Sức khoẻ
   Trẻ bị phỏng: Nỗi đau kéo dài (Phần 2)
 
Sáu tháng đầu năm, Khoa Phỏng Bệnh viện Nhi đồng I đã tiếp nhận điều trị nội trú 303 trường hợp trẻ bị phỏng cấp, hầu hết từ các tỉnh chuyển về. Theo BS Nguyễn Bảo Tường, trưởng Khoa Phỏng và Tạo hình, đa số bệnh nhi đều trong tình trạng "te tua"! Phỏng cấp: Ấn tượng khó phai Bước vào Khoa Phỏng BV Nhi đồng I, đập vào mắt mọi người là những bệnh nhân nhí bị quấn băng trắng toát, từ một phần cho đến toàn phần và tay chân được chằng giữ ở bốn góc. Các em nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm sấp tùy theo tình trạng phỏng của mình. Nhiều em đau quá, chịu không nổi, khóc la thất thanh. Có trẻ nằm trên giường nhưng cũng có trẻ bị thương ở phần mông, phải nằm trên tấm vải trắng căng bên trên, cách giường vài phân để tránh nhiễm trùng. Có trẻ mười mấy tuổi nhưng cũng có trẻ chỉ mới vài tháng tuổi, nằm trên giường bệnh còn ngậm bình sữa. Có trẻ bị phỏng điện phải cưa cụt chi... Đúng như lời BS Tường nói, các em đều trong tình trạng "te tua" cả, do bị phỏng từ độ II-III trở lên. Hình ảnh các em rất đỗi đau lòng đến độ cách đây vài hôm, một cô BS tâm lý người Pháp khi đến đây thăm các em đã bị choáng và "xỉu cái đùng" ngay tại chỗ! Có lẽ đó là một ấn tượng, một kỷ niệm khó quên của cô BS này khi trở lại nước Pháp. Một trong những ca nặng là trường hợp của em Nguyễn Văn T., sinh năm 1995, ngụ ở phường Phước Hưng, thị trấn Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhập viện ngày 15/7. Cha em, với cặp mắt lạc thần sau tai nạn của con mình, cho hay: Lúc người lớn đang nằm ngủ trưa, bé T. và đứa anh bày trò nấu nướng chi đó. Một lát sau, có tiếng nổ và tiếng la hoảng. Tỉnh dậy, ông thấy lửa cháy phừng phừng trên người đứa con trai út, vội vã xối nước, dập tắt lửa và chở con mình ra BV Bà Rịa. Sau đó, được BV này tức tốc chuyển cấp cứu lên BV Nhi đồng I trong tình trạng bị phỏng sâu, khoảng 90%, "tiêu" nguyên phần ngực và phỏng luôn cả đường hô hấp. Theo lời kể, nguyên nhân là do cậu anh của T. châm dầu khi bếp đang cháy. Em vào BV Nhi đồng I trong tình trạng mạch không, huyết áp không. Hiện bé T. lúc tỉnh lúc mê, tiên lượng rất xấu. BS Tường cho biết ca này rất "khó chịu", cứ chuẩn bị mổ thì em lại bị sốt. Các BS không dám hứa trước điều gì! Mổ chỉnh hình: Vào bệnh viện như đi chợ Đó là những ca phỏng cấp, còn những ca phỏng trước chưa được chỉnh hình nay phải phẫu thuật lại cũng không ít. Đó là các em sẹo đã liền da, chân tay bị co rút, trông càng đáng thương hơn. Mỗi năm, BV Nhi đồng I tiếp nhận khoảng 200 trường hợp thuộc dạng này. Có em nhập viện sáu-bảy lần, có em tới... 22 lần. Các bác sĩ cứ gọi là... thuộc làu tên, địa chỉ, hoàn cảnh của các em. Như bé Nguyễn Đình T., năm tuổi, nhà ở quận Tân Bình, ra Nghệ An thăm bà nội bị té xuống hố vôi. Hai chân em bị luộc chín. Sau khi lành, trông cặp chân em như đang được phủ lên tấm vải nhăn nhúm. Đến nay, tổng cộng em đã mổ 14 lần nhưng nhượng chân của em vẫn còn bị rút và loét, không đứng thẳng lên được... Chân còn đỡ, chứ như em Nguyễn Hồng L., bảy tuổi, vào BV lần này là lần thứ mười, nếu khuôn mặt em không được chỉnh hình đàng hoàng thì có lẽ suốt đời em sẽ phải né tránh bất cứ tấm gương soi nào. Gia đình bé L. sinh sống bằng nghề thả lưới ở tận Campuchia. Tháng 7/2003, lúc cha mẹ vắng nhà, L. đi ngang bếp lửa, đá đổ bình xăng dùng để chạy ghe, làm lửa phựt cháy. Hai trong ba chị em có mặt tại đó bị phỏng và em là người bị nặng nhất. 19 giờ tối, cha mẹ L. đưa con vào một BV ở Campuchia nhưng bị từ chối vì tình trạng của L. quá nặng. Họ đành bồng con chạy qua một BV ở Châu Đốc và nơi này đã đưa em lêm BV Nhi đồng I cấp cứu lúc 4 giờ sáng. Mạng sống của em đã được giữ lại nhưng toàn bộ khuôn mặt và cơ thể em đã bị biến dạng hoàn toàn. Môi dính mũi, còn sóng mũi thì bị sụp xuống. Mắt không nhắm lại được. Các vùng da khác trên cơ thể như tay chân cũng trong tình trạng dính chặt. Lúc tiếp xúc với phóng viên, có lần em há miệng ngáp nhưng thật tội, vì ngay chuyện ngáp cũng mới khó làm sao với bé L.! Rất nhiều trường hợp như trên, nên thật khó để kể hết ở đây. Điều đáng nói là đa số các em đều ở diện nghèo và đuợc đưa vào BV rất trễ. Chi phí chữa trị rất tốn kém, trung bình một ngày tốn trên một triệu đồng tiền thuốc, chưa kể những ca đặc biệt như nhiễm trùng huyết nặng phải chi đến 40 triệu đồng một ngày! Dù được miễn giảm và có sự ủng hộ của các nhà từ thiện, nhiều gia đình đã phải bán nhà, vay mượn để cứu chữa cho con. Tuy nhiên, tốn kém tiền bạc chỉ là một phần, nỗi mặc cảm về một cơ thể xấu xí sẽ đeo đuổi các em suốt cả cuộc đời. Như em Nguyễn Thị M., ngụ ở xã Bàng Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, bị phỏng đèn dầu năm bốn tuổi. Xấu hổ vì "cổ dính, mông giựt", dù đã phẫu thuật tới lần thứ tư nhưng khi đi học hay đi bất cứ đâu, em đều lấy khăn che kín mặt. Vì lẽ đó, bác sĩ Bảo Tường cho rằng: Khi trẻ bị phỏng nhập viện, việc đầu tiên của người bác sĩ là phải cứu sống đứa trẻ, làm lành vết thương trong khoảng thời gian ngắn nhất để giảm chi phí cho bệnh nhân. Sau đó, phải giúp trẻ tái hoà nhập với cộng đồng về mặt chức năng và tính thẩm mỹ. Đơn giản, có trẻ sau khi bị phỏng, ngón chân bị toẻ ra, không chỉnh lại thì sẽ không thể nào mang giày được. Sâu xa hơn, có những chỗ da bị dính, bị rút, nếu không được can thiệp, xương sẽ lớn lên trong "một cái áo giáp chật" làm trẻ không sao chịu nổi. Khi xương nơi ấy bị uốn cong, trẻ bị dị tật vĩnh viễn. Ngăn ngừa nỗi đau trẻ thơ: Hãy bắt đầu từ người lớn Với 30 giường bệnh, Khoa Phỏng BV Nhi đồng I là một trong những đơn vị phỏng lớn nhất ở phía Nam. Với sự quan tâm, đầu tư của BV và sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia nước ngoài, Khoa đã nỗ lực làm giảm nhiều tỷ lệ tử vong và thời gian nằm viện của các em. Trước, có ca nằm tới 183 ngày nhưng nay với ca đặc biệt có khi chỉ cần nằm ở BV sáu tuần lễ là có thể xuất viện. Tỷ lệ tử vong giảm từ 16% xuống còn 1-1,2%. Thế nhưng các bác sĩ dù đã làm việc với 150% công suất nhưng vẫn không thể nào đáp ứng hết yêu cầu công việc. Trung bình hàng năm, BV tiếp nhận khoảng 2.000 ca phỏng, trong đó giữ lại điều trị nội trú 600 ca, còn lại điều trị ngoại trú và theo dõi qua tái khám. Các ca phỏng cấp, phải mổ ghép da phân nửa số bệnh nhân nội trú. Mổ chỉnh hình khoảng 200 ca, còn nhiều ca buộc phải cho về. Hiện nay, lịch mổ của ba BS tại Khoa này đã xếp dày đặc đến tháng 11. Từ đầu hè đến giờ, mỗi ngày các BS phải thay phiên mổ từ 8 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Chưa hết, vì hãy còn đây một nỗi băn khoăn: TP.HCM ngày càng đông dân. Các BV nhi của thành phố cũng là nơi chữa trị cho các bệnh nhân phỏng ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Nếu không được sớm đầu tư, quan tâm đúng mức để nâng cấp các Khoa Phỏng tại các BV này, chúng ta sẽ khó lòng xoay trở kịp thời nếu chẳng may xảy ra các vụ hoả hoạn ở nhà trẻ, nhà thiếu nhi, rạp xiếc... như vụ cháy gần đây ở một trường tư bên Ấn Độ! Không kể những tai nạn khủng khiếp phải được đề phòng từ xa, hàng ngày vẫn có nhiều nguyên nhân gây nên những nỗi đau về phỏng cho trẻ ngay khi các em ở nhà với cha, mẹ. Trong đó, cần phải đề cập đến sự lơ là, thiếu hiểu biết của một số bậc cha, mẹ: Để trẻ nghịch lửa; để hớ hênh những vật gây cháy nổ như xăng; không để ý đến những nơi vui đùa nguy hiểm của trẻ... Một điều cần đặc biệt quan tâm là trung bình hàng năm, BV Nhi đồng I tiếp nhận khoảng 10-12 ca phỏng trẻ sơ sinh do nằm than. Và nhiều ca phỏng nước sôi do tắm trẻ sai nguyên tắc. (Khi pha nước để tắm trẻ, thay vì đổ nước lạnh vào trước, các bà mẹ lại đổ nước sôi trước. Và thay vì dùng tay đỡ lưng trẻ, các bà mẹ cứ thế "vô tư" nhúng con mình vào nước sôi!) Do vậy, mong rằng các ông bố bà mẹ đừng để xảy ra một phút sai lầm nào mà phải ân hận suốt đời vì những nỗi đau do con mình bị phỏng! Bài, ảnh: Vân Điển
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Báo động tình trạng bỏng trẻ em (12/8)
 Sốt rét ở trẻ em (9/8)
 7 điều cần biết về chấn thương sọ não trẻ em (9/8)
 Máy tính chống béo phì ở trẻ (9/8)
 Trường hợp đầu tiên pin tiểu nổ gây tổn thương mắt (5/8)
 5 nguyên nhân gây tử vong ở trẻ (31/7)
 88% bệnh nhi bị chấn thương sọ não do tai nạn sinh hoạt (30/7)
 Chấy không ảnh hưởng nhiều đến trẻ (26/7)
 Văn phòng phẩm thơm có hại cho trẻ em (8/7)
 Sơ cứu trẻ tại nhà (7/7)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i