Những tác động rung lắc khi ru con ngủ, nựng con hay việc tập thể dục cho con quá sớm của nhiều phụ huynh có thể tàn phá thần kinh, sức khỏe của bé...
Những trò chơi nguy hiểm
Đầu tiên là trò "nhong nhong, ngựa ông...". Cha hoặc mẹ cho con ngồi lên hai bàn chân, hai tay nắm hai tay của bé. Khi cha hoặc mẹ tung chân lên, hạ chân xuống, bé như được cưỡi ngựa, tầm nhìn thay đổi liên tục nên rất thích và cười nắc nẻ... Với trò tung hứng bé, cha mẹ thường bế con, giơ lên cao, rồi buông tay ra, sau đó chụp lại. Để an toàn, các bậc phụ huynh hãy chơi trò này trên giường nệm và độ buông chụp rất ngắn.
Trẻ sơ sinh cổ yếu, chưa nâng đỡ được đầu, vì thế mỗi khi bế trẻ, người lớn phải đỡ đầu cho bé. Điều này ai cũng biết và chăm sóc rất kỹ, nhưng với bé sau thời kỳ lẫy, nâng được đầu thì phụ huynh thường cho rằng giai đoạn nguy hiểm đã qua. Vì vậy, từ bảy tháng đến hai tuổi là thời điểm các bé dễ bị chấn thương nhất, bởi giai đoạn não đang phát triển nhanh nhưng hộp sọ thì chưa đủ độ cứng. Theo BS Nguyễn Công Viên - Phòng khám Quốc tế Hiệp hội Alain Carpentier (CMI), tại các nước đã có nhiều nghiên cứu về các động tác đong đưa trẻ quá mức dẫn đến chấn thương, gọi là hội chứng rung lắc (shaken baby syndrome). Đây có thể là những "trò chơi" vô ý thức của người lớn nên thậm chí có thể bị kết án là "lạm dụng trẻ em". Đứa trẻ có khi bị tung hứng như một quả banh. Nguy hiểm và thường gặp nhất là bế đứng và ôm bé chao mạnh theo hướng từ trước ra sau và ngược lại. Chỉ cần rung lắc mạnh năm giây cũng đủ làm chấn thương não bộ của bé. Cơ quan thứ hai chịu tác động trực tiếp là nhãn cầu.
Não là trung tâm chỉ huy mọi hoạt động, trong đó có cả thần kinh thị giác, trung khu ngôn ngữ... Tổn thương não có thể xảy ra tức thì nhưng cũng có khi đến năm-sáu tuổi mới phát hiện như: nhìn mờ, mù, động kinh, kém thông minh, yếu liệt chân tay... Trò chơi tung hứng nguy hiểm còn có thể làm sái tay (gãy tay, trật khớp, bong gân...) do sức nặng của bé. Ngoài ra, trong quá trình tung hứng, bé còn có thể bị các tai nạn khó lường (từng có trường hợp bé bị quạt chém nứt sọ).
Đưa võng quá mạnh
Có nhiều gia đình dùng võng cho bé ngủ vì bé có khó tính đến đâu, khóc lóc dữ dội đến mấy thì đưa lên võng cũng nín. Bé càng khóc, người giữ bé càng đưa mạnh võng, tốc độ cao khiến bé thiếp đi. Nhưng khi ngủ trong hoảng sợ, giấc ngủ của bé sẽ chập chờn không ngon. Một bà mẹ trẻ tâm sự: "Bé nhà mình khó ngủ, "quậy" khóc kinh lắm, mỗi lần ngủ phải lắc võng thật mạnh bé mới thiếp đi... nhưng gần đây bé hay giật mình, hai tay chới với và ngày càng cáu gắt...". Việc ngủ trong hoảng sợ, giấc ngủ không sâu, nhiều ác mộng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. BS Trần Duy Tâm, BV Tâm thần TP.HCM cho biết: "Trẻ nằm võng còn được chèn gối hai bên để tránh té ngã. Nhiều nhà đặt thêm thanh ngang bên trên võng khiến trẻ không ngọ nguậy được đầu, trong khi đó, xương sọ bé mềm, dễ bị móp, dẹp... ảnh hưởng đến phát triển não bộ".
Tập thể dục
Mong cho bé cứng cáp mau lớn nên các bậc cha mẹ thường nôn nóng tập thể dục cho con như: kéo tay, bắt bé nâng đầu lên. Trong khi đó, bé dưới một tuổi đầu nặng, cổ yếu, động tác này có thể gây tai nạn vùng cổ cho bé. Thực tế, không cần tập gì cả. Theo nhịp độ phát triển bình thường, từ ba tháng tuổi trở lên cổ của bé sẽ cứng cáp giữ được đầu. Đến bốn tháng, bé bắt đầu biết lật. Khi nằm sấp, bé sẽ ngẩng cao đầu lên khỏi mặt phẳng, đó là bài tập thể dục mà bản thân bé phải tự tập, những động tác này giúp sử dụng các cơ ở vai, tay và cổ.
BS Nguyễn Công Viên còn cho biết: Có một số bé từ lúc sinh ra đã bị vẹo cổ một bên. Đa số các bé bị tình trạng này sẽ tự khỏi dần sau vài tháng. Nhất là sau khi bé biết lật và biết ngẩng cao đầu. Vật lý trị liệu có thể giúp tiến trình khỏi bệnh tự nhiên được mau hơn...
Theo PN