Quá tải trường mầm non công lập không phải chuyện mới, song việc gia tăng sĩ số lớp đang khiến phụ huynh lo lắng.
Ngược với nỗi lo của phụ huynh nội thành, vùng ngoại thành lại canh cánh trước cơ sở vật chất xuống cấp, đồ dùng tối thiểu cho học sinh (HS) còn thiếu...
Ngoại thành... thiếu đồ dùng tối thiểu
Trong khi các lớp mầm non, tiểu học trong nội thành luôn quá tải, thì ở vùng ngoại thành, miền núi lại khá vắng học sinh. Điều đáng nói, cơ sở vật chất cho số học sinh "vắng vẻ" kia còn... không đủ. Trường mầm non công lập Đông Xuân (xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai) là một ví dụ. Hiệu trưởng Hoàng Thị Cầu cho biết: Trường có 13 phòng học chia làm 4 điểm, mỗi điểm trường cách nhau từ 3 - 5 cây số, mỗi lớp học có khoảng 15 - 18 HS. "Cơ sở vật chất xuống cấp, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu còn thiếu rất nhiều, 13 phòng học của 4 điểm trường, chỉ có duy nhất 1 phòng ở điểm trung tâm có tivi. Nếu mua đầy đủ đồ chơi cho trẻ, nhà trường không còn tiền để chi cho các hoạt động khác.
Đặc biệt, theo cô Cầu, cơ sở vật chất ở đây mới đưa vào sử dụng chưa được một năm đã xuống cấp trầm trọng, thiết bị vệ sinh hỏng hoàn toàn. Trời mưa phải mang chậu, xô để hứng nước, rất nguy hiểm cho các cháu.
Là xã miền núi, học sinh có đến 90% là người dân tộc (dân tộc Mường chiếm trên 70%, còn lại dân tộc Tày, Nùng, Dao, Thái và Sán Dìu), ông Nguyễn Đức Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Mãn (huyện Quốc Oai) cho hay: "Hiện trường có 10 phòng học, nhưng hầu hết đã xuống cấp. Văn phòng của nhà trường hiện tại cũng phải làm phòng học tạm cho HS". Chưa kể, trường nằm gần 3 khu mỏ đá, hàng ngày lượng xe tải hạng nặng qua lại trước cổng trường, làm cho hệ thống đường sá xuống cấp trầm trọng, gây nguy hiểm cho việc đi lại của HS.
Nhiều phòng học trường Tiểu học Phú Mãn đã bị xuống cấp. Ảnh: Trung Đức
Nội thành tiếp tục... quá tải
Theo Điều lệ, trường mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành, mỗi lớp đảm bảo tối đa 35 trẻ/2 giáo viên và nếu thêm 10 trẻ thì bổ sung thêm một giáo viên. Diện tích lớp cho mỗi trẻ cũng phải từ 1,5 - 1,8m2. Nhưng thực tế, nhiều năm qua, sĩ số học sinh tại khu vực nội thành cao hơn rất nhiều, gây nên tình trạng quá tải ở các trường mầm non công lập.
Chị Mai Thu Vân (quận Ba Đình) cho biết, lớp con chị sĩ số lên đến gần 60 cháu: "Lớp đông như vậy, làm sao đủ chỗ cho các cháu vui chơi, cả việc ăn, ngủ", Cô giáo dạy mầm non Nguyễn Vân Hồng (quận Hai Bà Trưng) thừa nhận, lớp học đông sẽ khó chăm sóc đầy đủ cho các cháu ở lứa tuổi này. Bản thân giáo viên cũng khó có thể kiểm soát lớp học, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, căng thẳng khi làm việc.
Thực tế, năm học vừa qua, Hà Nội đã cố gắng tập trung vào một số mục tiêu như quy hoạch đất, đầu tư kinh phí củng cố, mở rộng quy mô, mạng lưới trường lớp, đảm bảo thực hiện chế độ chính sách, tuyển dụng giáo viên mầm non. Tuy nhiên, tình hình vẫn không được cải thiện là mấy, những phường thiếu trường mầm non vẫn phải gửi trẻ đi học nhờ. Năm học 2012 - 2013 này, Hà Nội có 857 trường mầm non với 368.700 cháu. Trong đó, 312.400 cháu tập trung ở 600 trường mầm non công lập. Như vậy, số trẻ được học trường công lập đã tăng lên, đạt khoảng 85% số trẻ trong độ tuổi. Trong khi quy mô mạng lưới trường, lớp không có nhiều chuyển biến, mà số trẻ lại tăng, tình trạng quá tải là điều dễ hiểu.
Vậy là năm học mới đang đến gần, các trường nội thành lại tiếp diễn tình trạng quá tải lớp học, còn một số trường ngoại thành chưa thể khắc phục được tình trạng thiếu đồ dùng tối thiểu phục vụ việc dạy và học.
Theo KTĐT