Thưa các anh các chị,
Và đặc biệt muốn gửi tới những người đang có con nhỏ đi học mẫu giáo, tôi muốn hỏi một điều rằng: Nếu như được lựa chọn, anh chị có gửi con của mình vào lớp học mẫu giáo không phải do cô giáo mà là thày giáo dạy không?
Hẳn là nhiều người thấy ngạc nhiên với câu hỏi này, vì Việt Nam hầu như không có nhiều thầy giáo mầm non. Nhưng ở Mỹ lại rất nhiều.
Nhiều hơn so với hiện tượng vừa xảy ra ở bang South Carolina thuộc miền Đông Nam nước Mỹ, khi danh hiệu giáo viên mầm non của bang lần đầu tiên mới thuộc về một thày giáo. Thày Marcus Tate được lựa chọn từ danh sách đề cử còn có hai mươi cô giáo khác.
Hai trong số năm giáo viên dạy ở trường mầm non thuộc Đại học District of Colombia mà tôi biết là nam giới. Ai đó từ Việt Nam qua bên này du lịch nếu có ghé thăm Nhà Trắng sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh cả thày và cô dắt tay bọn trẻ nhiều đứa còn ngậm núm vú cao su đi dã ngoại.
Có một thực tế là đàn ông Mỹ không câu nệ, nghề gì họ cũng sẵn sàng làm, trong khi phụ nữ ở đây đã sẵn sàng ra mặt trận theo quyết định của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu năm, gỡ bỏ lệnh cấm chị em cầm súng nơi tiền tuyến.
Nhưng quan trọng hơn cả, là việc để nam giới làm thày giáo mầm non (và tôn vinh họ) không phải là để nước Mỹ chứng tỏ sự bình đẳng giới. Nó bắt nguồn từ nhu cầu thực tế, tương lai của trẻ nhỏ. Giáo viên mầm non là nam giới có thể mang lại cho trẻ nhỏ rất nhiều những lợi điểm bắt nguồn từ chính những sở trường của đàn ông.
Hãy nghe thày giáo Marcus Tate giãi bày. Xuất thân trong một gia đình nông dân nên anh có nhiều thuận lợi khi dạy cho bọn trẻ những kỹ năng trồng trọt. Ngôi trường anh dạy có một mảnh vườn và học sinh được học cách ươm mầm và chăm sóc cây cỏ. Anh hy vọng là bọn trẻ sẽ học được về cuộc sống và trách nhiệm qua công việc này. "Sau khi học gieo mầm và chăm sóc cây, khi bọn trẻ đi siêu thị,chúng sẽ biết hoa quả bày ở đó là từ đâu ra", Marcus chia sẻ khi anh được truyền thông địa phương phỏng vấn.
Thực ra, dạy trồng cây chỉ là một trong rất nhiều những kỹ năng sống mà các ngôi trường mầm non ở Mỹ vận dụng. Trẻ con ở Mỹ từ lúc lên ba đã được dạy cách tìm hiểu về cuộc sống thực của côn trùng, độc lập hoặc cùng nhau xây dựng một "công trình" bằng gỗ nào đó, chơi các môn thể thao mô phỏng thể thao mạo hiểm ở các sân chơi bên cạnh hàng loạt môn thể thao thông thường...
Và nó còn bắt nguồn từ một quan niệm rất giản đơn: nếu như ở gia đình, một đứa trẻ cần có cả mẹ lẫn bố thì ở trường chúng cũng cần cả cô giáo và thày giáo để phát triển một cách cân bằng. Có những cậu bé chỉ muốn chơi với thày giáo vì họ cư xử với nhau như những người... đàn ông, và chúng không thể ngồi cùng các bạn gái chơi trò công chúa với cô giáo.
Thế cho nên, ở Mỹ còn có cả luật bắt buộc các chương trình mầm non hưởng ngân sách đều phải có sách và các bức ảnh in hình những người đàn ông trong vai trò chăm sóc trẻ nhỏ.
Mà điều này ngạc nhiên thay lại không phải là sản phẩm của một cuộc cải cách giáo dục nào cả.
Chúc anh chị sức khỏe, hẹn gặp ở thư sau!
Theo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần