Tuyệt đối không ép trẻ tập đọc, viết chữ, học trước chương trình lớp 1. Các địa phương phát huy sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp giáo dục mầm non (GDMN), tăng cường các biện pháp chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số.
Đây là một trong những quy định được nêu trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2012-2013 đối với bậc mầm non của Bộ GD-ĐT. Trong năm học này, các Sở GD-ĐT sẽ triển khai chương trình GDMN mới ở tất cả các cơ sở GDMN, trong đó đảm bảo có 95% số nhóm/lớp trở lên được thực hiện chương trình này.
Năm học 2012-2013 cấp học mầm non sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Các địa phương cần chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình GDMN mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đầu tư, trang cấp đồ dùng, đồ chơi, thiết bị GD tối thiểu phục vụ triển khai mở rộng diện thực hiện chương trình GDMN mới, đặc biệt chú trọng tới các thiết bị đồ chơi rèn luyện thể lực cho trẻ. Chỉ đạo thực hiện xây dựng môi trường GD phát triển thể chất và nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động GD phát triển thế chất cho trẻ.
Tăng cường trao đổi, học tập, rút kinh nghiệm và hỗ trợ việc thực hiện chương trình GDMN cho các cán bộ quản lí, chỉ đạo và các giáo viên của trường MN. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình GDMN cho các cơ sở GDMN ở những vùng khó khăn.
Năm học này các trường học sẽ tiếp tục thực hiện sử dụng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi nhằm nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN. Trong năm học này, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng Bộ chuẩn PTTENT cho các tỉnh chưa được tham gia bồi dưỡng, đồng thời chỉ đạo mở rộng số trường sử dụng Bộ chuẩn PTTENT và nâng cao chất lượng thực hiện. Tăng cường tuyên truyền rộng rãi bằng mọi hình thức cho các bậc cha mẹ và cộng đồng hiểu và biết cách sử dụng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi trong việc theo dõi sự phát triển của trẻ để có biện pháp phối hợp tác động kịp thời giữa gia đình và nhà trường giúp trẻ phát triển tốt, tạo nền tảng vững chắc cho trẻ bước vào lớp 1.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các Sở G-ĐT tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở GDMN. Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống béo phì, giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) dưới 8% và tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) dưới 10%. Phấn đấu giảm ít nhất 1% số trẻ suy dinh dưỡng so với cùng kì năm trước. Tiếp tục chỉ đạo mở rộng mô hình phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ trong các cơ sở GDMN.
Quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn ở những nơi tổ chức ăn bán trú, đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở GDMN, chỉ đạo tốt việc tính khẩu phần ăn cho trẻ theo khung chương trình GDMN do Bộ GD-ĐT ban hành. Tỷ lệ trẻ được ăn bán trú trong các cơ sở GDMN ở mỗi địa phương tăng 5% - 10 %. Những nơi chưa có điều kiện tổ chức ăn bán trú cần phối hợp với gia đình để có biện pháp chống đói, chống khát, chống rét cho trẻ trong thời gian ở trường nhằm thực hiện mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em.
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ này Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức các lớp tập huấn cốt cán về chăm sóc dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe trẻ em cho những địa phương có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhằm chủ động triển khai có hiệu quả công tác phòng tránh suy dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe trẻ em, đồng thời chỉ đạo thí điểm tại một số trường MN nông thôn của Hà Nội, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo và thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho trẻ em trong những năm học tiếp theo.
Tăng cường các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ trong các cơ sở GDMN, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần. Chủ động phòng chống dịch bệnh trong trường MN, giữ gìn môi trường sinh hoạt, dụng cụ ăn uống, đồ dùng, đồ chơi của trẻ của trẻ sạch sẽ để phòng chống một số bệnh do virut gây ra, dễ lây lan và gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.
Tiếp tục thực hiện lồng ghép các nội dung GD an toàn giao thông, GD bảo vệ môi trường, GD sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và GD tài nguyên môi trường, biển, hải đảo vào chương trình GDMN
Liên quan đến việc thực hiện công bằng trong GDMN Bộ GD-ĐT đề ra, trong năm học 2012-2013 cần quan tâm ưu tiên đối với nhóm trẻ thiệt thòi. Thực hiện nghiêm túc việc hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo ở địa bàn đặc biệt khó khăn, có hoàn cảnh khó khăn đang học tại các cơ sở GDMN; miễn giảm học phí học tập cho trẻ theo quy định.
Phối hợp thực hiện việc chuyển giao trẻ khuyết tật MN vào tiểu học, đảm bảo quá trình giáo dục của trẻ đươc liên thông giữa hai cấp học. Tăng cường tập huấn cho giáo viên, nhân viên của các nhà trường, tuyên truyền cho cha mẹ trẻ và cộng đồng về GD hòa nhập trẻ khuyết tật, chống phân biệt đối xử đối với trẻ khuyết, kì thị đối với trẻ nhiễm HIV. Phát huy những kết quả đạt được trong hoạt động phối hợp với các tổ chức quốc tế, tăng cường học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị trong và ngoài tỉnh về các biện pháp quản lí chỉ đạo công tác GD hòa nhập trẻ khuyết tật, các nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ khuyết tật để thực hiện có hiệu quả và phù hợp.
Triển khai sử dụng tài liệu Hướng dẫn chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số trong tất cả các cơ sở GDMN trên địa bàn. Đồng thời bồi dưỡng chuyên môn và tiếng dân tộc cho giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số để làm tốt việc chuẩn bị tiếng Việt giúp trẻ vào học lớp 1 thuận lợi....
Theo Dân Trí