Nếu mẹ băn khoăn khi con bắt đầu vào tuổi ăn dặm thì hãy thử tham khảo vài loại củ quả an toàn và nhiều dinh dưỡng dưới đây.
1. Táo tây
Không chỉ giàu vitamin và chất dinh dưỡng, táo tây còn có mùi vị dễ chịu, thích hợp với bé tập ăn dặm. Bé có thể dùng táo tây nghiền nhuyễn như bữa ăn phụ.
2. Quả bơ
Các chất dinh dưỡng có trong quả bơ rất có lợi cho bộ não của bé. Bơ được xem là một trong những loại quả tốt nhất khi bé tập ăn dặm. Ngoài việc là món ăn thân thiện đầu tiên, bạn có thể trộn bơ với sữa chua, chuối và lê, giống như món kem trộn tuyệt vời cho bé.
3. Bí ngô (bí đỏ)
Bí ngô giàu xơ nhưng lại ít kalo. Bí ngô trộn cùng bột gạo ăn dặm sẽ mang tới món ăn đẹp mắt. Nếu bé đã quen ăn dặm, có thể trộn bí ngô với thịt lợn hay thịt gà khi nấu bột (cháo) cho bé.
Cách chế biến bột sữa bí ngô: Luộc chín miếng bí ngô; sau đó xay cho thật nhuyễn. Cho một môi canh bột gạo khuấy với 100ml nước. Cho bột bí đỏ vào nồi bột rồi khuấy đều lên, nấu sôi. Bột chín, cho bột vào bát rồi trộn với 1-2 thìa sữa bột và 1/2 thìa nhỏ dầu olive (dầu gấc, dầu vừng...).
4. Khoai lang
Khoai lang là loại củ khỏe mạnh và an toàn bậc nhất cho bé. Khoai lang cũng dễ dàng khi được thê vào bột ăn dặm cho con. Có nhiều cách nấu khoai lang nhưng nướng là cách giữ lại hương vị và dinh dưỡng của khoai tốt nhất. Luộc hoặc hấp là hai phương pháp hiệu quả tiếp theo.
5. Carrot
Carrot chứa nguồn beta-caroten dồi dào rất có lợi cho thị giác. Tuy nhiên, cần nghiền thật nhuyễn carrot vì bé có thể bị hóc, nghẹn do những mẩu li ti của carrot dù đã được nấu chín.
6. Chuối
Chuối nghiền nhuyễn có dạng sánh như kem, giàu kali, là món lý tưởng cho bé tập ăn dặm.
Chọn mua chuối chín tươi ngon: Cũng giống quả bơ, chuối có kết cấu mịn nên dễ dàng được cán nát bởi lợi của bé. Chuối chín là gợi ý cho món quả đầu tiên, sau khi bé đã thử một số loại rau củ khác nhau. Chuối có thể cho bé ăn ngay sau khi nghiền nhuyễn hoặc trộn vào các loại rau quả khác (hay bột ăn dặm) của bé.
Khi mua, nên chọn chuối có vỏ màu vàng sáng, không có vết thâm hay bầm dập. Chuối có vỏ màu xanh lá cây là do chưa chín hẳn, trong khi nếu vỏ có nhiều đốm nâu nghĩa là chuối đã chín nhũn. Chuối chín có thể trộn với sữa mẹ hay sữa công thức và cho bé thưởng thức.
Rửa sạch, bóc vỏ và thái chuối thành nhiều hạt nhỏ: Rửa chuối với hỗn hợp gồm ba phần nước và một phần dấm trắng để loại bỏ vi khuẩn bám ngoài vỏ. Rửa chuối dưới vòi nước đang chảy, sau đó để ráo mới bóc vỏ, thái thành những khoanh nhỏ. Nhớ cắt bỏ hai đầu nếu những chỗ ấy bị nhũn hay có màu nâu.
Nghiền hoặc dầm nhuyễn: Dùng máy xay hoặc một dụng cụ xử lý thực phẩm dầm cho đến khi chuối nhuyễn, mịn. Chuối có thể chuyển màu sậm hơn sau khi đã được xay nhuyễn. Thêm sữa mẹ để làm loãng thay vì dùng nước lọc.
Với bé trên 10 tháng tuổi có thể ăn được đồ đặc, nên trộn chuối với khoai tây nấu chín và nghiền nhuyễn để tạo hương vị mới cho bé.
Phục vụ bé: Chuối có thể ăn luôn hoặc kết hợp với: quả bơ, quả lê, đào, nho khô, dâu, việt quất, sốt táo; bột yến mạch hay sữa chua.
Dâu tây với chuối nghiền nhừ: Cần có một quả chuối chín và 6 quả dâu tây. Dâu tây rửa sạch và cắt khoanh nhỏ, cho vào nồi với ít nước, đun sôi. Vặn nhỏ lửa, đun thêm ít phút để dâu tây mềm. Sau đó, vớt ra để ráo. Cho dâu vào máy xay cùng với chuối, xay đến khi mịn rồi cho bé ăn.
Đông lạnh chuối nghiền nhừ: Chuối đã xay nhuyễn cất trong hộp không có BPA để ở ngăn lạnh, bảo quản trong vòng 3 ngày. Nếu cất ở ngăn đông, thời gian bảo quản lên tới 3 tháng.
7. Tập cho bé ăn lê
Lê giàu chất xơ, kali và vitamin C. Giống các loại quả khác, chất xơ có trong lê chứa nhiều axit tự nhiên, có tác dụng giảm ung thư, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch và duy trì lượng cholesterol cân bằng.
Trong quả lê có chứa tới 2 loại đường là glucose và fructose. Lê cũng được xem như "bài thuốc" xoa dịu cho bé mắc táo bón.
Thời điểm cho bé ăn lê: Lê được coi là sự lựa chọn hợp lý dành cho bé tập ăn dặm (khoảng 6 tháng tuổi).
Cách chế biến: Khi mới cho bé tập ăn lê, mẹ có thể hấp lê cho đến khi lê chín mềm nhưng với bé khoảng 7-8 tháng tuổi, mẹ nên cho bé ăn lê tươi. Lúc này, lê không cần được hấp hay nấu chín vì bản thân lê chín đã mềm và dễ tiêu hóa.
Một số cách chế biến quả lê như sau:
Lê nghiền nhuyễn: Có thể hấp (hoặc không hấp) vài miếng lê nhỏ, chín, đã được gọt sạch vỏ, bỏ hạt. Tiếp đến, nghiền nhuyễn lê thành hỗn hợp sền sệt và cho bé thưởng thức. Nếu hỗn hợp quá đặc, có thể thêm vào chút nước đun sôi để nguội.
Cách 2: Cắt lê đã được gọt vỏ, bỏ hạt thành những miếng nhỏ rồi cho vào nồi nấu. Thêm ít nước lọc hoặc nước táo ép. Đậy vung và đun nhỏ lửa cho đến khi lê chín mềm. Có thể dùng thìa dầm nhuyễn hoặc dùng máy xay để xay nhuyễn lê. Cuối cùng, múc một ít lê được nghiền nhuyễn ra cốc hoặc bát và cho bé thưởng thức.
Lê trộn với bột ăn dặm: Trước tiên, lê được gọt vỏ, bỏ hạt và thái thành khúc nhỏ. Tiếp đến, mẹ nghiền nhừ lê và dùng hỗn hợp lê như một loại rau, trộn vào bột ăn dặm dành cho bé.
Những thực phẩm có thể trộn chung với lê là: táo, quả bơ, chuối, xoài, đào, khoai lang, thịt gà, sữa chua.
Theo mevabe