Để bảo vệ men răng, cần súc miệng ngay sau khi ăn sữa chua, nhất là trẻ em.
Trong sữa chua, các chất đạm, chất béo có sẵn trong sữa đã được tiêu hóa một phần, rút ngắn thời gian hấp thu trong hệ thống tiêu hóa. Đường lactoza đã được lên men dễ hấp thu, làm giảm lượng đường tồn đọng lại ở hệ tiêu hóa nên tránh được tiêu chảy, giúp cho cơ thể hấp thu canxi và một số khoáng chất khác dễ dàng hơn.
Nên bắt đầu cho trẻ ăn sữa chua khi bé được 6 tháng tuổi. Chọn loại sữa chua nguyên kem cho bé là tốt nhất, vì bé cần chất béo để phát triển đầy đủ. Tùy theo độ tuổi mà lượng sữa chua cung cấp cho thể khác nhau:
- Trẻ 6 - 10 tháng tuổi: 50 gr mỗi ngày.
- Trẻ 1 - 2 tuổi: 80 gr mỗi ngày.
- Trên 2 tuổi: 100 gr mỗi ngày.
Lưu ý khi sử dụng sữa chua cho trẻ
Nên dùng sau bữa ăn. Các vi khuẩn có lợi trong sữa chua tồn tại ở điều kiện độ pH lớn hơn hoặc bằng 5,4, khi đói, độ pH trong dạ dày chỉ = 2, các vi khuẩn có lợi trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt, giảm tác dụng đối với cơ thể. Sau khi ăn, dạ dày co bóp mạnh, độ pH có thể tăng lên từ 3 đến 5, đây là điều kiện lý tưởng cho các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động.
Cần súc miệng ngay sau khi ăn. Do các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động rất mạnh nên cũng rất dễ làm hỏng men răng, nhất là răng trẻ nhỏ. Vì vậy, nên súc miệng ngay sau khi ăn.
Không nên dùng nóng. Khi dùng nóng hoặc cho thêm nước nóng vào sữa chua, sẽ khiến cho vi khuẩn có lợi trong sữa chua mất khả năng hoạt động. Vì vậy, sữa chua sẽ bị mất đi các chất dinh dưỡng và khả năng kích thích tiêu hóa cũng giảm đi đáng kể.
Không dùng sữa chua chung với các loại thuốc. Các chất có trong thuốc kháng sinh, hay các loại thuốc có chứa thành phần amin lưu huỳnh cũng có thể làm phá vỡ hoặc tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong sữa chua.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống