Tin vào bác sĩ, nhưng hơn ai hết, các mẹ hãy tin vào chính bản năng làm mẹ của mình khi con bị ốm.
Đó là thông điệp mà bài viết này muốn gửi gắm đến tất cả những ai đang làm mẹ. aFamily xin trích đăng bài viết và cũng là một câu chuyện có thật ghi lại khoảng thời gian ngắn nhưng phải trải qua đầy đủ cung bậc cảm xúc của một người mẹ khi con đang cận kề nguy hiểm để tất cả những ai đang và sắp làm mẹ đọc và biết để chăm sóc con mình tốt hơn. Mong rằng con cái của chúng ta luôn luôn mạnh khỏe, và một điều không thể phủ nhận đó là tất cả các bà mẹ đều là những người thật vĩ đại.
Bức ảnh này nhắc mình nhớ sự kiện kinh khủng nhất từ khi làm mẹ tới giờ, mình kể lại, có lẽ chia sẻ này có lợi cho bà mẹ nào đó.
Khi ấy, con gái 18 tháng tuổi, lí lắc nghịch ngợm như con trai, bỗng sốt nhẹ, sốt hanh hanh kéo dài cả tuần, không muốn con phải uống thuốc nhiều nên sau khi bác sĩ khám, đồng ý, cả nhà lên đường ra biển đổi gió như những lần trước.
Ra tới biển con gái khỏe hẳn, nhưng từ biển về thì sốt lại, lần này sốt cao hơn, 38 rồi 39 độ, rồi hơn nữa... Các bác sĩ đặt ống nghe, không nghe được tín hiệu gì khác thường từ ran phổi.
Ở nhà, mình bảo con thở mạnh vào mũi mình và ngửi mùi phả ra từ họng con mỗi ngày 3-4 lần, phân biệt giữa các lần đó, thấy ngày càng nặng mùi, cộng với việc con giảm linh hoạt, lừ đừ dần, mình bắt đầu quan sát tròng mắt của con.
Tới ngày thứ 6 con bỏ ăn, bỏ bú, mình bồng con vào bệnh viện.
Bác sĩ trực sau khi khám, lại cho toa mua thuốc và bảo về nhà uống theo dõi 3 ngày, mình bảo cháu đã sốt cao như thế này 6 ngày rồi, cộng với trước đó hanh hanh là gần 2 tuần, chắc phải có vấn đề gì.
Bác sĩ bảo tâm lý các bà mẹ thường quá lo lắng nên đôi khi cường điệu triệu chứng của trẻ con, bé không sao.
Mình nói tôi không cường điệu như bác sĩ nghĩ, tôi quan sát con tôi rất kỹ và biết cháu cần nhập viện, cần dùng các phương tiện y tế hiện đại để tìm ra cho đúng bệnh chứ không còn ở mức chỉ khám lâm sàng.
Bác sĩ hơi khó chịu hỏi rằng chị là bác sĩ à? Mình bảo tôi không là bác sĩ nhưng tôi là một người mẹ, tôi chăm sóc con tôi hàng ngày, tôi nhận ra cháu kém linh hoạt hơn bình thường đã 90%, tất cả các tài liệu y học đều hướng dẫn người Mẹ phải nói rõ cho bác sĩ biết như thế.
Bác sĩ vẫn cương quyết không cho con mình nhập viện, những cô ý tá xung quanh tới có ý đưa mình ra khỏi phòng, khuyên mình phải tin bác sĩ ...
Mình cố lấy hết bình tĩnh, mở sổ khám bệnh đặt trước mặt ông và nói rằng nếu bác sĩ quả quyết con tôi không bệnh, thì hãy ghi rõ ý kiến và quyết định rồi ký tên đóng dấu vào đây, nếu đêm nay con tôi có vấn đề gì, bác sĩ phải chịu trách nhiệm.
Bác sĩ khựng lại và ra vẻ bất đắc dĩ phải ký cho con tôi nhập viện, ông còn nói, chị muốn vậy thì tôi chẳng hẹp hòi gì, nhưng tôi bảo đảm với chị là khi lên tới khoa, bác sĩ trên đó cũng có cùng ý kiên như tôi thôi.
Mình đã bồng con bước ra khỏi phòng khám nhận bệnh với nhiều tiếng xì xào sau lưng, các vị ngành y cho rằng vì mình là diễn viên nên trầm trọng hóa vấn đề chứ con bé có bệnh gì lắm đâu.
Ở khoa hô hấp, một cuộc đối thoại tương tự cũng diễn ra, các câu hỏi và trả lời cùng thái độ lặp lại giống nhau một cách ngạc nhiên. Và con mình chỉ được bác sĩ cấp giấy đi chụp X Quang phổi sau khi mình lặp lại yêu cầu... Ông ký vào sổ chịu trách nhiệm.
Khi soi kết quả chụp lên, kỹ thuật viên bỗng thốt lên rồi quay nhìn hai mẹ con, mình hỏi ngay cháu bị gì, anh ta bảo chờ bác sĩ xem mới biết, rồi cầm phim đi cùng hai mẹ con ngược về khoa.
Hai vợ chồng mình bên ngoài chờ, nhìn vào thấy hai người trao đổi, chỉ chỉ lên phim, biết là có vấn đề, trống ngực mình đập liên hồi.
Rồi cô y tá bảo ông xã mình mang em bé vào đo huyết áp, lấy máu xét nghiệm, và thực hiện nhiều thứ khác nữa, còn mình qua gặp bác sĩ, rất chân thành, ông xin lỗi chuyện lúc nãy và cho mình biết con bé bị viêm cuống phổi cũng khá nặng, có dấu hiệu đang chuyển sang viêm phổi. Mình hỏi biểu hiện nào trên phim chỉ ra điều đó, ông chỉ vùng cuống phổi chia hai, giải thích bình thường thì nó rõ như vầy, còn của cháu mờ tới như vầy và loang ra rất nhiều về phía phổi...
Mình hỏi vì sao khi khám, các bác sĩ đều không phát hiện, không nghe thấy phổi của cháu bệnh, ông giải thích: rất hiếm, nhưng có những trường hợp ran phổi không phát tín hiệu khác thường, hoặc không nghe được ran phổi, và cháu, vì rất khỏe nên dù mẹ nói đã lờ đờ tới 90% so với ngày thường, nhưng trông vẫn chưa tới nỗi nào - so với trẻ khác... Rồi ông quyết định cho cháu nằm ở phòng cấp cứu để theo dõi.
Khi mình quay ra phòng ngoài thì giật thót khi thấy ông xã đang cầm hộp sữa dỗ cho con uống, cháu cứ nhè ra, trên tay cháu còn là gói bánh tây gặm lam nham.
Mình chỉ cho ông xã thấy khu vực này không an toàn khi có mấy cháu bị tiêu chảy cấp, trong không khí đầy vi trùng, việc cho cháu bú rồi gặm bánh như vậy có nguy cơ bị lây tiêu chảy. Con đang yếu vậy, cộng thêm tiêu chảy là nguy lắm. Mình cẩn thận đem bỏ hết cả bánh và sữa.
Vậy mà con bé cũng bị lây tiêu chảy ngay tối hôm đó, bệnh tiêu chảy ngày càng nặng, uống bao nhiêu thuốc cũng không cầm được, hai căn bệnh hành hạ cùng lúc, sức cháu yếu rất nhanh, việc uống bù nước không hiệu quả vì uống vào là ọc ra ngay, cháu đừ tới mức chẳng buồn cử động, chẳng buồn uống nước, chưa bao giờ mình rối trí tới như vậy ...
Nằm viện ngày thứ 5, chính việc không rời mắt khỏi con khiến mình phát hiện màu sắc trên gương mặt, trên cánh tay cháu biến đổi, cháu lả đi, mình gọi má chồng, bà bước tới nhìn và kêu cháu bi trụy mạch.
Mình phóng như bay tới phòng bác sĩ, lúc đó là giữa trưa, cô y tá bảo là bác sĩ đang... hội chẩn, mình biết cô nói dối, nhưng nhìn quanh phòng trực không có ai khác, mình đành phóng về phòng, má chồng bèn gọi cho bác T - giám đốc bệnh viện, chưa đầy 1 phút, 4-5 người vừa khoác áo vừa phóng xuống, họ nhìn con bé, cầm tay, vạch mắt con bé rồi nhanh như cắt, đẩy giường lên phòng cấp cứu.
Mình không được vào, mình thấy nhiều người xúm lại, mình thấy nhiều thiết bị được đẩy tới, mình thấy không khí khẩn trương, mình bấn loạn, đã nghĩ tới trường hợp xấu nhất, mình cầu nguyện, cầu nguyện liên tục, van vái đủ điều, gọi tên hết tất cả vị Thần vị Thánh nào mà mình biết...
Không biết bao lâu sau đó thì có tin báo là cháu ổn rồi, tốt rồi, hình như bác T giám đốc tới, những gì sau đó mình không rõ, nghe kể lại là ê -kíp trực bị khiển trách, dù rất xót con nhưng chẳng vui gì khi nghe tin như vậy, vì mình biết nghề y vất vả nhiều như thế nào...
Từ hôm đó, con mình được chăm sóc đặc biệt, phòng mình được đối xử... khác thường, mình đâm ngượng với những bà mẹ khác, má chồng mình cũng áy náy, cực chẳng đã nguy cấp phải gọi bác T cầu cứu, chứ bà không thích phải cậy nhờ, không thích phải bị khác với những người xung quanh.
Mình không trách các bác sĩ, mình nghĩ các bác ấy đã đúng với các trường hợp thông thường phổ biến, do ca bệnh con gái mình cá biệt bất thường nên mới ra nông nỗi này. Mình kể để các bà mẹ tin vào bản thân mình nhiều hơn khi đứng trước bác sĩ. Cũng không phải vì thế mà mình mất niềm tin vào bác sĩ vì mình và gia đình cũng đã gặp rất nhiều bác sĩ có tâm và tận tụy với nghề, nhiều vị đã cống hiến những công trình nghiên cứu y khoa phục vụ cộng đồng.
Sau cơn bệnh , con gái mình như một cô bé khác vậy, không còn lí lắc nghịch phá như xưa, cháu trầm tính hẳn, và rất sợ bác sĩ. Mình đâm lo, không biết có khoảng thời gian nào, máu không bơm kịp lên não không?
"CON BỆNH" - nghe 2 chữ ấy thôi, mình đã muốn xỉu.
Vì ngoài việc kiên trì dỗ con, phải hết sức kiên nhẫn, hết sức nhã nhặn, hết sức nhẹ nhàng trình bày "kiến thức y khoa hạn hẹp" của mình trước ánh mắt "thiếu niềm tin" của bác sĩ.
Phải khiêm cung mà cương quyết đòi QUYỀN LỢI CÔNG DÂN của mình trong việc ĐƯỢC CHĂM SÓC Y TẾ, trong việc ĐƯỢC QUYỀN DÙNG THIẾT BỊ Y TẾ HIỆN ĐẠI - MUA BẰNG TIỀN NHÀ NƯỚC, vì đó là tiền đóng thuế của toàn dân, trong đó có mình.
Một lần chăm con bệnh nặng, mới thấu hiểu thần kinh của mẹ mình ngày xưa từng dao động tới biên độ nào, vậy mà hồi mười ba mười bốn tuổi, mình từng bực bội hỏi tại sao mẹ cứ kể hoài chuyện con bệnh, lúc nào cũng bắt đầu: "Hồi nhỏ, Khanh có 1 lần bệnh nặng suýt chết... ".
Có một vị bác sĩ đã viết trong sách hướng dẫn chăm sóc trẻ con câu này:
"NGƯỜI MẸ CHÍNH LÀ BÁC SĨ TỐT NHẤT CỦA CON MÌNH"
Mong các bà mẹ đang chăm con đừng quên...
Theo Afamily