Nhiều bậc cha mẹ băn khoăn khi bé đã đến kỳ ăn dặm mà chưa biết phải chế biến thực đơn mỗi bữa ăn dặm của trẻ.
1. Cách chế biến chung
Cách thức nghiền
Bột rau: Rửa sạch lá rau (cải, dền, cải thảo, bắp cải...) trước, bỏ cuống, xé nhỏ, chần qua nước sôi rồi vớt ra, để vào một chiếc rá kim loại, dùng thìa canh dằm hoặc nghiền nát, lọc bột rau ra. Nếu không có rá kim loại thì có thể xắt nhỏ rau ra, cho dầu ăn vào chảo và xào bằng lửa lớn cho mềm. Một cách nữa là bỏ vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn và cho vào cháo đun sôi lại.
Bột cá: Rửa sạch cá khúc (cá trắm, cá hố, cá thu...) đựng vào bát. Nêm chút gia vị rồi hấp cá trong 10 -15 phút, sau khi nguội lột bỏ da và xương rồi dùng thìa ép thành dạng bột.
Bột thịt: Rửa sạch thịt nạc, bỏ gân, băm nhỏ hoặc xay rồi cho thêm chút bột mì, rượu và gia vị trộn đều, sau đó bỏ vào nồi hấp chín.
Bột gan lợn: Rửa sạch gan, khía ra, cạo nhẹ mặt khía, cho một tí rượu và gia vị hấp chín, nghiền thành bột. Nếu là gan gà, vịt thì việc nghiền càng dễ dàng hơn.
Bột tôm: Bóc vỏ tôm rửa sạch, băm nhỏ, nêm gia vị, trộn đều và hấp chín.
Những lưu ý về tỉ lệ
Thành phần dinh dưỡng trong việc ăn uống của bé cũng cần 1 tỉ lệ thích hợp, thông thường tỉ lệ thích hợp là: 3: 2: 1. Ví dụ: Gạo 30g thì bột thịt khoảng 20g và rau là 10g. Sau khi nấu xong, cần thêm vào vài giọt dầu thực vật để tăng thêm hương vị và nhiệt năng.
Chế biến và cho bé ăn hợp lý là trên cơ sở chất bột, thêm các loại thực phẩm có nguồn gốc động và thực vật vào cũng cần một tỉ lệ hợp lý. Bất kể xuất phát từ nhu cầu sinh trưởng của trẻ hay mùi vị thì cũng không nên lấy khẩu vị người lớn làm tiêu chuẩn vì nếu quá mặn sẽ bắt thận của bé làm việc quá sức, thậm chí phù nề. Đặc biệt nên hạn chế bột nêm, hương liệu, mì chính...trong khẩu phần ăn của trẻ.
2. Cách chế biến một số món
1. Súp lơ
Đầy ắp folate, chất xơ, canxi, súp lơ còn được biết tới là một thực phẩm chống ung thư hiệu quả. Đồng thời, mùi vị của súp lơ cũng phù hợp cho bé ăn dặm.
Chế biến: Hấp chín một vài miếng súp lơ. Sau đó, nghiền nhỏ hoặc cắt dạng hạt lựu để bé ăn bốc. Súp lơ để nguội khiến bé dễ ăn hơn vì nó giảm được mùi hăng, nồng như lúc còn nóng. Súp lơ nguội để ngăn mát tủ lạnh còn là đồ nhấm nháp làm dịu cơn đau mọc răng của bé.
2. Thịt
Nhiều người trong chúng ta nghĩ thịt không tốt cho bé nhưng các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định, thịt là một trong 10 loại thực phẩm hữu ích cho bé. "Thịt là nguồn dồi dào kẽm và sắt" - chuyên gia Brown giải thích.
Chế biến: Hầm (ninh) thịt thật nhừ. "Thịt hầm (ninh) là ý tưởng phù hợp khi chế biến thịt cho bé vì nó dễ làm, bé lại dễ ăn và cách này được áp dụng với mọi loại thịt" - chuyên gia Matthew Amster-Burton (tác giả cuốn Hungry Monkey: A Food-Loving Father's Quest to Raise an Adventurous Eater - tạm dịch Băn khoăn của người cha về chuyện nuôi con) cho biết.
Thịt có thể nấu cháo (bột) với hầu hết các loại rau củ, theo mùa. Nhớ là nếu ninh thịt thì nên ninh đủ lâu để thịt mềm, nhừ. Khi cho bé ăn thì cần cho ăn cả nước và cái.
3. Quýt ngọt
Chứa làm lượng cao vitamin C và chất chống oxy hóa, quýt ngọt là thực phẩm thú vị để bé bốc ăn. Các bé rất thích hương vị ngọt tự nhiên của quýt.
Chế biến: Tách những tép quýt thành những đoạn ngắn, vừa với bé khi nhai và cho bé ăn bốc.
4. Rau có lá màu xanh sẫm
Rau có lá màu xanh sẫm chứa lượng sắt và folate cao. Cải bó xôi là loại rau điển hình nhất trong nhóm này.
Chế biến: Rau đem nấu bột (cháo) cho bé.
Theo MaskOnline