Chỉ vì mong muốn con mập mạp hơn, nhiều mẹ phạm sai lầm ngớ ngẩn là ép con ăn.
Ăn là một nhu cầu cấp thiết đối với bất cứ ai. Ăn không chỉ giúp con người tồn tại mà thông qua ăn uống người ta tìm thấy sự khoái cảm và thỏa mãn. Ăn hay gọi là thưởng thức món ăn là một chủ đề hấp dẫn, vì cơ thể con người muốn tồn tại cần phải có dưỡng chất được lấy từ thực phẩm (sữa, cháo,cơm, thịt, cá...). Khi đói, con người cảm thấy hẫng hụt, thèm muốn, do đó hoạt động ăn làm thỏa mãn cơn đói và bù đắp sự hẫng hụt cơ thể.
Trẻ em cũng vậy, hầu hết trẻ em sinh ra về bản năng đều tìm đến vú mẹ, khi trẻ (lớn lên) biết ăn thì mùi vị của món ăn (về bản năng) tự động gây ra thích thú. Tuy nhiên ngày nay có một hiện tượng khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em thành thị không có cảm giác thèm ăn, không muốn ăn bất cứ thứ gì, bữa ăn là một cực hình đối với trẻ và cha mẹ phải đánh vật với trẻ vào mỗi bữa ăn. Với trẻ ăn uống là một điều sợ hãi, còn cha mẹ thì lo lắng và bực bội.
Đừng ép trẻ ăn nếu muốn trẻ ăn ngoan (Ảnh minh họa).
Có nhiều nguyên nhân cho vấn đề này, tuy nhiên điều phải lưu ý là sự kỳ vọng của cha mẹ làm sao giúp trẻ có một thân hình mập mạp. Để làm được điều này cha mẹ đi tư vấn bác sỹ dinh dưỡng muốn có một thực đơn khoa học, đủ chất và đầy đủ calo (ngày trẻ phải ăn bao nhiêu gram thị, cá, rau dền, cà rốt,cam...), ăn giờ nào trong ngày và ngày ăn mấy bữa...
Khi các bậc cha mẹ quá tin vào bác sĩ thì sẽ không tin trẻ (vì chưa chắc trẻ đã thích thực đơn bác sỹ cung cấp) và chình mình (về bản năng người mẹ có thể nhận ra trẻ thích gì và không thích gì, trẻ ăn được bao nhiêu là đủ...). Chế độ ăn này được lặp đi lặp lại hàng ngày và như vậy diễn ra sự mâu thuẫn giữa sở thích của trẻ và mong muốn của bác sĩ. Nếu cha mẹ là người triệt để tuân theo khoa học sẽ theo chỉ dẫn của bác sĩ và bỏ qua phản ứng của trẻ và tiếng gọi bản năng từ người mẹ. Như vậy, ép trẻ ăn là một điều tất yếu.
Khi ép ăn mà trẻ không muốn sẽ tạo ra một cảm giác bực bội ở cha mẹ, sự nóng vội (do suy nghĩ sợ con gầy yếu) khiến cha mẹ căng thẳng và tiếp tục ép ăn nghiêm khắc hơn. Hiện tượng này diễn ra hàng ngày có thể dẫn trẻ tới cảm giác ám sợ ăn. Đồng thời trong quá trình ép ăn, nét mặt căng thẳng của mẹ làm trẻ mất an toàn cộng với sự sợ hãi của trẻ sẽ làm mất đi cảm giác thèm ăn (vì không ai thèm (thích) ăn khi đang sợ hãi). Một cái vòng luẩn quẩn được tạo ra: ép trẻ ăn mà trẻ không ăn sẽ làm cha mẹ bực bội căng thẳng, cha mẹ thấy trẻ không muốn ăn sợ trẻ ốm yếu hơn và càng ép trẻ nhiều hơn, nét mặt căng thẳng của cha me và sư sợ hãi của trẻ trước/trong mỗi bữa ăn làm cho trẻ không có cảm giác thèm ăn.
Khi tuân theo công thức của bác sĩ, các bà mẹ không quan tâm đến con mình thích món ăn gì, trẻ ăn bao nhiêu là đủ và khi nào trẻ muốn ăn. Điều này sẽ đẩy tình trạng căng thẳng giữa cha mẹ và con cái ngày càng tăng cao.
Trẻ biếng ăn còn xảy ra khi có nhưng bậc cha mẹ quá tốt, họ đọc trước các ý nghĩ của con, họ cho trẻ ăn trước khi trẻ có cảm giác thèm ăn - cho trẻ ăn trong khi trẻ chưa có ham muốn được ăn. Cách cho ăn này lặp đi lặp lại vô tinh đã tước đi cảm giác thèm ăn của trẻ. Lâu ngày không được giải quyết trẻ sẽ rơi vào tình trạng biếng ăn tâm lý.
Trẻ biếng ăn có thể được nuôi dạy trong một gia đình có nhiều mâu thuẫn, cả ngày cha mẹ đi làm và thường mâu thuẫn xảy ra khi gặp nhau vào bữa ăn. Bầu không khí gia đình căng thẳng khiến trẻ bất an. Trẻ không thể ăn ngon trong bầu không khí gia đình như vây.
Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn tiếp theo có thể là do trẻ sử dụng biếng ăn là điều kiện muốn cha mẹ quan tâm đến trẻ hơn (vì trẻ ít được quan tâm chăm sóc do cha mẹ quá bận bịu với công việc, kiếm tiền). Trẻ nhận thấy mỗi khi không ăn cha mẹ sẽ để ý đến trẻ hơn và sử dụng vấn đề này làm điều kiện với cha mẹ.
Nếu trẻ biếng ăn do nguyên nhân đến từ cha mẹ, thì những người lớn đã vô tình tước đi cảm giác thèm ăn - một nhu cầu căn bản và cấp bách của trẻ, lấy đi quyền được hưởng sung sướng của các em. Để giải quyết tốt mối quan hệ mẹ con trong ăn uống và giúp trẻ trọn vẹn thỏa mãn, trước hết các bậc cha mẹ nên lắng nghe sự mách bảo từ bản năng của mình xem trẻ thích ăn gì, trẻ không thích gì, ăn bao nhiêu là đủ, ăn khi nào. Còn các chỉ dẫn mang tình khoa học hay thực đơn hướng dẫn của bác sĩ nên chỉ dùng để tham khảo, định hướng cho cảm nhận bản năng của người mẹ.
Theo Eva.vn