Tắm nắng là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình phát triển của bé, đặc biệt là các bé sơ sinh.
Bởi tia hồng ngoại có trong ánh nắng mặt trời có tác dụng giảm đau, chữa bệnh về cơ, xương, khớp. Còn tia cực tím lại có hiệu quả trong diệt khuẩn, chống viêm, kích hoạt da sản sinh vitamin D3 làm tăng cường hấp thụ canxi và phốt pho - hai thành phần chính cấu tạo nên xương.
1. Thời điểm tắm nắng
Thời điểm thích hợp để cho bé tắm nắng là từ 6 - 9h sáng và sau 4h - 5h chiều. Từ 6 - 9h sáng là lúc tia hồng ngoại và tia cực tím phát ra từ mặt trời tương đối yếu nên có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể bé. Còn sau 4h - 5h chiều là khoảng thời gian thành phần X-quang trong tia cực tím nhiều, có thể giúp cơ thể hấp thu canxi, phốt pho, hỗ trợ sự phát triển của xương.
Bạn cần chú ý là từ giữa trưa đến 4h chiều không nên cho bé ra nắng, bởi lúc này tia cực tím trong ánh nắng mặt trời trở nên mạnh nhất, vì thế dễ gây tổn thương cho da.
2. Tắm nắng trong bao lâu là phù hợp?
Cho bé tắm nắng trong bao lâu phụ thuộc vào độ tuổi của bé và tăng dần từ 10 phút đến 30 phút tùy theo sự phát triển của bé. Thông thường trẻ sơ sinh từ 2 tuần tuổi đã có thể tắm nắng.
Nếu bạn thấy da bé chuyển sang màu đỏ, ra nhiều mồ hôi, mạch đập nhanh thì nhanh chóng đưa bé về nhà cho uống một chút nước lọc, cũng có thể lấy nước ấm lau người cho bé. Để hạn chế mức thấp nhất khả năng bé bị cảm nắng hoặc phản ứng với ánh nắng, bạn nên "tập" cho bé quen dần với ánh nắng bằng cách bế bé ra nắng một chút rồi cho bé vào chỗ mát nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục cho bé ra chỗ có ánh nắng.
Ảnh minh họa
3. Cách tắm nắng
Đặt bé nằm duỗi như tư thế nằm trên giường sao cho ánh nắng mặt trời tiếp xúc với lưng đầu tiên, sau đó là hai bên thân mình, cuối cùng mới là bụng và ngực. Khi mới cho bé tắm nắng, chỉ nên để ánh nắng chiếu vào từng phần (như đã chia ở trên) trong khoảng 1 phút, lâu dần mới tăng thời gian lên.
Vào mùa hè, tỉ lệ tia cực tím trong ánh nắng thường cao hơn các mùa khác nên bạn phải chú ý bảo vệ đầu và mắt cho bé. Tốt nhất là cho bé đội mũ làm bằng chất liệu vải sợi tự nhiên, thoáng mát, thấm mồ hôi và đặc biệt phải rộng vành để che ánh nắng chiếu trực tiếp vào mắt.
4. Cho bé mặc ít quần áo khi tắm nắng
Khi bắt đầu, bạn cứ cho bé mặc quần áo như bình thường. Phơi nắng được một lúc, nếu cảm thấy nhiệt độ cơ thế bé tăng lên, bạn mới dần dần cởi bớt áo quần cho bé. Làm như vậy sẽ khiến bé cảm thấy rất sảng khoái mà lại đảm bảo sức khỏe cho bé.
Sau khi tắm nắng xong, nên mặc thêm quần áo cho bé luôn bởi trong lúc phơi nắng, các lỗ chân lông nở to ra nên khi bạn đưa bé vào nhà hoặc nơi râm mát, các khí lạnh sẽ dễ dàng thâm nhập qua lỗ chân lông khiến cơ thể bé ngấm lạnh nhanh, thậm chí dẫn đến cảm lạnh.
5. Phơi nắng qua cửa kính làm giảm tác dụng rất nhiều
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi bị ngăn cách bởi một tấm kính, tỉ lệ tia cực tím giảm xuống 50%, ở vị trí cách cửa sổ 4m, tỉ lệ này giảm xuống còn 2% so với ngoài trời. Vì vậy, đứng trong nhà phơi nắng qua kính cửa sổ thực sự không có hiệu quả.
Theo Tri thức trẻ