Phần đa các mẹ đều chưa biết chọn bàn chải và kem đánh răng 'đúng chất' cho bé.
Hiên dắt xe ra đường và phóng nhanh qua nhà Quỳnh - cô bạn thân của mình có chút việc gấp. Trong lúc cả hai đang ngồi nói chuyện thì bé Nhút - con gái Quỳnh, năm nay 3 tuổi chạy ra nhắc nhở mẹ:
- Mẹ ơi, đến giờ đánh răng đi ngủ rồi.
- Ôi mẹ hư quá, suýt nữa thì quên mất, may mà có Nhút nhắc kịp thời. Nào, mẹ con mình cùng đi đánh răng nào.
Quỳnh nói với bé Nhút, sau đó quay sang Hiên nháy mắt một cái ra hiệu "Chờ tớ chút" rồi đứng dậy cùng Nhút đi vào phòng tắm. Hiên ngạc nhiên đến không nói được gì. Thường ngày muốn cu Bin súc miệng trước khi đi ngủ mà đã khó lắm rồi chứ nói gì đến đánh răng. Cứ lần nào gọi đi đánh răng, bé cũng lề mề, mè nheo "Sao con lại phải đánh răng?" làm Hiên thấy mệt mỏi vô cùng. Ấy vậy mà Quỳnh thì lại nhàn tênh. Hiên đoán chắc có lẽ Nhút là con gái nên ngoan và dễ bảo hơn con trai. Đem cái ngưỡng mộ của mình nói với Quỳnh, không ngờ Quỳnh gạt đi và bảo: "Nhút ban đầu ghét đánh răng lắm, lúc nào cũng thích chống đối mẹ. Buổi tối ép con đánh răng mà 2 mẹ con cứ như đang đánh trận, ầm ĩ hết của nhà. Sau đó được người bạn mách cho vài mẹo hay, phải kiên trì một thời gian Nhút mới được như thế này đấy".
Chọn cho bé bàn chải xinh xinh, đầy màu sắc (Hình minh họa)
Hoá ra bé nào cũng vậy, cũng chưa thể quen ngay với việc đánh răng. Chính vì thế, người lớn cần tạo cho bé thói quen vệ sinh răng miệng, biến nó từ việc "khủng khiếp" trở thành một niềm vui có ý nghĩa.
Khi nào nên bắt đầu chăm sóc răng miệng?
Thực ra vệ sinh răng miệng cho bé phải bắt đầu trước khi xuất hiện chiếc răng đầu tiên. Răng bắt đầu hình thành vào khoảng 3 tháng giữa của thai kỳ.
Lúc chào đời, bé đã có sẵn 20 chiếc răng sữa, trong đó có một số cái đã phát triển hoàn thiện trong hàm. Khi trẻ chưa mọc răng, hãy tạo thói quen dùng khăn xô lồng vào ngón tay và cọ lợi cho bé sau mỗi bữa ăn để ngăn khuẩn tích tụ.
Khi bé đã mọc vài cái răng, có thể chải răng bằng bàn chải mềm dành riêng cho trẻ hoặc dùng gạc vào cuối ngày. Trẻ có thể bị sâu răng khi có thói quen ăn uống không tốt, ví dụ như ngậm bình sữa khi ngủ.
Tạo sự hứng thú cho trẻ khi đánh răng
- Chuẩn bị tâm lý cho con bằng cách dẫn chúng đi siêu thị, tự mình chọn những chiếc bàn chải trẻ em xinh xinh, đầy màu sắc.
- Làm mẫu và giải thích cho bé, đánh răng không hề gây đau và trái lại, điều này sẽ giúp răng sạch sẽ và thơm tho hơn, để bé được cười xinh mỗi khi soi gương cùng mẹ.
- Mua những loại kem đánh răng có mùi vị để bé không có cảm giác cay xè và sợ thuốc đánh răng.
- Cho bé xem những băng hình có cảnh các bạn đánh răng để bé bắt chước theo những hình ảnh mà bé vừa xem được.
- Chọn mua ở các nhà sách hoặc các trung tâm nha khoa những bức hình về răng miệng để giúp bé tìm hiểu thế nào là răng sâu, răng hỏng, thế nào là quy trình đánh răng đúng cách?
- Tâm lý của trẻ là rất thích... 'đua đòi'. Vì thế, trong những ngày đầu tiên, hãy tập trung vài đứa trẻ cùng một lúc để thực hành những bài học về răng miệng. Chúng sẽ bắt chước và ganh đua với nhau trong quá trình học tập. Và vì thế, chúng sẽ bớt đi cảm giác nhàm chán, sợ sệt.
- Cha mẹ phải bình tĩnh chứ không nên quát tháo, mắng nhiếc trẻ. Điều này chỉ làm chúng sợ sệt thêm mà thôi. Động viên con hoặc bày ra những trò chơi trong quá trình cùng bé tập đánh răng sẽ giúp trẻ cảm thấy hứng thú và say mê với hoạt động về răng mỗi ngày.
Lưu ý:
Nên chọn loại kem đánh răng có fluoride nồng độ thấp, dành riêng cho trẻ em. Mỗi lần chải răng chỉ nên sử dụng một lượng kem đánh răng nhỏ bằng hạt đậu, để không tạo quá nhiều bọt gây trở ngại cho việc đánh răng. Trẻ nhỏ thường có nguy cơ nuốt nhiều kem đánh răng dẫn đến sự nhiễm fluoride vĩnh viễn sau này.
Trẻ dưới 3 tuổi nên được bố mẹ chải răng giúp và chỉ sử dụng một lớp thật mỏng kem đánh răng. Trẻ dưới 6 tuổi cần được chải răng dưới sự kiểm soát của cha mẹ, chú ý giới hạn số lượng kem đánh răng. Cha mẹ cần nhắc nhở trẻ đánh răng trước khi ngủ.
Theo Eva.vn