Giáo dục mầm non
   Giáo viên rảnh tay 'nhờ' ti vi là 'bảo mẫu' trông trẻ
 

Hiện nay, nhiều trường mầm non công lập và ngoài công lập xảy ra hiện tượng, các cô giáo mở ti vi, đầu đĩa phim hoạt hình cho các bé xem liên tục và kéo dài, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Các cô giáo được rảnh tay còn các bé ngoan ngoãn ngồi "dán mắt" vào màn hình ngay cả lúc ăn, điều này khiến các chuyên gia, nhà tâm lý lo ngại những hệ lụy khôn lường.


Ti vi là "bảo mẫu" trông trẻ
Chị Trần Thị Hòa, khu đô thị Mỹ Đình II (Từ Liêm, Hà Nội) có con trai 3 tuổi, đang học lớp mẫu giáo tư thục trên đường Nguyễn Cơ Thạch, cho biết: "Con tôi đang học ở một trường tư thục, lần nào đến đón con cũng thấy cháu đang chăm chú xem phim hoạt hình. Tôi dặn cháu không được xem phim hoạt hình nhiều nhưng các bạn xem và cô bảo xem. Và tất nhiên, các cô mở phim hoạt hình mà chúng yêu thích như Tom và Jerry, Mr. Bean, Tôn Ngộ Không... Thời gian gần đây, tôi phát hiện cháu nheo nheo mắt, hỏi thì cháu bảo mỏi mắt".


Không chỉ các trường thành phố mà một số trường mầm non ở các tỉnh lẻ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các cô giáo muốn các bé ngồi yên một chỗ, trong khi đó các bé được xem phim hoạt hình yêu thích rất ngoan ngoãn. Chị Nguyễn Thị Trang, giảng viên một trường đại học tại Thái Nguyên, hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Hà Nội cũng chia sẻ: "Con trai tôi học lớp 4 tuổi, thời gian đến lớp phần lớn các cô mở ti vi lên cho các bé xem. Các cô giáo thường xuyên dùng phương tiện này như bảo mẫu, các cháu ngồi im lắm. Lần nào đến đón con cũng thấy các bé chăm chú nhìn vào màn hình ti vi mà lo, cứ xem như thế chẳng mấy mà ảnh hưởng đến thị lực. Tôi cũng phản ánh với cô giáo và nhà trường nhưng đâu lại vào đấy".


Trên một số diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ, chủ đề các trường mầm non cho bé xem ti vi quá nhiều được nhiều phụ huynh tham gia. Bạn có nickname Namyeu24 trên diễn đàn Làm cha mẹ chia sẻ: "Con trai lớn nhà em đi trẻ từ năm 3 tuổi toàn xem phim hoạt hình ở trường, về nhà cứ đòi bố mẹ mua Tom và Jerry. Hậu quả là năm nay cháu vào lớp 1 mà đã bị cận. Mỗi khi nhìn chữ lâu, cháu hay chảy nước mắt".


Hầu hết các lớp học tại các trường mầm non được trang bị một ti vi màn hình cỡ lớn và đầu đĩa


Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, giám đốc trung tâm tư vấn tâm lý Rồng Việt cho rằng: "Trước tiên, cho trẻ xem ti vi nhiều, ảnh hưởng đến thị lực. Ngoài ra, trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến khả năng giao tiếp và ngôn ngữ. Ti vi không phải là nguyên nhân gây ra cho trẻ tác động xấu như tự kỷ, chậm nói, trí não kém phát triển mà ti vi chỉ là yếu tố khiến trẻ thụ động trong giao tiếp. Đặc biệt trẻ mà có nguy cơ bị trầm cảm, tự kỷ nếu xem ti vi nhiều. Một nguyên tắc, trẻ em dưới 2 tuổi không nên cho xem ti vi, nếu muốn cho trẻ xem thì chỉ xem khoảng 15 phút, một tuần chỉ một đến hai lần".


Cũng theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, thực tế, nhiều gia đình, nhà trường trong lúc cho trẻ ăn thường mở ti vi để trẻ dễ ăn hơn. Vừa ăn vừa xem ti vi trẻ chỉ nhai trong vô thức, chỉ ngậm và nuốt điều này sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của trẻ.


Khó bảo, tư duy chậm và dễ bốc đồng
Các cháu sẽ ngồi ngoan ngoãn thưởng thức những bộ phim hoạt hình cả ngày mà không chán. Tuy nhiên, tính giáo dục của các bộ phim này đến đâu, cả cô giáo và các bậc phụ huynh không hề hay biết. Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng: "Các cháu sẽ rất dễ bắt chước theo nhân vật như Mr Bean, mắt thường trợn lên, lè lưỡi, nhún vai, còn Tom và Jerry thì chạy, ném, xô đẩy nhau. Nói chung, tất cả những phim đó có những hạn chế về mặt giáo dục. Nếu cứ cho các cháu xem liên tục và nhiều lần, lâu dần trở thành thói quen, phản xạ ngấm dần vào trẻ. Dù các bộ phim đó không phải độc hại, nhưng lại có những hành động kích động dẫn tới trẻ dễ bắt trước theo và khó kiểm soát được hành vi".


Đồng quan điểm với ông Lê Khanh, chuyên gia tâm lý Nguyễn Lâm Thúy cho rằng: "Xem ti vi ở độ tuổi trẻ mầm non cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực, giúp các em thêm thông tin, vốn từ. Tuy nhiên, mặt tiêu cực như các em sẽ lười vận động, đây là nguy cơ của bệnh về mắt, béo phì, tim mạch, tự kỷ. Hơn nữa, xem ti vi chỉ là giao tiếp một chiều, các em chỉ nghe, không thực hành nên dẫn đến tư duy chậm, đây cũng là nguyên nhân nhiều trẻ hiện nay chậm nói khá nhiều."


Trước việc nhiều phụ huynh phản ánh về việc các cô giáo mở ti vi cho các bé quá nhiều một ngày. Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội thừa nhận, ở một số trường có xảy ra hiện tượng này: "Đúng là có hiện tượng đó xảy ra ở một số trường như nhiều phụ huynh đã phản ánh. Tuy nhiên, trường nào có hiện tượng này mong rằng các bậc phụ huynh nên trao đổi trực tiếp thẳng thắn với cô giáo và nhà trường. Một nguyên tắc đó là phụ huynh và nhà trường cùng phối hợp trong việc chăm sóc và giáo dục con trẻ".


Còn chị Nguyễn Thùy Trang, quản lý một trường mầm non trên đường Vũ Phạm Hàm (Hà Nội) cho biết: "Ở một số trường có tình trạng giáo viên cho các cháu xem ti vi nhiều để nhàn hơn. Điều này hầu như xảy ra ở trường qui mô nhỏ, ít giáo viên thiên về chăm sóc như một nhà trẻ chứ không thiên về dạy học. Các trường hiện đại sẽ có camera theo dõi để các bậc phụ huynh biết được con mình hàng ngày được học gì, ăn gì và hoạt động như thế nào. Các bậc phụ huynh cần tìm hiểu rõ trường học cho con em mình trước khi cho con học".


Lệch lạc về giáo dục

"Trẻ em tiếp xúc với ti vi là cần thiết nhưng mức độ, thời lượng xem và nội dung chương trình như thế nào cho phù hợp thì phụ huynh và cô giáo phải tự tìm hiểu. Nhiều trường mầm non hiện nay cho các cháu xem ti vi nhiều quá rất nguy hiểm, lệch lạc giáo dục. Đó là sự giáo dục không có chiều sâu, chỉ được việc cho cô giáo và nhà trường, điều này không thể chấp nhận được. Ở lớp xem ti vi, về nhà cũng xem ti vi, không nói chuyện với cha mẹ ông bà, bố mẹ, điều này rất nguy hiểm đến sự phát triển nhân cách sau này của trẻ. Các lớp mẫu giáo cần phải có qui định cụ thể giờ bật giờ tắt ti vi khi cho các cháu xem và phải thực hiện nghiêm điều này. Các cấp quản lý về giáo dục cũng cần quan tâm, thường xuyên kiểm tra vấn đề này, nếu trường nào vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép đối với các trường vi phạm", PGS. Văn Như Cương nói.


Theo nguoiduatin.vn

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Giáo dục loay hoay bài toán ‘gốc’ hay ‘ngọn’ (18/9)
 Gửi trẻ ở cơ sở ngoài công lập: May nhờ rủi chịu! (17/9)
 Gò Vấp: Không đạt chuẩn, các nhóm lớp mầm non đều bị đóng cửa? (17/9)
 Phổ cập mầm non 5 tuổi: Còn lắm chông gai (16/9)
 Cơ sở mầm non ngoài công lập : Nhiều giáo viên chưa được đào tạo bài bản (13/9)
 Hà Nội đã hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi (12/9)
 Quản lý Nhóm lớp mầm non tư thục: Quan trọng là “hậu kiểm” (11/9)
 Một nhu cầu đang bị “bỏ quên” (10/9)
 Mẫu giáo Nhật làm tôi "choáng váng" (9/9)
 “Trắng” cán bộ y tế tại "trường" mầm non tư thục (6/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i