Bộ GD&ĐT đã có thông báo về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non (GDMN).
Theo đó, những hạn chế của chương trình GDMN được chỉ ra cụ thể, đồng thời, Bộ yêu cầu xem xét điều chỉnh một số nội dung cho chương trình GDMN mới phù hợp hơn.
Theo đánh giá, trẻ được chăm sóc, giáo dục theo chương trình GDMN đã mạnh dạn, tự tin, khỏe khoắn, nhanh nhẹn, chủ động trong giao tiếp, tích cực tham gia các hoạt động vui chơi và học tập. Tuy nhiên, chương trình này vẫn có những hạn chế nhất định. Theo đó một số nội dung giáo dục chưa phù hợp với mức độ phát triển của các độ tuổi của trẻ mầm non, đôi chỗ diễn đạt chưa rõ ràng, còn lẫn với mục tiêu giáo dục; một số thuật ngữ khoa học chưa chuẩn xác. Tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình có một vài nội dung chưa thực sự sát với chương trình.
Nhiều danh mục đồ chơi trong chương trình GDMN được cho là chưa phù hợp.
Các điều kiện để thực hiện chương trình GDMN (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi...) còn nhiều khó khăn, bất cập.
Một số danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho GDMN chưa phù hợp. Về tiêu chuẩn kỹ thuật đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho GDMN có một số mã số quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho cán bộ quản lý, giáo viên khi lựa chọn và sử dụng.
Việc quản lý, sử dụng tài liệu tham khảo dành cho trẻ trong các cơ sở GDMN còn nhiều bất cập, có quá nhiều tài liệu tham khảo được lưu hành, trong đó một số tài liệu có nội dung cao hơn so với yêu cầu của chương trình GDMN.
Theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD&DT Nguyễn Thị Nghĩa: Vấn đề cho trẻ làm quen với đọc, viết ở trường mầm non cần được quan tâm xem xét, nghiên cứu nghiêm túc để vận dụng phù hợp vào GDMN Việt Nam.
Các đơn vị liên quan thuộc Bộ rà soát, chỉnh sửa danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho GDMN và tiêu chuẩn kỹ thuật đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho GDMN theo hướng bổ sung các danh mục cần thiết, đồng thời đưa ra khỏi danh mục các tài liệu, học liệu, đồ dùng, đồ chơi không phù hợp; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật đồ dùng, đồ chơi dành cho GDMN cần đảm bảo cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDMN lựa chọn phù hợp với tình hình thực tế. Xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương về sử dụng tài liệu, học liệu trong các cơ sở GDMN.
Đồng thời, Viện Khoa học giáo dục chủ trì, phối hợp với Vụ GDMN nghiên cứu, chỉnh sửa tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình GDMN và bổ sung thêm tài liệu tham khảo liên quan để tạo thuận lợi cho giáo viên thực hiện chương trình GDMN; Tổ chức nghiên cứu đánh giá chương trình GDMN sau 5 năm triển khai thực hiện, đề xuất việc điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp.
Theo PL&XH