Năm học mới, Hà Nội đối mặt với nỗi lo quá... cũ, đó là việc quá tải trường học ở những quận nội thành.
Thiếu trường học, sân chơi, trẻ ở nhiều trường mầm non tại Hà Nội phải chơi dưới vỉa hè - Ảnh: Ngọc Thắng
Tận dụng các phòng chức năng làm phòng học
Năm học 2013 - 2014, Hà Nội có 1,59 triệu học sinh (HS) các cấp, tăng gần 66.000 HS so với năm học trước. Trong đó, tăng mạnh nhất là trẻ vào lớp 1, với hơn 11.000 HS.
Trong khi chờ triển khai quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020, tầm nhìn 2030, giải pháp trước mắt của từng quận huyện vẫn tập trung vào việc phân tuyến hợp lý, xoay xở với cơ sở vật chất hiện có để giải tỏa sự căng thẳng, bảo đảm chỗ học cho HS.
Tại Q.Cầu Giấy, chỉ Trường tiểu học Dịch Vọng A đạt được sĩ số 50 - 51 HS lớp 1 cho năm học tới, Trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc có 54 HS/lớp, 8 trường còn lại sẽ phải chịu cảnh ít nhất là 55 HS sinh/lớp. Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Cầu Giấy, cho hay: "Một số trường vốn là điểm nóng tuyển sinh đã được xây thêm tầng. Những trường còn lại tận dụng, cải tạo tất cả phòng chức năng, thậm chí cả phòng hội đồng của giáo viên để làm phòng học. Có như vậy mới đảm bảo duy trì được việc học 2 buổi/ngày tại trường của HS". Tương tự, Trường tiểu học Phương Liệt, Q.Đống Đa đã phải chuyển phòng thể chất và cả phòng hội đồng của giáo viên thành phòng học.
Là trường tiểu học nổi tiếng về chất lượng dạy, với trên 90 năm tuổi nhưng Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.Hai Bà Trưng vẫn phải chung cơ sở vật chất với trường THCS. Vì vậy, 31 lớp học của trường này là 31 điểm lẻ nằm rải rác ở nhà dân, gần nơi trường đóng.
Cần hơn 1.000 trường mầm non mới đáp ứng nhu cầu
Để đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ trên địa bàn theo đúng tiêu chuẩn quy định, dự báo TP cần thêm tới hơn 1.000 trường mầm non nữa.
Q.Tây Hồ là một trong những địa bàn có tỷ lệ trẻ mầm non không được học trường công lập đông nhất của Hà Nội. Theo điều tra dân số, trẻ ở độ tuổi đến trường của các phường Thụy Khuê, Bưởi, Xuân La năm nào cũng gấp đôi tỷ lệ mà trường mầm non ở các phường này tuyển sinh. Năm nay cả quận phải tuyển sinh mầm non bằng hình thức bốc thăm. Nghĩa là năm học nào cũng có vài trăm trẻ không được học trường mầm non công lập, buộc phải học tư thục. Các quận Ba Đình, Hoàng Mai... số trường công lập cũng chỉ đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu gửi trẻ của người dân trên địa bàn.
Thực tế đó dẫn tới việc bên cạnh hệ thống trường ngoài công lập, vẫn còn tới gần 1.300 nhóm lớp lẻ tư thục nằm rải rác ở các khu dân cư. Những nhóm lớp này tận dụng nhà dân để biến thành chỗ trông giữ trẻ nên thiết kế không phù hợp và thiếu an toàn nếu trông giữ trẻ với số lượng lớn.
Sĩ số lớp học bậc mầm non ở TP.HCM đều vượt quy định
Ngày 7.8, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị "Tổng kết năm học 2012 - 2013 và triển khai nhiệm vụ của ngành học mầm non năm học 2013 - 2014". Theo báo cáo của Sở, hiện nay, ở bậc học này sĩ số trẻ/lớp vẫn quá cao, đa phần vượt chuẩn quy định (35 trẻ/lớp). Ngoài ra, một số điểm lẻ của trường mầm non chưa được quan tâm đầu tư, điều kiện sinh hoạt, vui chơi của trẻ còn nhiều khó khăn. Một số trang thiết bị, đồ chơi chưa đáp ứng việc đổi mới giáo dục.
Chẳng hạn Q.8 trước đây có Trường mầm non Vườn Hồng hoạt động ở 8 điểm lẻ, tuy nhiên khoảng một năm trở lại đây, cơ sở vật chất xuống cấp quá trầm trọng phải đóng cửa hết 7 điểm. Trường mầm non Tuổi Hoa của quận này có tới 7 điểm lẻ nhưng cũng chỉ có 15 phòng học và phòng chức năng phục vụ cho gần 500 HS. Ông Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng GD Q.11, thông tin: "Hiện còn 2 trường tồn tại nhiều điểm lẻ là Trường mầm non 4 và mầm non 6. Mỗi điểm lẻ là một nhà phố không đáp ứng quy cách của trường mầm non. Vậy nhưng mỗi trường chỉ giải quyết chỗ học cho trẻ 5 tuổi là chủ yếu chứ cũng không đủ điều kiện để nhận hết các lứa tuổi khác".
Ngoài ra, nhiều trường mầm non hiện chưa có cán bộ y tế chuyên trách nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc phòng chống dịch bệnh.
Hiện nay, TP.HCM có 827 trường mầm non, trong đó có 416 trường công lập và 411 trường ngoài công lập.
Theo Thanh Niên