC trên địa bàn. Việc chuyển trường giữa chừng sẽ gây mất thời gian, ảnh hưởng tâm lý học tập, gây nên bức xúc trong phụ huynh, học sinh.
Theo Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Hà Nội Phạm Văn Ðại: Hiện nay mới đang trong quá trình triển khai các quy định về trường CLC trên địa bàn TP Hà Nội, chưa có trường học nào chính thức được công nhận là trường CLC. Khi nào được Sở GD và ÐT thẩm định thì trường mới được công nhận CLC. Khi đã được công nhận CLC, các trường mới bắt đầu được thu tiền theo khung CLC nhưng chỉ thu đối với học sinh đầu cấp. Nếu học sinh đầu cấp đã học được một thời gian, trường mới được công nhận trường chất lượng cao thì hết cả cấp học đó, học sinh vẫn học và nộp học phí theo như những năm trước. Xác định tiền thu thế nào phải có Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Ðào tạo thẩm định sau khi đã thỏa thuận với phụ huynh. Như vậy, năm học 2013 - 2014 mới đang trong giai đoạn thẩm định, công nhận cho nên sẽ thu học phí như những năm trước đây; từ năm học 2014 - 2015 nếu trường nào được công nhận trường CLC thì mới bắt đầu thu học phí theo khung trường CLC đối với học sinh đầu cấp.
Ðể tránh tình trạng phụ huynh, học sinh lo lắng không biết bao giờ phải nộp học phí theo khung trường CLC, đề nghị Sở GD và ÐT Hà Nội cần có thông tin rõ ràng, cụ thể về lộ trình và chấn chỉnh các trường trong việc thông báo thu học phí chưa phù hợp với chủ trương của ngành, tránh những áp lực tâm lý không đáng có.
Một vấn đề khiến dư luận băn khoăn khi triển khai trường CLC đó là vấn đề chất lượng giáo dục sẽ "cao" như thế nào? Theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, có năm tiêu chí xác định trường CLC gồm: cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; chương trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy; các dịch vụ CLC. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường chưa đáp ứng đủ năm tiêu chí như trên, nhất là số học sinh/lớp. Vì vậy, khi chưa đầy đủ các tiêu chí thì các trường cần cân nhắc trong việc áp dụng khung học phí. Nếu cứ áp dụng mức thu chung theo mô hình trường CLC sẽ gây ra thiệt thòi cho người học. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Hà Nội Phạm Văn Ðại, việc thu học phí của trường CLC sẽ phải thực hiện theo lộ trình. Trước hết, trong 18 trường thí điểm của Hà Nội có những trường đạt được một số tiêu chí thì chỉ thu tiền tương ứng với các tiêu chí đó. Thí dụ, trường đạt được bốn trong số năm tiêu chí thì chỉ thu tiền tương ứng với bốn tiêu chí. Khi nào nhà trường đạt đủ năm tiêu chí, thì mới được thu đủ theo mức quy định về trường CLC. Vì vậy, sẽ không xảy ra việc tất cả các trường CLC có mức thu giống nhau bởi vì mỗi trường phải căn cứ vào từng điều kiện của khu vực và tiêu chí đạt được cũng như sự thỏa thuận với phụ huynh.
Theo Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Vinh Hiển: "Ðiều quan trọng nhất trong xây dựng trường CLC là phải có thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh. Có thể trường này chất lượng cao về môn thể thao; trường khác lại thích được bồi dưỡng thêm về kỹ năng sống; có nơi muốn tăng cường luyện thi đại học... Cho nên chất lượng cao phải được thỏa thuận là cao thì cao ở cái gì; cao đến mức độ nào, và phải có sự cam kết. Nếu phụ huynh, học sinh đồng tình như vậy thì nhà trường sẽ thu tiền ở mức như thế nào. Ðể bảo đảm cam kết, phụ huynh học sinh, nhà trường và Nhà nước phải thực hiện đúng. Nhà nước chính là trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, triển khai chất lượng cao cũng cần phải tính đến vấn đề là hiện nay chất lượng thực của trường đó đến đâu, khi triển khai chất lượng cao thì cao hơn đến đâu. Trước khi làm cần có kiểm định chất lượng, xác định chất lượng hiện tại thế nào rồi cam kết sau một năm, hai năm chất lượng ra sao. Cơ quan quản lý giáo dục phải bảo đảm được việc đó và người dân có quyền được giám sát".
Chị V.T.T.H ở Cầu Giấy, Hà Nội: Con tôi đang học ở Trường THCS Cầu Giấy. Mỗi tháng hai vợ chồng có mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Ðến nay, gia đình vẫn chưa nhận được thông báo nào từ phía nhà trường về mức học phí mới. Tuy nhiên nếu áp dụng mức học phí cao ngất ngưởng như dự kiến thì tôi sẽ xin chuyển trường cho con.
GS, VS, NGND Phạm Minh Hạc: Có những điều quy định trong việc triển khai trường CLC có thuộc thẩm quyền của UBND thành phố không? Thí dụ quy định chương trình dạy thì ở nước ta chỉ có Bộ GD và ÐT được Quốc hội và Chính phủ giao cho thẩm quyền này, vậy thì chương trình của các trường CLC ở Hà Nội thế nào, ai làm, ai thông qua? Những chương trình này nhằm mục tiêu gì trong văn bản không nói? Việc dạy tiếng Anh từ bậc mầm non trong hệ thống quốc dân thì Bộ GD và ÐT chủ trương thí điểm và dạy từ lớp ba, bây giờ UBND thành phố quyết định vấn đề này liệu có phù hợp với chủ trương của Bộ GD và ÐT, là cơ quan của Nhà nước duy nhất có trách nhiệm này?
Theo Nhân Dân