Thực cảnh của nhiều gia đình Hà Nội là dù có hộ khẩu thường trú đúng tuyến trên địa bàn tuyển sinh, nhưng vẫn phải hồi hộp chờ mong vào sự may rủi để con có chỗ học trong các trường mầm non công lập. Nhiều người ví von một cách hài hước rằng, số chỗ học trong trường mầm non công lập như "manh chiếu hẹp", kéo bên này sẽ hổng bên kia. Vì thế, cứ đến mùa tuyển sinh, phụ huynh lại tất bật "chạy ngược, chạy xuôi" để tìm chỗ học cho con em mình.
Các bé vui chơi tại Trường Mầm non dân lập Home Baby (phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội).
Quá tải trường công!
Tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội mới đây, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, bà Phạm Thị Hồng Nga cho biết: Hà Nội không thiếu chỗ học cho trẻ mầm non. Tuy nhiên, trong một năm toàn thành phố tăng tới 38.000 trẻ. Dù số trường mầm non công lập được xây thêm đã tăng đáng kể (thêm 29 trường), nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về mức học phí giữa trường công lập và trường ngoài công lập cũng là nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh mong muốn con được học trường công. Đặc biệt, vừa qua, Sở GD&ĐT thành phố thống nhất mức học phí tại các bậc học. Theo đó, xu hướng học phí tại các trường công lập sẽ giảm dần. Như vậy, áp lực trường công có thể còn tăng lên.
Thực tế, trong cả 10 quận của thành phố, số lớp học mầm non công lập đều chưa đáp ứng đủ nhủ cầu. Hiện, toàn thành phố còn 6 phường thuộc 2 quận: Đống Đa và Hai Bà Trưng "trắng" điểm trường mầm non. Thống kê từ năm học 2011-2012, tình trạng 60 - 70 trẻ/lớp là khá phổ biến, nhiều nơi một lớp học lên tới hơn 80 trẻ.
Bà Phạm Thị Hồng Nga chia sẻ, hiện Hà Nội chưa đáp ứng được 100% chỗ học trong trường công lập cho các cháu mầm non, vì vậy, phương thức tuyển sinh với "điểm nóng" quá tải năm nay vẫn là bốc thăm. Phương thức bốc thăm đã được thực hiện từ năm học trước tại các điểm "nóng" như các trường mầm non: Chu Văn An, Kim Liên, Thành Công A, Bình Minh... Mặc dù, việc làm này không phải là phương án tối ưu, nhưng tạm thời có thể chấp nhận được vì vừa bảo đảm công bằng, tránh tình trạng phụ huynh xếp hàng xin học cho con từ nửa đêm...
Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, tại các trường sẽ ưu tiên tuyển sinh các cháu 5 tuổi, tiếp đó sẽ tuyển sinh các cháu ở độ tuổi nhỏ hơn. Sau khi hết thời hạn tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh, các trường sẽ thống kê lại nhu cầu, nếu vượt quá chỉ tiêu nhà trường sẽ tổ chức bốc thăm công khai. Quy trình bốc thăm được xây dựng cụ thể, tỉ mỉ, bảo đảm tính công bằng và minh bạch. Cùng với Ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh học sinh, còn có đại diện cán bộ phòng giáo dục của quận, huyện, đại diện ủy ban UBND phường, xã, thị trấn, công an địa phương... cùng tham gia, bảo đảm an ninh trật tự cho cuộc bốc thăm.
Trước đó, nhằm chấm dứt tình trạng phụ huynh xếp hàng qua đêm chờ xin học cho con, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã chỉ đạo: Các cháu trong độ tuổi phải có nơi học và yêu cầu ngành giáo dục tuyệt đối không để phụ huynh xếp hàng qua đêm.
Giải tỏa áp lực tuyển sinh
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội, để tạo mọi điều kiện cho trẻ đến trường, thời gian qua, Hà Nội đã rất quyết liệt trong việc xây dựng các trường ở 6 phường còn "trắng" trường mầm non. Đến nay, đã có 3 trường được khởi công xây dựng trên địa bàn phường Nguyễn Du, Lê Đại Hành và Láng Thượng. Các trường còn lại cũng đã có quỹ đất để xây dựng, mục tiêu đến cuối năm 2013 sẽ hoàn thiện để kịp thời tuyển sinh năm học 2013-2014. "Theo Quy hoạch mạng lưới trường học của Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà Sở GD&ĐT đã trình UBND thành phố, từ nay đến năm 2020, mỗi xã, phường phấn đấu xây dựng ít nhất từ 1 đến 2 trường mầm non công lập; mở rộng diện tích, nâng tầng ở những trường có điều kiện, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của phụ huynh" - bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.
Cũng theo quy hoạch trên, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ xây mới 635 trường học, trong đó có 402 trường mầm non. Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Hồng Nga, với tiến độ xây dựng trường và áp lực trẻ mầm non ra lớp như hiện nay, việc tuyển sinh trong hệ thống trường mầm non công lập sẽ còn căng thẳng trong năm học 2012-2013. Chính vì vậy, trước khi đề án triển khai xong, nhiều hiệu trưởng các trường mầm non cho rằng, để giảm tải cho các trường mầm non công lập, các cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền cho người dân về các hình thức giáo dục ngoài công lập, đồng thời có sự cân đối về học phí giữa các hình thức giáo dục để thu hút học sinh. Các trường mầm non ngoài công lập cần có sự ưu tiên đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để chia sẻ với mạng lưới trường công lập trên địa bàn.
Tổng số trường mầm non của Hà Nội hiện là 866 trường, tăng 29 trường so với năm học 2011-2012. Dự kiến năm học 2012-2013 sẽ tuyển 68.000 trẻ mầm non, 327.000 trẻ mẫu giáo.
Vừa qua, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, các đại biểu cũng đã nhất trí thông qua mức học phí do Sở GD&ĐT đệ trình UBND thành phố. Theo đó, Hà Nội sẽ chỉ có hai mức học phí là: 20.000 đồng/tháng đối với địa bàn nông thôn và 40.000 đồng/tháng đối với thành thị với các cấp học do Sở quản lý.
(Nguồn:Sở GD&ĐT Hà Nội)
Theo QĐND