Chỉ cần một vết xước nhỏ hay bé biếng ăn thậm chí tâm tính "ươn người" hơn ngày thường đều có thể là lý do khiến cho cô giáo gặp rắc rối với phụ huynh khó tính.
Đối với các trường mầm non tư thục có mức học phí cao nên đối tượng trẻ có điều kiện theo học thường là những gia đình kinh tế có phần khá. Những giáo viên trực tiếp tham gia quản lý, giảng dạy trường tư thục cũng vì thế mà chịu nhiều áp lực. Theo quy định tại các trường tư, một giáo viên chỉ phải phụ trách từ 5 - 7 cháu nên nhiều phụ huynh đòi hỏi vị trí số 1 của các cục cưng nhà mình khiến không ít các cô giáo phải đau đầu để tìm phương pháp giúp "công bằng mọi sự".
Quang cảnh lớp học ở trường mầm non Hoa Hồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Thu Thủy
Nguy cơ bị "xử lý"...
Hầu hết đội ngũ giáo viên trường tư đều cho rằng những bậc phụ huynh gửi con ở đây đều là những gia đình khá giả. Phần lớn những cha, mẹ này đều không phân biệt được các cô giáo trường công và trường tư mà mục tiêu họ lựa chọn trường do mong muốn một chất lượng cao cấp hơn, con cái được chăm sóc nhiệt tình hơn. Tuy nhiên vẫn có một bộ phận những bậc phụ huynh lại ỷ thế có tiền thì có quyền đòi hỏi và hạch sách khiến nhiều trường hợp giáo viên không khỏi chạnh lòng.
Cô giáo Hà Thùy (trường mầm non Hoa Hồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, ở trong lớp, bé Bi là một cậu bé hiếu động nên có lần trong lúc chạy chơi nô đùa với các bạn bị ngã, tím 1 bên mắt. Giờ trả về, mẹ bé đến đón nhìn con như vậy, làm toáng lên không cho cô thanh minh.
Nuôi dạy trẻ hiếu động đã nan giải, nhưng nếu một lớp xuất hiện từ 1 - 2 bé bị chứng tự kỷ thì áp lực công việc của các cô giáo còn tăng gấp bội. Hầu hết thời gian đều được ưu tiên tập trung cho những bé đó nên có phần hơi lơ là các bé khác. Những trường hợp chỉ cần kiểm tra thấy một chỗ trầy xước trên người con dù chưa biết đúng sai nhưng nếu giáo viên không chủ động nhận lỗi thì họ sẵn sàng làm quá lên. Bản thân cô cũng từng chứng kiến đồng nghiệp bị cả gia đình kéo đến trường với thái độ hung hăng "đòi xử theo luật rừng" nếu không nhận sai. "Môi trường mầm non những tai nạn mà chủ yếu từ nguyên nhân khách quan do trẻ nô đùa. Mặc dù ở các trường tư, một cô giáo được phân công đảm nhiệm số lượng trẻ ít hơn so với trường công nên việc để mắt đến các cháu cũng có phần chu đáo hơn. Việc đảm bảo an toàn không thể tuyệt đối được, nhưng khi xảy ra một tai nạn trong lúc trẻ nô đùa dù nhỏ đến mức nào cũng có nguy cơ phải đối mặt với những phản ứng dữ dội từ gia đình của bé.
Trường hợp một đồng nghiệp dạy lớp bên cạnh có một bé mắc chứng tăng động (một dạng của bệnh tự kỷ). "Thường những gia đình có con như vậy rất cảm thông cho giáo viên. Nhiều lần vì quá nôn nóng, mong con tiến bộ mà không ít phụ huynh mắng giáo viên là "đồ bỏ đi, cầm đồng tiền của họ mà không làm được việc gì ra hồn" khiến mình cảm thấy bị xúc phạm. Có bé bị tăng động nghịch quá, lúc cô vừa quay đi, cháu vấp ngã chảy máu. Đúng khi bố mẹ cháu đến, chị vợ xuýt xoa con, tức giận mắng, chồng xấn xổ tát cô giáo. Rất may sau đó, họ bình tĩnh quay ra xin lỗi, thiết tha mong cô giáo tiếp tục giúp đỡ con họ". "Người làm công tác giáo dục mầm non chả khác nào làm xiếc trên dây, luôn túc trực tâm lý lo lắng những điều có thể xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Vì thế nhà trường luôn phải liên tục bồi dưỡng các kiến thức phòng tránh tai nạn...". Cô giáo Hà Thùy chia sẻ thêm.
Áp lực của các cô giáo dạy trường tư còn chính là hệ thống camera để phụ huynh tiện việc để mắt tới con mình mọi lúc mọi nơi. Việc lắp đặt thiết bị này còn đồng nghĩa với việc phụ huynh kín đáo kiểm tra xem cô giáo có làm gì con mình không. Vì thế nhất cử nhất động của các cô giáo đều trong tầm ngắm. Cô giáo Lan Anh (trường mầm non Sunhourse - Mễ Trì - Hà Nội) kể về những ngày đầu mới vào nghề cảm giác lúc nào cũng bị theo dõi khiến tâm lý vô cùng căng thẳng, chỉ sợ một sơ suất nhỏ cũng khiến phụ huynh phật lòng. Sau này quen rồi việc chăm sóc các cháu chu đáo, hết mình nên không có gì phải áy náy.
Nhiều phụ huynh quan niệm mình đã chấp nhận chi phí cao nghĩa là con mình phải được chăm sóc như công chúa, hoàng tử... Không ít người ỷ thế có nhiều tiền, mọi việc đưa đón đều phó thác cho người giúp việc. Ngày lễ, ngày tết họ đều đưa quà cho con mang tới tặng cô giáo. Cô Hải Yến - Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Hồng cho biết: "Đối với những trường hợp như thế mình cần nhẹ nhàng phân tích cho họ hiểu mặc dù là trường tư nhưng cũng có quy định riêng. Việc bố trí số lượng trẻ hợp lý để giáo viên quản lý đã được nghiên cứu dựa trên thực tế khả năng của các cô cũng như tạo sự công bằng trong lớp học. Lứa tuổi mầm non của các con đang trong giai đoạn nhận thức nên những sự ưu tiên quá mức cho riêng một bé nào đó rất dễ ảnh hưởng đến việc phát triển tâm lý. Có những bé nhạy cảm khi chứng kiến sự mất công bằng rất dễ dẫn đến tủi thân thậm chí tự ti, thu mình lại. Còn những bé được chăm sóc quá đà cũng không tránh khỏi cảm giác bị gò bó, mất tự do...".
Loay hoay chống bão giá
Cô Hải Yến cho biết thêm, với vị trí là người đứng mũi chịu sào tôi cũng chịu không ít áp lực. Vì là trường tư nên mọi kinh phí đều phải tự lo, không được Nhà nước hỗ trợ. Trong thời buổi bão giá, việc đảm bảo chất lượng bữa ăn cho trẻ không đơn giản. Chỉ cần thu thêm mỗi trẻ 20.000 đồng/tháng cũng bị nhiều phụ huynh ý kiến. Thậm chí, nhiều phụ huynh đem ra so bì với mức giá của các trường khác rồi đòi cho con chuyển trường. Với những trường hợp như thế, phải khéo léo phân tích để họ hiểu các mức phí của trường tư không đồng đều như các trường công lập, mà còn phải phụ thuộc vào cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đứng lớp. Cũng theo cô Yến, mức đóng góp của trường mầm non Hoa Hồng, thuộc dạng trung bình so với các trường tư thục trong thành phố. Tuy nhiên kinh tế ngày một khó khăn, từ đầu năm tới giờ có vài phụ huynh đến xin cho con nghỉ học để chuyển sang một trường khác có mức phí mềm hơn. Để giữ chân "khách", trường đang phải giảm giá bằng chương trình khuyến mại miễn phí cho phụ huynh gửi trẻ quá giờ quy định trong vòng 1 giờ đồng hồ. "Lối khắc phục khó khăn này đồng nghĩa với việc giáo viên sẽ vất vả hơn nhưng còn hơn là mất học sinh bởi việc học sinh rời trường đồng nghĩa với việc thu nhập từ công việc kinh doanh bị giảm sút".
Đặc biệt trong thời buổi kinh tế suy thoái tình trạng "mềm hóa" các khoản thu được nhiều trường áp dụng để giữ chân học sinh. Nói rồi cô Yến bật mí thêm một số trường mầm non tư thục đẳng cấp hơn còn giữ chân học sinh bằng cách miễn phí chi phí xe đón rước trẻ hàng ngày. Nhiều tháng hạch toán chi phí số dư vừa đủ trả lương giáo viên còn mình mang tiếng là Hiệu trưởng nhưng chả khác nào đi làm không công. Tuy thế, ẩn sâu trong tâm sự éo le của những cô giáo dạy trường tư, chúng tôi vẫn thấy ánh lên lòng yêu thương trẻ vô bờ và nỗi tâm huyết với nghề thật đáng khâm phục.
Theo cô Hải Yến, nhiều phụ huynh thường "dọa" giáo viên theo cách... trí thức. Có những trường hợp chỉ cần giáo viên phạm lỗi nhỏ nhưng họ không góp ý trực tiếp với giáo viên mà âm thầm tung lên mạng nên áp lực bị bêu riếu công khai ảnh hưởng đến uy tín và danh dự khiến nhiều giáo viên có xu hướng bỏ nghề .
Theo PL&XH