'Tôi có con trai 6 tuổi, cháu vừa được nghỉ hè. Điều làm tôi lo ngại là mùa hè đến, nắng nóng, cháu lại ham chơi nên rất dễ có nguy cơ bị say nóng. Xin cho biết cách xử trí say nóng?' - Đào Thùy Trang (Hà Nội).
Bác sĩ Nguyễn Đình Quang trả lời:
Để giúp bé tận hưởng một mùa hè thú vị vui chơi được trọn vẹn, các bậc cha mẹ cần quan tâm tới bé. Cần phải hướng dẫn kỹ năng an toàn cho bé, luôn luôn để mắt tới bé, đề phòng một số tai nạn bất thường có thể xảy ra, trong đó có say nóng.
Đây là tai biến gặp trong mùa hè, nhất là với bé. Nguyên nhân do tiết trời quá nóng bức, bé mặc quần áo dày, chật và bí, ở trong những căn buồng quá chật hẹp, nóng, không thông thoáng, ngột ngạt hơi người. Hoặc bé vui chơi ở ngoài trời nắng nóng nhiệt độ quá cao.
Biểu hiện lâm sàng cũng tương đối dễ nhận biết như bé đột nhiên khóc, vật vã rồi sốt li bì, nhiều bé lên cơn giật. Những bé đã lớn thì tự nhiên thấy tối tăm mặt mũi, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn. Thời kỳ sau, bé thường sốt cao, mặt đỏ bừng, thân mình cũng đỏ, vã mồ hôi; thở nhanh và nông, tim đập nhanh, mạch nhỏ khó bắt, rất khát nước...
Việc sơ cứu cần tiến hành khẩn trường bằng cách đưa bé ra chỗ mát, thoáng khí, cởi bỏ quần áo, lau người bằng nước mát... và bù nước, điện giải. Nếu có nước oresol thì cho bé uống, nếu không có sẵn thì dùng nước khoáng (hoặc nước đun sôi để nguội) có pha ít muối, đường. Cho bé uống bằng cốc và thìa từ từ, nhiều lần cho tới khi bé đỡ khát, tỉnh táo, đi tiểu trở lại là những triệu chứng tốt. Nếu thấy bé chưa tỉnh táo trở lại, chưa thấy đi tiểu trở lại sau khi sơ cứu thì cần đưa bé tới cơ sở y tế gần nhất.
Để dự phòng, mùa hè cần cho bé mặc quần áo thoáng mát bằng vải sợi bông, khi ra ngoài trời phải đội mũ. Không để cho bé đi ôtô thời gian dài dưới trời nắng nóng, nhất là trong khoảng thời gian từ 12h tới 16h. Đem theo nước, thường xuyên cho bé uống nước.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống