Dựa trên các nghiên cứu và khảo sát thực tế, giáo sư Michael Lee và các đồng nghiệp ở Đại học Ilinois (Mĩ) đã đưa ra tổng kết về sự thay đổi chế độ ăn của trẻ từ sơ sinh đến độ tuổi thiếu niên.
Chế độ ăn từ 0 - 1 tuổi
Giáo sư Michael Lee cho biết dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ, các bà mẹ không nhất thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt qui định về khối lượng thức ăn và thời gian cho ăn đối với bé. Các mẹ nên học cách phân biệt được ý muốn của con thông qua tiếng khóc. Khi bé khóc, đầu tiên bạn kiểm tra xem bé có cần thay tã không, nếu không bạn chấm nhẹ ngón tay hai bên mép bé, thấy bé quay đầu về hai bên theo ngón tay thì đó là dấu hiệu bé đang đói.
Chế độ ăn của bé 0 - 1 tuổi được thay đổi theo từng giai đoạn nhỏ, cụ thể như sau:
0 - 3 tháng tuổi
Trong giai đoạn này, các mẹ không cần tuân theo nguyên tắc nào về thời gian mà cứ thấy con đói là cho bú, không nhất thiết hạn chế số lần cho con bú. Nhưng cũng nên chú ý là có ít nhất một bữa trong ngày phải đảm bảo bé được bú no theo nhu cầu.
Chế độ ăn khoa học nhất cho trẻ qua các giai đoạn 1
4 - 6 tháng tuổi
Thông thường, trong giai đoạn này số bữa ăn trong ngày của trẻ giảm xuống 6 - 8 bữa một ngày. Giáo sư Lee nhấn mạnh, từ tháng thứ 5 trở đi, tốt nhất không nên cho trẻ bú từ lúc nửa đêm trở đi để tập cho bé thói quen không ăn đêm. Sữa cho trẻ có thể hoàn toàn là sữa mẹ hoặc bổ sung thêm sữa công thức, nếu bắt đầu cho bé ăn dặm thì thức ăn chỉ nên ở mức "gọi là" và không lấn át các bữa sữa chính.
7 - 10 tháng tuổi
Bữa ăn của trẻ được giảm xuống 6 bữa/ngày, trong đó bao gồm 4 - 5 bữa sữa và 1 - 2 bữa ăn dặm. Trong khoảng thời gian trước khi bé ngủ hoặc sau khi ăn no tính cho đến khi thức dậy vào buổi sáng hôm sau không nên cho bé ăn thêm thức ăn khác.
10 - 12 tháng tuổi
Gần 1 tuổi, bữa ăn của bé giảm xuống 5 bữa một ngày, trong đó bao gồm 3 bữa sữa, 2 bữa ăn. Bữa sáng của bé nên có sữa, trứng gà, bánh mì hoặc bánh bao. Trong giai đoạn này, tốt nhất trong bữa ăn chính của gia đình vào buổi trưa hoặc buổi tối nên cho bé uống thêm 600 ml sữa trở lên.
Chế độ ăn từ 1 - 3 tuổi
Trong độ tuổi này, những chiếc răng sữa đầu tiên đã xuất hiện, bé có thể chuyển sang thức ăn dạng đặc để tập nhai, đồng thời làm đa dạng hóa thức ăn hấp thu vào cơ thể. Các mẹ cũng bắt đầu đưa bé vào "khuôn khổ": ăn đúng giờ, đúng bữa, không vừa ăn vừa chơi hoặc xem ti vi...
Một điều cần chú ý là các mẹ không nên ép con ăn bằng mọi cách hoặc cho con đi ăn rong vì như vậy ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe dạ dày của bé.
Chế độ ăn khoa học nhất cho trẻ qua các giai đoạn 2
Chế độ ăn từ 3 - 6 tuổi
Thức ăn cho trẻ nên phong phú về thành phần, tuy nhiên ngũ cốc luôn đóng vai trò chính. Thường xuyên cho bé ăn cá, thịt gia cầm, trứng, thịt lợn nạc, ăn nhiều rau tươi và trái cây. Hạn chế uống nước ngọt, thay vào đó nên uống một lượng sữa ổn định hàng ngày. Cũng nên uống đậu nành và các sản phẩm chế biến từ đậu tương.
Trong độ tuổi trước khi đi học tiểu học này, bé cần đảm bảo được ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, cộng thêm 1 - 2 bữa ăn nhẹ. Không để trẻ vừa ăn vừa chơi hoặc xem tivi và cho phép trẻ lựa chọn món ăn trong giới hạn cho phép.
Chế độ ăn trong độ tuổi nhi đồng, thiếu niên
Độ tuổi này hình thành thói quen ăn uống phù hợp với nhu cầu sinh lý, thông thường trẻ vẫn ăn đều đặn 3 bữa mỗi ngày, mỗi bữa cách nhau 4 - 6 giờ đồng hồ. Phân bổ lượng thức ăn trong 3 bữa theo tỷ lệ hợp lý: ăn sáng 25 - 30% tổng năng lượng cần cung cấp cho một ngày, ăn trưa chiếm 30 - 40%, ăn tối chiếm 30 - 40%. Bữa tối không nên ăn đồ ngọt thay cho thức ăn chính.
Các mẹ cần lưu ý rằng nếu bữa sáng không đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng thì không chỉ ảnh hưởng đến năng lực tiếp thu kiến thúc và hoạt động thể chất của bé ở trường mà còn không có lợi cho hệ thống tiêu hóa và sức khỏe của bé. Vì vậy, một bữa ăn hợp lý về thành phần dinh dưỡng nên bao gồm sữa tươi hoặc sữa đậu nành, trứng, thịt nạc hoặc các loại thực phẩm giàu protein. Rau và trái cây cũng là thành phần được khuyến khích trong bữa sáng.
Theo afamily