Mang thai và sinh đẻ
   Suy thai trong tử cung có thể biết trước được không.
 

Thai đến tháng thứ 8, đi khám thai mới biết đã không còn tim thai, vậy làm thế nào để biết thai suy để điều trị? Khi biết thai đã chết quá 48 giờ, cần xử trí thế nào? Thai chết lưu có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ người mẹ?

Được khám thai thường xuyên là cách tốt nhất để phát hiện thai suy và là cách để hạn chế biến cố thai chết trong tử cung.

Không thể phòng ngừa 100% các trường hợp thai chết trong tử cung vì nếu thai bị dây rau cuốn cổ trong tử cung, ngoài thời kỳ chuyển dạ thì chỉ trong vài phút đã có thể làm cho thai chết. Biến cố này hoàn toàn có thể xảy ra, ngoài tầm kiểm soát hiện nay và thai có thể chết ở bất cứ thời điểm nào của thai nghén.

Với sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hiện đại (Doppler, siêu âm tim, định lượng nội tiết) việc chẩn đoán thai chết ngày nay đã trở nên đơn giản hơn nhiều. Tim thai có thể phát hiện được từ tuần lễ thứ 6 của thai nghén bằng phương pháp siêu âm hình ảnh động (real-time ultrasound device) và từ tuần lễ thứ 10-12 bằng kỹ thuật Doppler.

Vì nguyên nhân của thai chết lưu rất khác nhau cho nên chỉ có biện pháp dự phòng chung: Chú ý bảo vệ thai nghén, tốt nhất là đi khám thai sớm và đều đặn. Phát hiện và điều trị sớm những nguyên nhân có ảnh hưởng xấu đến thai, thường gặp nhất là nhiễm độc thai nghén, viêm thận, các bệnh nhiễm khuẩn.

Ngoài ra người phụ nữ cũng cần tuân theo một số nguyên tắc vệ sinh cơ bản của thời kỳ thai nghén: tránh mọi lao động nặng nhọc, mọi lo âu phiền muộn, ăn uống đủ chất cho thai phát triển tốt. Sự tái diễn thai chết lưu phụ thuộc vào nguyên nhân sinh bệnh, do đó nhiều nguyên nhân có thể dự phòng được.

Gọi là thai chết lưu khi thai bị chết trong tử cung nhưng không bị nhiễm khuẩn, không bị đẩy ra ngoài ngay và bị giữ lại trong tử cung quá 48 giờ. Khác với những trường hợp thai chết sau 20 tuần nhưng không lưu trong tử cung mà bị đẻ non trước 48 giờ. Trong những trường hợp này, hầu hết thai có thể bị chết trong khi mang thai, chiếm tỷ lệ khoảng 86% (theo dữ liệu nước ngoài); còn thai chết trong lúc chuyển dạ hay khi đẻ chỉ chiếm 14%. Về nguyên nhân có đến 50% số trường hợp thai chết không thấy có vấn đề gì, rất nhiều khi người mẹ không ngờ tới.

Nguyên nhân gây ra thai chết rất phức tạp và nhiều khi không xác định rõ. Có thể do bệnh ở người mẹ như nhiễm độc thai nghén (cao huyết áp khi có thai), viêm thận, đái tháo đường, bất đồng giữa mẹ và thai, mẹ mắc bệnh do virus, do ký sinh trùng (toxoplasma gondii).

Có thể do bệnh ở thai và phần phụ của thai như thai già tháng, dị dạng dây rốn, rau bệnh lý.

Có thể do nguyên nhân ở thể nhiễm sắc và gien.

Ngoài ra nhiễm độc hoá chất trong lúc có thai cũng có thể gây ra thai chết.

Khi biết thai đã chết quá 48 giờ, cần xử trí thế nào?

Nếu không có lý do gì khẩn cấp phải cho thai ra ngay thì có thể có thể xét đến việc gây chuyển dạ để kết thúc thai nghén trong vòng 2 tuần, đồng thời chuẩn bị các xét nghiệm cần thiết (định lượng sinh sợi huyết, thời gian đông máu chảy máu…) đề phòng bị chảy máu nhiều khi gây chuyển dạ.

Phần lớn do tâm lý không muốn mang một thai đã chết nên người bệnh muốn được gây chuyển dạ bằng thuốc sớm hơn 2 tuần và cũng để phòng ngừa những vấn đề về tạo thành cục máu sau 2 tuần. Thường tạo cơn co tử cung bằng cách truyền dung dịch có pha oxytocin. Nếu gây chuyển dạ bằng thuốc không kết quả mới phải chỉ định mổ lấy thai (trước đây, ít khi mổ lấy thai khi thai đã chết mà cố gắng giải quyết theo đường dưới).    

Có nguy cơ gì khi xử trí thai chết vào 3 tháng cuối của thai nghén?

Kích thích bằng thuốc để gây chuyển dạ. Chảy máu và nhiễm khuẩn là những biến cố cần đề phòng. Vì vậy việc xử trí thai chết lưu cần được tiến hành ở cơ sở y tế có đủ phương tiện và thuốc men. Giảm sinh sợi huyết trong máu phát triển từ 4-5 tuần sau khi thai chết do sự giải phóng chất thromboplastine từ rau đã thoái hoá, gây chảy máu máu không đông.

Thai chết lưu có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ người mẹ?

Thai có thể bị chết sớm trước 3 tháng hoặc muộn hơn (4-8 tháng) hoặc đã bước vào thời kỳ đủ tháng. Tuỳ thuộc vào thời gian thai chết vào lúc nào, thai sẽ bị tan biến hết hoặc teo nhỏ hoặc bị bong ra. Thông thường thai chết trước khi người mẹ cảm thấy và nhận thấy một vài dấu hiệu bất thường như tự nhiên hết cảm giác nghén, mất cử động của thai, tử cung nhỏ dần, ra sữa non, ra máu đen... Sức khoẻ của người mẹ nói chung không có gì thay đổi.

Khi thai nghén đã phát triển quá 4 tháng rưỡi thì dấu hiệu đầu tiên mà người mẹ cảm nhận được là không thấy thai máy, kèm theo không nghe thấy tim thai nữa. Các dấu hiệu có thai có thể vẫn tồn tại. Lúc này nếu chụp X quang thai thì sẽ thấy các dấu hiệu thai đã chết, ví dụ như xương sọ của thai chồng lên nhau (dấu hiệu Spalding), có hình ảnh khí trong các mạch máu lớn (dấu hiệu Robert) và cột sống của thai quá cong hoặc gấp góc. Những dấu hiệu này là do những thay đổi thoái hoá ở thai.

Có thể phòng ngừa thai chết không?

Khác với trước đây 2 thập niên, số thai chết trong bụng mẹ đã giảm đi gần 50%, ấy là do việc quản lý các bệnh khi có thai tốt hơn, nhất là bệnh cao huyết áp và tiểu đường, 2 bệnh làm tăng nguy cơ thai chết.

Bệnh không hoà hợp máu giữa mẹ và thai do có yếu tố Rh cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra thai chết tính cho đến trước thập kỷ 60 thế kỷ trước nhưng ngày nay đã có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm cho người mẹ có Rh âm immune globulin vào tuần lễ 28 của thai nghén và tiêm lại lần nữa sau khi đã sinh ra một thai có Rh dương.

Những thai nghén có nguy cơ cao cần được theo dõi kỹ vào giai đoạn cuối của thai nghén. Những kỹ thuật theo dõi nhịp tim thai thường có thể cho biết thai có bình thường hay không; nếu có cần được điều trị và đôi khi có thể cứu sống thai. 

Ngày nay, các phụ nữ bị tiểu đường và cao huyết áp được kiểm soát tốt ít khi có nguy cơ bị thai chết. Các thầy thuốc thường khuyên các phụ nữ có thai dù có nguy cơ cao hay thấp cũng đều nên đếm số lần thai máy mỗi ngày kể từ tuổi thai khoảng 26 tuần. Nếu thấy số lần thai máy dưới 10 lần hay khi cảm thấy thai máy yếu hơn thường thấy thì nên gặp thầy thuốc để đánh giá sức khoẻ của thai (bằng chạy máy monitor sản khoa để theo dõi nhịp tim thai trong nhiều giờ và làm siêu âm thai.

Nếu phát hiện thai có vấn đề thì tiến hành nhiều biện pháp khác nữa giúp phòng ngừa nguy hiểm cho thai. Phụ nữ không nên hút thuốc lá, uống rượu hay tự mình sử dụng thuốc vì những thứ này làm tăng nguy cơ gây thai chết và các biến chứng khác cho thai. Khi có chảy máu cũng cần báo ngay cho thầy thuốc vì có thể là dấu hiệu nhau bong, nhất là vào nửa sau của thai nghén. Nếu đã có tiền sử thai chết thì cần được theo dõi sít sao, sử dụng mọi biện pháp cần thiết để phòng ngừa thai chết.

BS ĐÀO XUÂN DŨNG
Chuyên khoa II, Sản phụ khoa


 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Có bầu vẫn ăn diện được. (27/8)
 Các món ăn bồi bổ cho sản phụ. (27/8)
 Bổ sung iốt cho trẻ ngay từ thời kì mang thai. (27/8)
 Bệnh gan ảnh hưởng đến thai nhi ra sao. (27/8)
 Sự phát triển của bé và những biến đổi trong cơ thể mẹ bé. (21/8)
 Mách mẹ bé một số cách dễ chịu khi mang thai. (21/8)
 Các dấu hiệu bất thường của thai kỳ. (21/8)
 Làm thế nào để mẹ và bé điều khỏe. (21/8)
 Vitamin C làm giảm biến chứng của thai kỳ. (21/8)
 siêu âm thai chỉ 3 lần là đủ. (15/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i