Mang thai và sinh đẻ
   Những kiến thức cần thiết khi nuôi trẻ.
 

Những lưu ý cho các bà mẹ trẻ khi sinh con lần đầu

Chỉ có hai vợ chồng trẻ, chưa từng làm bố mẹ bao giờ! Sắp tới ngày sinh nở, những lời khuyên như: phải mua đủ nồi đất, muối hột, than, dầu khuynh diệp, cam thảo, rượu quế làm bạn rối tung cả lên. Bác sĩ của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn khi vượt cạn lần đầu.

Những quan niệm sai lầm cần tránh:

"Bà đẻ" là một bà trùm đầu, bông gòn nút kín lỗ tai, chân mang vớ, bước đi chậm chạp... Dưới gầm giường, một mẻ lửa than cháy suốt ngày đêm. Bà đẻ không tắm gội gì suốt cả tháng trời. Bà chỉ ăn thịt kho mặn, muối tiêu không ăn rau... Đó là chân dung một "bà đẻ" xưa.

Hiện nay có thể gặp những hình ảnh trái ngược: Phụ nữ sau sinh nằm phòng máy lạnh, mặc áo ngủ mỏng, ăn uống không kiêng cữ...

Cả hai cách chăm sóc phụ nữ mới sanh kể trên đều có ưu điểm, khuyết điểm. Cần linh động để áp dụng trong từng trường hợp cụ thể :

  Nằm kín gió hàng tháng trời, hơ lửa cho mẹ và bé ...: Nên làm nếu ở vùng lạnh, nhiều gió. Phải giữ ấm cho cả mẹ và con. Ở các vùng phía Nam, nhiệt độ môi trường thường cao. Việc nằm hơ lửa có thể mang lại những điều tai hại: Mẹ và con đổ mồ hôi suốt ngày, cơ thể mất nước. Da ẩm thường xuyên dễ bị hâm lở, viêm da...

 Ăn uống kiêng khem quá mức: Không nên.

 Hãy ăn theo khẩu vị thường ngày, không nên ăn mặn hơn. Tránh các gia vị có mùi nồng, cay như hành, tỏi... Tránh các thức uống như rượu, bia, cà phê...

 Cữ nước, không tắm gội suốt cả tháng: Không nên.

 Nếu không tắm rửa thường xuyên, các lỗ chân lông sẽ bị bít lại. Vi trùng có cơ hội phát triển gây viêm da, ngứa ngáy. Chưa kể mùi mồ hôi được "tích trữ" hàng tháng cộng với mùi dầu, rượu nóng xoa bóp hàng ngày gây khó chịu cho mọi người.

Chuẩn bị cho người sinh lần đầu:

 Vài chiếc váy rộng, dài vừa phải để dễ làm vệ sinh. Áo may rộng để dễ cho bé bú. Nếu ở vùng lạnh, chuẩn bị thêm vài chiếc áo len, khăn quàng, vớ len... .

 Khoảng mươi gói băng vệ sinh, loại dày cho tuần đầu: Sản dịch nhiều. Loại mỏng hơn cho hai tuần sau.

 Có thể mua một ít dầu gió, khuynh diệp... nhưng cần tránh loại có mùi làm bé khó chịu.

 Cố gắng nghỉ sớm ba bốn tuần trước ngày dự sinh. Vận động nhẹ nhàng, không nên xách nặng, leo thang hay đi xe trên các đoạn đường xóc dằn. Không đi xa trong những tháng cuối của thai kỳ vì rất dễ sinh sớm, đẻ rớt.

 Vào những ngày cuối của thai kỳ, sự mệt mỏi thường làm bạn biếng ăn. Tử cung to lên, chèn ép dạ dày nên bạn thường có cảm giác đầy bụng, ăn mau no. Nên ăn nhiều bữa nhỏ, ăn các thức ăn bạn ưa thích, thức ăn mềm, uống sữa... Phải ăn rau quả để tránh táo bón nhất là trong những ngày sắp sinh.

 Có thể bạn sẽ cảm thấy sợ hãi. Hãy tìm sự chia sẻ nơi chồng, mẹ và cả nơi đứa con sắp chào đời của bạn nữa, bạn nên hít thở sâu và đều. Chú ý tránh té ngã. Phải tuân theo mọi hướng dẫn của bác sĩ và nữ hộ sinh trong phòng sanh, để bé và bạn được an toàn nhất.

Các việc cần quan tâm sau khi sinh:

 Mới sinh xong, nên uống một ly sữa nóng, đắp mền ấm và ngủ một chút. Nếu đói có thể ăn

 Sau khi sinh vài tuần, mẹ và bé nên ra ngoài buổi sáng, hít thở không khí trong lành, vận động nhẹ nhàng.

 Khi cương sữa, ngực căng, có thể sốt nhẹ, nên chườm ngực với nước ấm và hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc.

 Cho bé bú sữa non càng sớm càng tốt, cho bú nhiều lần trong ngày.

 Các món giàu chất dinh dưỡng: Giò heo hầm đu đủ, gà ác tiềm thuốc bắc, rau lang nấu vú sữa bò... Suốt thời gian cho con bú, cần ăn thêm một bữa một chén cơm, uống từ 1-2 ly sữa mỗi ngày và uống thêm nhiều nước.

 Hàng ngày phải ngâm, rửa vùng kín hai ba lần với thuốc sát trùng sản khoa và rửa sạch sau khi tiểu.

 Vài ngày sau khi sinh có thể tắm gội với nước ấm.

Lưu ý:

 Cần chú ý báo ngay với bác sĩ nếu sản dịch đậm đen, có mùi hôi hoặc người mẹ bị sốt.

 Trước và sau khi cho bé bú, nên làm vệ sinh vú sạch sẽ bằng nước ấm.

 Ðừng quên hỏi bác sĩ về việc tránh thai sau khi sinh trong thời gian chưa hành kinh lại.

 Nên tranh thủ ngủ khi bé ngủ ban ngày.

Tắm cho trẻ sơ sinh

Với các bạn gái mới lần đầu làm mẹ, tắm cho trẻ sơ sinh hẳn là một công việc đầy khó khăn và vất vả. Nhưng với những bà mẹ kinh nghiệm cho rằng, một khi bạn nắm được kỹ thuật "khống chế" được đầu và cổ của bé thì việc tắm cho con cũng như là một hình thức thư giản "gây nghiện" nữa. Tại sao vậy? Bạn cứ thử xem, đứa trẻ sau khi được tắm táp "ngon lành", chúng thật thơm tho, sạch sẽ, và "sản phẩm" tuyệt hảo ấy là do chính bạn làm ra.

Bạn nên lưu ý một số điều sau đây khi tắm cho trẻ sơ sinh:

 Bạn có thể tắm cho trẻ vào bất cứ thời gian nào trong ngày. Nhưng trẻ thường ngủ sau khi được tắm (như là một hình thức thư giãn), vì vậy tốt hơn hết bạn hãy tắm trẻ vào khoảng thời gian trước khi bé ngủ.

 Ðừng bao giờ tắm vào lúc trẻ đói bụng. Nó sẽ khóc lóc, quẫy đạp lung tung. Và cũng không nên tắm khi mới vừa cho chúng ăn no xong, bỡi vì những cử động mạnh sẽ dễ làm trẻ bị ộc thức ăn.

 Ðể bé cảm thấy thoải mái, bạn nên tắm cho trẻ ở những nơi ấm áp. kín đáo, tránh gió lùa. Tắm cho trẻ sẽ dễ dàng hơn với tư thế đứng ở một chậu tắm cao vừa phải (cỡ đến ngực là vừa).

 Chuẩn bị đầy đủ mọi thứ trước khi tắm cho trẻ: sữa tắm, dầu gội đầu, nước thơm (lotion) và mọi thứ cần thiết. Xem nhiệt độ của nước có đủ độ nóng chưa, nước sẽ vừa phải với nhiệt độ khoảng 36,5 độ là được. Cho vài giọt sữa tắm vào chậu rồi khuyấy đều lên...

Sau đây là 8 bước cụ thể để tắm cho con bạn:

1. Bỏ hết quần áo trẻ trừ tã lót. Quấn trẻ trong khăn tắm trong khi bạn lau mặt và đầu của trẻ.

2. Dùng bông sạch thấm vào nước cho mềm để lau mắt cho trẻ, bắt đầu lau từ phía đầu mắt đến đuôi mắt. Bạn nên sử dụng hai miếng bông khác nhau cho mỗi mắt để tránh nhiễm trùng.

3. Rửa phần còn lại của mắt, mũi, sau cổ và tai với một chiếc khăn thật mềm.

4. Muốn gọi đầu cho bé, bạn hãy giữ trẻ thật vững với người tì vào bạn, đầu trẻ cao hơn chậu nước tắm, tay đỡ dưới gáy và cổ trẻ. Dùng tay còn lại xoa đầu vào tóc trẻ, nhớ là phải xoa thật nhẹ nhàng, tuyệt đối không gãi và cào. Gội lại bằng nước sạch, lau cho thật khô tóc bằng khăn sạch.

5. Bỏ tả ra, đặt trẻ vào trong chậu nước, một tay đỡ cổ và vai trẻ, té nước nhẹ nhàng xoa khắp người trẻ. Nếu thích, bạn có thể dùng chiếc khăn mềm thay vì dùng tay. sau khi tắm xong phần trước, bạn hãy xoay trẻ lại và tắm lưng cho chúng. Nhớ tắm rửa thật kỹ mông và bộ phận sinh dục...

6. Nhấc trẻ ra khỏi chậu tắm và đặt vào một chiếc khăn to, khô. Thấm khô trẻ từ cổ trở xuống. Phải nhớ lau khô phần dưới cằm, nách, và các kẽ tay, chân.

7. Nên làm sạch rốn bằng cồn và tăm bông mềm. Lau sạch xung quanh rốn. Ðừng ngại trong việc vệ sinh cuống rốn cho bé. Khó có sự nhiễm trùng vì cuống rốn sẽ tự rụng từ 6 đến 10 ngày sau.

8. Mặc tả mới và quần áo mới vào cho trẻ. Bạn có thể chải tóc cho trẻ bằng lược mềm.

Thế đấy, tắm cho trẻ cũng đâu phải dễ dàng, nhưng nếu biết cách, chẳng mấy chốc bạn sẽ nghiện vì thích! Nào, hãy thử xem...

Một số vật dụng cần có trước khi tắm cho trẻ

 Chậu tắm bằng nhựa

 Khăn mặt và khăn tắm, bạn nên chọn loại 100% là cotton.

 Sữa tắm

 Bông lau mặt

 Tăm bông

 Cồn

 Quần áo sạch, tất, găng tay...

 Một cái chén nhỏ để đựng nước nhúng ướt bông lau mắt cho bé.

 Phấn thơm, nước thơm thoa sau khi tắm. (TGPN)

Sặc sữa, một tai biến nguy hiểm đối với trẻ mới sinh

Cháu mới sinh được một tháng, đang tu bình sữa ngon lành bỗng ho sặc lên mấy tiếng rồi lịm đi, không thở nữa... Người mẹ hốt hoảng kêu ầm lên, cả nhà đổ xô lại lay gọi rối rít. Một bầu không khí lo sợ, hoảng hốt bao trùm gia đình, nhưng không ai biết cách cứu chữa ra sao, trong khi đứa bé cứ lịm dần đi, tím tái. Một người nhà nhanh chân chạy đi gọi xích lô. Bà mẹ ủ kỹ con trong một chiếc khăn to bế ra xe, mặt đầy nước mắt.

Nhưng tất cả đều đã muộn, khi đến bệnh viện mở khăn ra cháu bé đã chết do sặc sữa.

Một cháu trai bụ bẫm gần bốn tháng tuổi đang được mẹ cho tu bình sữa. Người mẹ vừa cho con ăn, vừa âu yếm cười nói với nó. Đứa bé vừa tu bình, vừa hóng chuyện, thỉnh thoảng lại toét miệng cười. Rồi tai biến bất ngờ bỗng xảy ra đứa bé bị sặc sữa. Và cháu bé cũng đã chết trước khi đến bệnh viện.

Sặc sữa là một tai biến vô cùng nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh. Trong thực tế đời sống chuyện đau lòng này vẫn thường xảy ra. Khi trẻ bị sặc sữa, sữa tràn vào khí quản, phế quản, thậm chí chui vào tận các phế nang, làm tắc các đường hô hấp hoặc cản trở quá trình trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch, làm trẻ chết nhanh chóng vì thiếu ôxy do tắc đờng hô hấp. Tỷ lệ tử vong do sặc sữa rất cao.

Là bố mẹ ai cũng muốn chăm sóc con chu đáo, nhưng đôi khi chỉ do một sơ suất rất nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Qua tìm hiểu những trường hợp bị sặc sữa, thấy hầu hết các cháu được nuôi nhân tạo, rất ít khi tai biến này xảy ra do trẻ bú sữa mẹ. Như vậy có nhiều vấn đề cần đặt ra ở đây.

Trước hết phải chú ý đến bầu vú cao su. Lỗ thông của đầu vú cao su không nên đục quá rộng, vì lỗ thông to, sữa sẽ chảy nhanh, chảy mạnh, trẻ không nuốt kịp sẽ bị sặc.

Tốt nhất là nên đục 1-2 lỗ nhỏ ở bên núm vú. Khi cho trẻ bú nên nghiêng chai khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông, trẻ không phải mút nhiều khí dễ bị nôn sau bữa ăn. Trong khi cho con ăn, người mẹ cần chú ý theo xem sữa có xuống nhiều quá không, trẻ có nuốt kịp không? Phải cho trẻ ăn từ từ, không nên vội vàng, nhất là đối với những trẻ yếu, trẻ non tháng.

Ðối với những trẻ 3-4 tháng đã bắt đầu biết tiếp xúc với những người chung quanh , tai nạn sặc sữa vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân vì các bà mẹ vừa cho con ăn, vừa nói chuyện với nó. điều này rất không nên, vì trẻ mải hóng chuyện có thể ngậm sữa trong miệng không chịu nuốt, còn ngửa cổ quá trẻ sẽ bị sặc sữa lên mũi.

Khi trẻ ho hoặc khóc ta phải ngừng ngay, không cho sữa chảy tiếp tục xuống miệng trẻ nữa.

Sặc sữa là một tai biến rất nguy hiểm, đòi hỏi phải được xử trí cấp cứu tại chỗ. Hầu hết các cháu bị sặc sữa đều chết nhanh không kịp tới bệnh viện là do không được xử trí cấp cứu ngay sau khi tai biến xảy ra, Nên nhớ là khi trẻ bị sặc, sữa đã lọt vào khí quản, cho nên điều trước hết là phải cho sữa ra khỏi đường hô hấp. Cách nhanh nhất và đơn giản nhất gia đình có thể làm ngay được là người lớn dùng miệng hút mạnh mũi và miệng trẻ. Hút càng mạnh, càng nhanh càng tốt, nếu để chậm sữa sẽ vào sâu trong khí quản, hút khó ra, trẻ bị tắc thở lâu khó cứu. Khi hút sữa xong, nên kích thích mạnh để trẻ khóc và thở được. Ngay sau đó khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện nào gần nhất để các thầy thuốc tiếp tục cứu chữa và giải quyết hậu quả.

(W. Nutifood)


 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Những bước chuẩn bị trước khi có em bé. (4/9)
 Sẩy thai và cách phòng ngừa. (4/9)
 Thai phụ không nên uống aspirin. (4/9)
 Ăn hải sản khi mang thai có an toàn! (4/9)
 Dùng testosteron không giúp sinh con trai. (27/8)
 Suy thai trong tử cung có thể biết trước được không. (27/8)
 Có bầu vẫn ăn diện được. (27/8)
 Các món ăn bồi bổ cho sản phụ. (27/8)
 Bổ sung iốt cho trẻ ngay từ thời kì mang thai. (27/8)
 Bệnh gan ảnh hưởng đến thai nhi ra sao. (27/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i