Với sự 'mách nước' của phát ngôn viên Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ, cha mẹ cũng có thể là bác sĩ cho con.
Nhóc tì nhà bạn thường xuyên ôm bụng nhăn nhó và kêu đau. 1 lần, 2 lần... 5 lần, bạn bắt đầu thấy lo lắng và nghĩ rất có thể con gặp rối loạn về hệ tiêu hóa và dạ dày con 'có vấn đề'?
Sự thật, đau bụng là chứng bệnh xảy ra 'như cơm bữa'. Do đó, khi thấy trẻ đau bụng, cha mẹ cần tỉnh táo để phân biệt các dấu hiệu nặng - nhẹ để kịp thời có biện pháp 'ứng cứu'.
Cô Laura Jana, phát ngôn viên của Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ sẽ 'mách' bạn một số triệu chứng thường gặp và giải pháp cho căn bệnh đau bụng ở trẻ.
1. Đau bụng có sưng ở bụng
Nguyên nhân: Ăn quá nhiều hoặc đầy hơi
Giải pháp: Dùng một miếng gạc (hoặc khăn) thấm nước ấm, vắt khô, đắp lên bụng trẻ hoặc xoa nhẹ vùng bụng đang đau. Trẻ trên 2 tuổi có thể uống thuốc tiêu hóa để bớt ợ nóng. Bạn cần nhớ phải chọn đúng loại thuốc dành cho trẻ em theo hướng dẫn của bác sĩ.
2. Đau và đại tiện khó
Nguyên nhân: Táo bón.
Giải pháp: Nước mận hoặc nước lê ép pha loãng có tác dụng làm mềm phân. Bổ sung thêm chất xơ trong khẩu phần của bé.
3. Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, sốt, ớn lạnh
Nguyên nhân: Viêm dạ dày
Giải pháp: Cho trẻ uống thật nhiều nước và ăn những thực phẩm lỏng, có nước như súp.
4. Nôn, đau bụng sau khi ăn một sản phẩm từ sữa
Nguyên nhân: Có thể do bất dung nạp lactose.
Giải pháp: Đưa bé đi khám. Sữa và phômai không chứa lactose (lactose-free) có thể được bác sĩ chuyên khoa chỉ định cho bé. Hoặc bác sĩ có thể cho bé dùng viên Lactaid trước khi ăn bất kỳ một sản phẩm nào từ sữa.
5. Đầy bụng, mửa, tiêu chảy và thường xuyên sốt.
Nguyên nhân: Ngộ độc thực phẩm
Giải pháp: Cũng cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nếu các triệu chứng không đỡ.
6. Những cơn đau bụng không giải thích được mặc dù trẻ vẫn khỏe mạnh bình thường
Nguyên nhân: Do sttress
Giải pháp: Hãy tìm hiểu và giải quyết vấn đề khiến con bạn bị căng thẳng như: thời khóa biểu học tập quá nặng nề. Bạn cũng có thể tham khảo thêm sự tư vấn của bác sĩ tâm lý.
7. Đau dữ dội xung quanh rốn hay vùng bụng bên phải
Nguyên nhân: Có thể là viêm ruột thừa
Giải pháp: Đưa trẻ ngay đến trung tâm y tế hoặc phòng khám nhi khoa có uy tín để được khám chữa kịp thời.
8. Đau bụng kèm theo viêm họng và sốt
Nguyên nhân: Nhiễm trùng họng (gây ra bởi vi khuẩn liên cầu)
Giải pháp: Đưa trẻ đi khám bác sĩ Nhi khoa, bởi trong nhiều trường hợp cần dùng đến thuốc kháng sinh.
Lưu ý: Chẩn đoán đau bụng ở trẻ là một việc khó ngay cả với bác sĩ. Bài viết này mong rằng sẽ giúp các bậc phụ huynh biết đưa con em mình đi khám một cách kịp thời, có được thái độ bình tĩnh nhờ biết đúng tính chất nặng - nhẹ của chứng đau bụng...
Theo Eva