Là một người mẹ có 2 con, mỗi ngày đều đi chợ, nấu nướng và đong đếm từng bữa ăn cho con, nhưng đôi khi tôi cũng không lưu tâm đến những con số này. Hôm nay sẽ cùng các mẹ "nghiên cứu" lại những con số 1 cách "nghiêm túc" xem sao nhé!
Đây là những trích dẫn của một vài thực phẩm thông dụng mình tóm tắt lại từ cuốn "Tri thức bách khoa về dinh dưỡng" của Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa - 2007.
1. Thịt lợn
Ảnh: Getty images
Lợn là 1 loại gia súc được chăn nuôi rất phổ biến. Các phần và mức độ béo nạc của thịt lợn không giống nhau nên thành phần và hàm lượng dinh dưỡng của chúng cũng chênh lệch nhau rất lớn. Cụ thể (tính trên 100gr): nạc thăn có hàm lượng protein 12,9g, lipit 30,3g, calxi 6,0mg, sắt 1,4mg. Thịt đùi có hàm lượng protein là 17,9g, lipit 23,0g. Thịt mỡ lại chỉ có 1,6g protein và tới 89,5g lipit, tim có 16,3 protein, 8,0 lipit trong khi trong gan có tới 20,6g protein, 4,2g lipit và hàm lượng sắt lên đến 31,2mg.
Như vậy có thể thấy hàm lượng protein và vitamin trong sản phẩm phụ của lợn thường nhiều hơn so với thịt lợn, đặc biệt trong gan lợn có thành phần dinh dưỡng phong phú nhất và hàm lượng vitamin A cao nhất.
2. Thịt bò
Thịt bò có chứa nhiều protein, hàm lượng trong mỗi 100gr tới 20-20,1g, nhiều gấp đôi thịt lợn. Hàm lượng axit amin có trong nó cũng gần với nhu cầu cơ thể người. Ngoài ra, thịt bò còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Trong mỗi 100g có chứa 7mg canxi, 170mg photpho, 0,9mg sắt, 0,07mg thiamin (B1), 0,15mg riboflavin (B2), 6,0mg niacin (B3).Thịt bò vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ trung ích khí, kiện tì vị, mạnh gân cốt...
3. Thịt gà
Thịt gà có chứa 15,6-19,8% protein, lipit là 7,1-15.5%, có chứa khá nhiều axit béo không no. Hàm lượng cacbohidrat tương đối ít, khoảng 0,8%. Ngoài ra còn chứa nhiều các loại vitamin và khoáng chất. Trong mỗi 100g thịt gà có chứa 3g canxi, 230mg photpho, 0,7mg sắt, 12mg retinol (vitamin A), 0,01mg thiamin (B1), 0,14mg riboflavin (B2)... Đặc biệt, gan gà chứa hàm lượng vitamin A rất cao, có thể chữa được bệnh thiếu máu và thiếu vitamin A. Tim gà có công dụng bổ tim.
4. Trứng gà
Hàm lượng protein trong trứng gà có sự khác nhau, tùy nơi sản xuất và bộ phận của trứng. Hàm lượng protein trong cả quả trứng là 10-15%, trong lòng trắng hơi thấp, lòng đỏ thì cao hơn. Hàm lượng lipit 11-15%, chủ yếu tập trung ở lòng đỏ, lòng trắng hầu như không có. Trong lòng đỏ còn có chứa lecithin và cholesterol. Hàm lượng cholesterol trong mỗi 100g lòng đỏ lên đến 1705mg. Các loại vitamin cũng chủ yếu chứa trong lòng đỏ. Trong trứng gà còn có chứa các khoáng chất như photpho, sắt, magie, kali, natri..., trong đó hàm lượng sắt rất cao.
5. Trứng cút
Quả trứng nhỏ, vị thơm ngon, là loại quý nhất trong các loại trứng gia cầm. Hàm lượng chất dinh dưỡng phong phú. Trong mỗi 100g có chứa 12,9 protein, 12,3g lipit, 1,5g cacbohidrat, 72mg canxi, 238mg photpho, 2,9mg sắt... Trong đó hàm lượng vitamin D là cao nhất, là loại ngon hơn tất cả các loại trứng khác và là món ăn tốt cho người già lẫn trẻ em.
6. Cá
Được chia làm 2 loại lớn là cá nước ngọt và cá biển. Có khá nhiều giống cá khác nhau. Cá nước ngọt thường gặp có cá chép, cá mè, cá diếc, cá trắm, cá lóc,... Cá biển có cá chim, cá thu, cá ngừ...
Hàm lượng protein trong thịt cá chiếm khoảng 15-20%, trong đó, hàm lượng trong các loại cá trắm, cá mè tương đối cao, khoảng 19%. Thành phần axít amin của protein gần giống với thịt các loại. Hàm lượng lipit là 1-10% (tập trung nhiều ở cá thu, cá hồi...). Thành phần lipit này không giống với thức ăn từ các loại động vật khác, phần lớn là axit béo không no. Ngoài ra, cá còn chứa nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin A có chứa nhiều trong gan cá. Với cá biển thì có chứa hàm lượng iốt khá cao.
7. Cua
Có các loại cua sông, cua biển, cua hồ... Hàm lượng protein trong thịt cua khá cao, khoảng 15%, lipit khá thấp, 2,6-5,6%, cacbohidrat là 5-8%, hàm lượng chất khoáng và vitamin cũng rất cao. Chẳng hạn như cua biển, trong mỗi 100gr có chứa 208mg canxi, 166mg phốt pho, 0,9mg sắt...
Trong phổi cua có chứa nhiều thể nấm, trong mình cua còn có chứa nhiều histidin, nên khi cua đã chết có nhiều vi khuẩn sinh sôi, sẽ làm cho một lượng lớn protein bị phân hủy và histidin sẽ chuyển hóa thành histamin có độc tính, gây ngộ độc thức ăn. Các mẹ nên lưu ý điều này để chọn mua cua cho con nhé!
8. Tôm
Được chia làm 2 loại là tôm nước ngọt và tôm biển. Thịt tôm nói chung có chứa nhiều protein, hàm lượng trong tôm tươi ở vào khoảng 18%, trong tôm khô lên tới hơn 50%. Hàm lượng lipit và cacbohidrat không cao, khoảng chỉ 3%. Hàm lượng chất khoáng và vitamin phong phú, trong mỗi 100g tôm tươi có chứa 183mg canxi, 174mg phốt pho, 3,2mg sắt, 3,77mg vitamin E... Tuy thế, hàm lượng chất khoáng trong tép moi cao hơn (tép moi nhỏ chừng 2cm, phơi khô xong nhìn bên ngoài chỉ thấy vỏ). Trong mỗi 100g tép moi có tới 1760mg canxi, 1000mg phốt pho, 4,0mg sắt.
Như vậy có thể thấy, nếu bé cần bổ sung caxi thì ăn tép cả vỏ là cách hữu hiệu nhất.
Theo WTT