Sức khoẻ
   Sốt - dấu hiệu của nhiều căn bệnh ở trẻ
 
Sốt là khi nhiệt độ cơ thể trên 37,5 độ C. Sốt là một dấu hiệu thường gặp nhất của rất nhiều bệnh ở trẻ mà chúng ta cần nhận ra ngay để có biện pháp chữa trị kịp thời. 1. Cảm, cúm Cảm và cúm là 2 bệnh riêng biệt, nhưng có nhiều triệu chứng giống nhau là sốt, ho, sổ mũi, nhức mình mẩy, mệt mỏi, trong đó ho và sổ mũi là 2 triệu chứng bắt buộc phải có. Nếu không thì không phải là cảm, cúm. Nhiều người đôi lúc thấy trẻ mệt, chóng mặt đã nghĩ là trẻ bị cảm, cúm rồi tự mua thuốc trị cảm cho trẻ uống làm trẻ vã mồ hôi càng mệt thêm. Cả hai bệnh này đều do siêu vi trùng (virus) và sẽ tự nhiên khỏi sau từ 3 đến 7 ngày. Các thuốc trị cảm, cúm thật ra chỉ chữa được những triệu chứng khó chịu như sốt, ho, sổ mũi chứ không diệt được siêu vi gây bệnh. Một số người lại thích dùng Tifomycine để trị cảm, cúm thật là nguy hiểm vì thuốc này có thể gây suy tủy, thiếu máu không phục hồi được nữa. Hai bệnh này thật ra rất dễ phân biệt: Cảm thường xảy ra khi cơ thể bị nhiễm lạnh, mưa, nóng đột ngột và không lây. Trái lại, bệnh cúm rất hay lây thành dịch, thường cơ thể không tự đề kháng được. 2. Viêm họng Bất cứ trẻ em nào sốt cao cũng cần khám họng, nhất là sốt cao đột ngột. Nhìn vào họng sẽ thấy 2 cục thịt dư sưng to, đỏ, lấm tấm trắng. Nếu có màng trắng dính chặt trên đó phải nghĩ đến bệnh bạch hầu và cần đưa đến bệnh viện cấp cứu. Khi có sổ mũi kèm theo thì đó là bệnh viêm họng do siêu vi, không cần dùng đến kháng sinh, chỉ ngậm kẹo bạc hà, súc miệng bằng nước sát trùng. Không nên dùng Ampicilline để trị viêm họng, chỉ phí tiền không đáng. 3. Ban đỏ (sởi) Ban đỏ cũng là một bệnh rất hay gặp ở trẻ em, nhưng khác với sốt xuất huyết là khi trẻ bị ban đỏ sẽ sốt cao liên miên, kèm với ho và sổ mũi, mắt lem nhem. Khám miệng thấy 2 mặt trong của má có những hạt trắng nhỏ như hạt gạo (dấu hiệu Koplick) thì có thể chắc chắn trẻ sẽ ra ban. Bệnh này do siêu vi, dễ lây và cũng tự nhiên khỏi sau một tuần lễ. Thuốc kháng sinh không diệt được siêu vi ban đỏ nhưng ngừa được những biến chứng nguy hiểm của bệnh ban đỏ là viêm tai giữa, phế quản phế viêm, viêm phổi... Trẻ chỉ hết sốt hẳn sau khi ban nổi khắp người, ra ban vẫn còn sốt là ban đỏ có biến chứng chứ không phải lậm ban. Cần lưu ý là nếu trẻ mắc bệnh ban đỏ thì sau bốn ngày, trẻ sẽ ra ban dù có uống thuốc hạ sốt hay không, còn nếu trẻ không nổi ban thì trẻ đã mắc bệnh khác chứ không phải ban lậm vào như dân gian thường hay hiểu lầm. Nay có thuốc ngừa bệnh sởi, cha mẹ cần chích ngừa cho trẻ. 4. Sốt xuất huyết Sốt xuất huyết là một bệnh thường gặp trong mùa mưa, nguy hiểm cho trẻ dưới 15 tuổi, dễ nhận ra bởi 3 dấu hiệu sau đây: sốt, đau bụng, gan to và đau. Gan to, đau biết được bằng cách sờ dưới hạ sườn phải có một khối, ấn tới đau. Cần nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết khi trẻ sốt liên miên, uống thuốc hạ sốt bớt rồi sốt lại, không có ho, không sổ mũi, đặc biệt là đau bụng. Nhưng nếu trẻ đau bụng mà không sốt thì không phải là sốt xuất huyết mà có thể đau bụng lãi. Thử máu trong sốt xuất huyết thấy tiểu cầu xuống dưới 150 ngàn/mm3, thời gian máu chảy (TS), máu đông (TC) kéo dài ra, dung tích huyết cầu (hématocrite) tăng cao trên 42% do máu cô đặc. Bệnh này cũng do siêu vi, cũng tự hết sau một tuần. Điều nguy hiểm là trẻ có thể trở nặng từ ngày thứ ba đến ngày thứ năm, với biến chứng truỵ mạch hoặc xuất huyết tiêu hoá (ói và tiêu ra máu). Bệnh này không có thuốc nào diệt được siêu vi, nhưng dịch truyền sử dụng đúng mức, làm giảm tử vong đáng kể. Viêm ruột hoại tử do vi khuẩn khác với sốt xuất huyết ở đau bụng, sốt không liên miên, gan không to, không đau và đi cầu phân màu nước rửa thịt. 5. Viêm phổi, phế quản phế viêm và các bệnh đường hô hấp Khi trẻ sốt khó thở phải nghĩ ngay các bệnh đường hô hấp, cần nhận ra 2 bệnh nặng nhất là: a. Viêm phổi: bệnh nhân sốt cao, ho nhiều, đau ngực, khó thở. Khám phổi thấy ran nổ một bên, chụp hình X quang phổi thấy một vùng phổi bị mờ, thử máu bạch cầu trong máu gia tăng khá cao trên 10 ngàn/mm3. b. Phế quản phế viêm: thường gặp hất ở trẻ em, khó thở nhiều (cánh mũi phập phồng), sốt cao, BS khám nghe ran nổ hai bên phổi, chụp hình X quang phổi có mờ rải rác nhiều nơi 2 bên phổi, bạch cầu trong máu tăng cao. Trẻ ho, sốt nhẹ hay không sốt, không khó thở phân biệt với các bệnh hô hấp nhẹ hơn: c. Viêm khí quản: trẻ không sổ mũi, không sốt, ho nhiều, BS khám phổi không nghe ran. d. Viêm thanh quản: đặc biệt là trẻ có khàn tiếng hay tắt tiếng e. Viêm phế quản: trẻ ho nhiều, nhưng không sốt, không khó thở, BS khám nghe được ran ẩm ở phổi. Thử máu thấy lượng bạch cầu không tăng, chụp phổi hoàn toàn bình thường. Riêng có bệnh viêm phế quản thể hen, BS nghe được ran rít, bệnh nhân khó thở ra về đêm. 6. Thương hàn Triệu chứng chính của bệnh này là chỉ có sốt lâu ngày mà không có ho và sổ mũi. Sốt trong bệnh này có điểm đặc biệt là sáng mát, chiều nóng, ngày một tăng dần. Sau một tuần, sốt lên đến 40oC, nhưng mạch lại rất chậm 80-90 lần/phút thay vì 120 lần/phút như trong những bệnh nhiễm trùng khác. Trẻ lớn thường than nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy. Nếu sờ tới vùng hố chậu phải của bụng, nghe tiếng ọt ọt rất đặc biệt. Khi thử máu, bạch cầu không tăng, chỉ từ 6000-8000/mm3, sang tuần thứ hai, thử Widal test dương tính trên 1/100 là chắc chắn bệnh nhân đã mắc bệnh thương hàn. Hiện nay, điều đáng phiền là các chủng vi khuẩn thương hàn đã kháng với Tifo, Bactrim, Ampicilline nên không còn dùng trong điều trị thương hàn. Thuốc mới là Noroxine 400mg, đắt tiền, ngày uống 2 viên trong 14 ngày mới tránh tái phát và biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh này là lủng ruột. 6. Sốt rét Sốt rét nhiều khi nhận ra dễ dàng khi trẻ run lập cập, đắp bao nhiêu chăn vẫn thấy lạnh, sau đó sốt cao độ và cuối cùng vã mồ hôi; nhưng lại khó nhận ra ở những trẻ sốt liên miên, sốt đi sốt lại. Lưu ý nếu trẻ ngày đầu đột nhiên sốt cao đến 40oC thì nên nghĩ đến bị sốt rét hơn là thương hàn. Những yếu tố phụ có giá trị chẩn đoán sốt rét là tiền sử bị sốt rét, điều trị không đủ ngày và có qua vùng dịch tễ sốt rét. Trẻ nhìn phía góc trong của mắt ánh hơi vàng, lưỡi đóng bợn vàng ở giữa rất đặc biệt. Dấu hiệu lách to chứng tỏ bệnh nhân trước đây có bị sốt rét nhiều lần, nhưng không phải là sốt rét hiện tại. Thử máu để tìm ký sinh trùng sốt rét phải thử nhiều lần trong ngày, nhất là lúc trẻ lên cơn sốt. Bạch cầu trong máu thường bình thường trong sốt rét, chỉ tăng cao trong sốt rét đái huyết sắc tố (sốt rét huyết niệu). Sốt rét ác tính là những thể nặng nhất của sốt rét, nếu trễ dù có cấp cứu tích cực vẫn còn gây tử vong rất cao. Tất cả những trẻ hôn mê, sốt đang ở vùng dịch tễ sốt rét thì phải nghĩ ngay đến sốt rét ác tính. 7. Viêm màng não Bệnh này vô cùng nguy hiểm ở trẻ em, cần chẩn đoán ra thật sớm, điều trị ngay mới tránh được các di chứng về sau này như mù mắt, điếc tai, tâm thần... Khi trẻ sốt, nhức đầu, ói mửa, chúng ta thử gập cổ trẻ vào ngực, nếu gập không được hoặc trẻ lộ vẻ đau đớn (dấu hiệu cổ cứng) thì phải nghĩ ngay đến trẻ đã bị viêm màng não. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, dấu hiệu thóp trước phồng lên cũng rất quan trọng để nhận ra viêm màng não. Phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để lấy nước não tuỷ xét nghiệm xem trong (lao hay siêu vi), đục (mủ) và có cách điều trị đúng mức. 8 ) Viêm não cấp: nặng và nguy hơn viêm màng não vì do siêu vi thường nhất là viêm não siêu vi Nhật bản B, enterovirus... không có thuốc trị đặc hiệu. Trong mùa dịch nếu trẻ sốt không cao lắm 38.5-39 độ mà lên co giật, hôn mê không tỉnh lại sau vài giờ, giật liên miên phải đưa ngày cáu bé vào BV cấp cứu ngay. Viêm não siêu vi khác với viêm màng não vi khuẩn ở chỗ không có thóp phồng hay cổ cứng nhưng có 3 triệu chứng đặc hiệu viêm não là sốt cao, co giật hôn mê nhiều giờ hay nhiều ngày liền. Viêm não để lại di chứng tương đối nặng cho trẻ như điếc tai, không nhìn được được nữa, liệt bán thân hay toàn thân, sống đời sống thực vật( trẻ nằm một chỗ mà không biết, không hiểu gì). Chỉ có bệnh viêm não siêu vi Nhật Bản B và viêm màng não do não mô cầu là đã có thuốc chủng ngừa nên các bậc cha mẹ cần cho con đi chích ngừa sớm trong mùa dịch viêm màng não hay viêm não. Trên đây là một số bệnh thường hay gặp ở trẻ mà các bậc cha mẹ cần phát hiện sớm để đưa trẻ đi khám bệnh và điều trị thật kịp thời, nhất là 2 bệnh nặng nguy hiểm trong mùa dịch là sốt xuất huyết và viêm não cấp. BS Dương Minh Hoàng(TN)
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cảnh giác khi chích cùng lúc nhiều loại vắc-xin (27/8)
 Nhựa độc hại: Sát thủ vô hình cho trẻ em! (23/8)
 Mẹ thiếu vitamin B12, con dễ mang dị tật (20/8)
 Trẻ sống gần trạm xăng dầu dễ bị bệnh máu trắng (20/8)
 Ngứa hậu môn ở trẻ nhỏ (19/8)
 Trị rôm sảy, mụn nhọt ở trẻ nhỏ (19/8)
 Tránh nắng gắt cho bé trong năm đầu (18/8)
 Bệnh tiểu đường ở trẻ em có xu hướng tăng mạnh (16/8)
 Thở dài có lợi cho bé (14/8)
 Mùa hè: Trẻ em rất dễ gặp ong đốt (14/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i