3/9 địa phương đăng ký hoàn thành phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi trong năm 2012 đã được công nhận cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của chính quyền, nhân dân và ngành GD. Tỷ lệ trẻ ra lớp ngày càng nhiều, trường, lớp ngày càng khang trang, sạch đẹp, GV đứng lớp đạt chuẩn nghề nghiệp và tận tâm với nghề... là những điểm sáng dễ nhận thấy của ngành GDMN trong năm học 2011-2012.
Quy mô trường lớp ngày càng phát triển
Thống kê của Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT), năm học 2011-2012, cả nước có 13.446 trường MN (tăng 470 trường so với năm học trước). Trong đó, công lập 11.462 trường (tăng 1720 trường), bán công 536 trường (giảm 1.262 trường), dân lập 112 trường (giảm 204 trường), tư thục 1.336 trường (tăng 216 trường). Với tổng số 156.478 nhóm/lớp trong các cơ sở GDMN, bao gồm 36.756 nhóm trẻ; 119.722 lớp mẫu giáo; trong đó mẫu giáo 5 tuổi có 56.130 lớp. Số nhóm/lớp độc lập là 14.073; 9.332 nhóm/lớp chưa được cấp phép chiếm tỷ lệ 5,6%.
Năm học vừa qua, các sở GD&ĐT tích cực tham mưu cho UBND các cấp quy hoạch đất, đầu tư kinh phí xây dựng trường, lớp học cho GDMN, vì vậy số phòng học nhờ, học tạm giảm đáng kể. Đến nay, toàn quốc có 148.573 phòng học, trong đó kiên cố 77.156 phòng (tỷ lệ 51,93%), phòng học nhờ/mượn còn 13.947 phòng (giảm 2.698 phòng so với năm học trước). Trong năm học đã xây dựng mới là 8.312 phòng học, 2.622 công trình nước sạch và 8.722 bệ, hố vệ sinh. Các tỉnh, thành phố đều dành kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy và học, củng cố, tu sửa sân chơi, tường bao, mua sắm đồ chơi ngoài trời, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, hấp dẫn đối với trẻ.
Công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được đầu tư và phát triển. Năm học 2011-2012 cả nước đã có thêm 402 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số lên 2.828 trường, đạt tỷ lệ 21% (tăng 2,1% so với năm học trước). Các địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn cao (từ 50% trở lên) là Bắc Ninh (72%), Vĩnh Phúc (65%), Ninh Bình (56,4%), Bắc Giang 54,1%), Thái Nguyên (50,5%), Hà Nam (50%). Một số tỉnh có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia trong năm học là Quảng Ninh (35 trường), Thanh Hoá (25 trường), Hà Nội (19 trường).
Chất lượng chăm sóc, GD trẻ không ngừng nâng cao
Năm học 2011-2012, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở tất cả các độ tuổi đều tăng so với năm học trước, trong đó tỉ lệ trẻ nhà trẻ đến trường 22,7% (tăng 1,2%); tỉ lệ trẻ mẫu giáo đạt 84,4% (tăng 1,9% so với năm học trước). Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỉ lệ 98,6% . Một số tỉnh/thành phố có tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ cao trên 40% là Thái Bình (64,6%), Ninh Bình (55,8%), Vĩnh Phúc (50%), Nam Định (49%), Bắc Ninh (49,0%), Đà Nẵng (48,4%), Hưng Yên (48,6%), Hải Dương (45,9%), Hà Nam (43,4%), Hoà Bình (42%).
Chất lượng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ được nâng lên, tỷ lệ trẻ được ăn bán trú ở nhà trẻ đạt 91,0% (tăng 4,0% so với năm học trước) và mẫu giáo đạt 76,8 % (tăng 4,8%). Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhà trẻ là 4,7% và mẫu giáo là 5,2%, giảm so với năm học trước (nhà trẻ 1,1%, mẫu giáo 1,0%). Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhà trẻ là 5,6% và mẫu giáo là 5,9%. Bộ GD&ĐT đã tăng cường chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ tại các cơ sở GDMN, quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn ở những nơi tổ chức ăn bán trú, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành (Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT/BYT-BGDĐT về đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở GDMN), chỉ đạo tốt việc tính khẩu phần ăn cho trẻ theo nhu cầu khuyến nghị về năng lượng và các chất dinh dưỡng dành cho người Việt Nam của Bộ Y tế và chương trình GDMN.
Sau 3 năm triển khai đại trà chương trình GDMN mới, cả nước có 13.229 trường, đạt tỷ lệ 98,4% (tăng 9,8% so với năm học trước); 145.801 nhóm - lớp, đạt tỷ lệ 93,2% (tăng 18,5%); 3.983.665 trẻ, đạt tỷ lệ 93,6% (tăng 15%), trong đó trẻ 5 tuổi học chương trình mới 1.285.881 đạt tỷ lệ 93,9% (tăng 15,5%) và học 2 buổi/ngày là 1.179.810, đạt tỷ lệ: 86,2% (tăng 7,8%). Những địa phương có tỷ lệ thực hiện Chương trình GDMN đạt 100% là: Điện Biên, Thái Nguyên, Hoà Bình, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Ninh Thuận, Hậu Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...
PCGDMN trẻ 5 tuổi: Điểm sáng của ngành
Năm học 2011-2012, toàn ngành tập trung chỉ đạo thực hiện Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Bộ ngành ban hành 13 văn bản hướng dẫn thực hiện. Bộ đã tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện Quyết định số 239/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tình hình triển khai nhiệm vụ năm học tại 9 tỉnh/thành phố: Hòa Bình, Điện Biên, Kon Tum, Gia Lai, Hà Nội, Quảng Nam, Bắc Cạn, Quảng Ninh.
Các địa phương tích cực triển khai công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, nhiều Sở đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, các cơ quan chức năng xây dựng các văn bản chỉ đạo thực hiện phổ cập. Đến nay, tất cả các tỉnh thành phố đã phê duyệt. Đề án/kế hoạch PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, Có 9 tỉnh đầu tiên dăng ký hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi trong năm 2012 (Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Khánh Hòa, Tp. Hồ Chí Minh). Tính đến tháng 6/2012, theo số liệu báo cáo của 54 tỉnh/thành phố đã có 9.538/4.256 xã/phường được công nhận đạt tiêu chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, đạt tỷ lệ 44,6%. Những tỉnh/thành phố thực hiện tốt công tác PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi là Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Tp. Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Khánh Hòa, Hà Nội, Hà Tĩnh, Lâm Đồng... Trong đó, Bắc Ninh, Hòa Bình và Hải Dương là tỉnh đầu tiên trong cả nuWocs hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi.
- Năm học 2011-2012, Bộ đã ưu tiên ngân sách từ nguồn vốn chi thường xuyên, chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi (khoảng 840 tỷ đồng).
- Trong năm học, Bộ đã tổ chức tập huấn cho 24 tỉnh/thành phố, nâng tổng số tỉnh thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi lên 39 tỉnh và đã xây dựng xong Bộ công cụ đánh giá chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi.
Theo GD&TĐ