Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non dân lập của Bộ GD-ĐT mới đây khuyến khích thành lập trường ngoài công lập nhưng nhiều nhà đầu tư giáo dục ngại bỏ vốn để mở trường mầm non tư thục (MNTT) vì phải đầu tư tiền tỷ mà lợi nhuận không nhiều, rủi ro lại cao. Trong khi đó, việc duy trì dài lâu các nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) đồng nghĩa với chuyện nhắm mắt để trẻ "sống chung" với nguy hiểm.
Một nhóm trẻ gia đình tại Q.9 - Ảnh: PHÙNG HUY
TP.HCM hiện có hơn 300 trường MNTT so với khoảng 1.000 NTGĐ có phép đang hoạt động. Nhiều NTGĐ không mặn mà "nâng cấp" lên trường, thậm chí, khi số trẻ vượt 80, 90 cháu (quy định NTGĐ tối đa chỉ được 60 trẻ) thì tách thành hai nhóm, chứ nhất định không mở trường. Việc này có lý do của nó, vì duy trì NTGĐ an toàn trong kinh doanh hơn so với đầu tư làm trường MNTT. NTGĐ chỉ yêu cầu chủ nhóm được đào tạo về chuyên môn MN, không đòi hỏi phải có ban giám hiệu, trong khi thành lập một trường tư đòi hỏi nhiều điều kiện hơn: phải có đủ ban giám hiệu, nhân viên y tế, kế toán riêng... Không chỉ thế, chuyên môn giảng dạy còn phải tuân thủ hoạt động của một trường MN bình thường, bao gồm cả nghĩa vụ dự giờ, kiểm tra chéo giữa các trường, rồi họp hành liên tục.
Bà Nguyễn Thị Mai Liên, chủ NTGĐ Hoa Sen tại Q.Gò Vấp và Q.Bình Thạnh với quy mô khoảng 50 bé/nhóm lý giải: "Tôi không dám mở rộng nhóm lớp thành trường, bởi muốn lên trường phải cơ cấu lại nhiều, khó nhất ở khâu nhân sự, đầu tư cơ sở vật chất, thuê mặt bằng lớn hơn... phải "căng" mình làm thêm nhiều thứ khác mà chưa chắc học phí kéo bù nổi "chi".
Quận Tân Phú là khu vực có số lượng trẻ MN ngoài công lập nhiều nhất TP.HCM, với 117 NTGĐ nhưng chỉ có 21 trường MNTT. Theo nhiều chủ NTGĐ tại đây, phụ huynh ở khu vực này phần đông là người nhập cư, sống chủ yếu bằng nghề buôn bán nhỏ, làm công nhân nên chỉ muốn gửi con với học phí rẻ. Bà Chung Bích Phượng, Phó phòng GD-ĐT Q.Tân Phú cho biết: Trước đây, Tân Phú có đến 40 NTGĐ có sĩ số vượt quy định, ngành phải thường xuyên kiểm tra, xử lý để giảm sĩ số xuống còn 60 trẻ/nhóm. Nếu NTGĐ nào đủ điều kiện cơ sở vật chất, uy tín thì khuyến khích lên trường, nếu không, phải chấp nhận điều tiết sĩ số để đảm bảo điều kiện nuôi dạy trẻ. Ngoài Tân Phú, các quận, huyện Tân Bình, Bình Tân, 12, Hóc Môn... cũng có số NTGĐ xấp xỉ gần 100, trong đó có không ít NTGĐ đủ điều kiện thành lập trường nhưng vẫn "né".
Học sinh NTGĐ Ngôi nhà hạnh phúc - Ảnh: TIÊU HÀ
Chị Vũ Thiên Nga, chủ NTGĐ Thanh Tâm, Q.Tân Phú cho biết: Khi chuyển đổi quy mô hoạt động thành trường MNTT, vướng mắc lớn nhất là khoản tiền đầu tư cải tạo cơ sở vật chất quá lớn.
Chị Nguyễn Thị Mạnh Tiến, chủ NTGĐ Ngôi nhà hạnh phúc (Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú) làm một phép tính: "Học phí mẫu giáo là 1,2 triệu đồng/tháng, nhà trẻ là 1,6 triệu đồng/tháng, nhóm giữ hơn 80 cháu vị chi thu được 120 triệu đồng hàng tháng. Nhưng, phải mất 30 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, thêm 60 triệu tiền lương cho giáo viên - nhân viên - bảo mẫu, rồi 12 triệu bảo hiểm xã hội, tiền mua thực phẩm... nguy cơ bù lỗ rất cao. Nếu chuyển quy mô từ NTGĐ thành trường, tôi phải xin tăng học phí để đảm bảo tái đầu tư".
Sự ra đời của NTGĐ đã đáp ứng nhu cầu của một bộ phận dân cư, đặc biệt là người nghèo. Tuy nhiên, điều kiện nuôi dạy ở nhiều NTGĐ, đặc biệt là những NTGĐ không phép, thời gian qua đã gây lo lắng cho dư luận khi có những đứa trẻ xấu số thiệt mạng hay bị bạo hành, hầu hết đều xảy ra ở các NTGĐ. Mặt khác, trẻ được "nuôi" (chứ ít được "dạy") trong môi trường chật chội, không có sân chơi, không được tính khẩu phần ăn theo quy định, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm... Chỉ có cách thành lập trường MNTT với những ràng buộc chặt chẽ mới hạn chế thấp nhất rủi ro, đảm bảo an toàn, chất lượng nuôi dạy trẻ.
Trong cuộc họp giao ban mầm non mới đây, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh: "Các quận, huyện phải rà soát các nhóm trẻ đang hoạt động trên địa bàn, siết chặt lại các nhóm không phép. Nhóm nào có số trẻ nhiều hơn quy định, đủ điều kiện thì khuyến khích, thuyết phục, thậm chí phải bắt buộc đăng ký để trở thành trường MN, như thế mới dễ quản lý về chuyên môn, nhân sự và kế hoạch chăm sóc, giáo dục cho trẻ".
Chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn
Chính sách khuyến khích cho các trường tư hoạt động hiện còn khá chung chung. Cụ thể, chính sách ưu đãi cấp đất để xây trường MNTT trên văn bản là chuyện "không tưởng" vì thực tế đất xây trường công còn tìm không ra. Với 30 năm kinh nghiệm trong quản lý GDMN, ThS Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất: Hiện nay, chính sách để khuyến khích xây trường MNTT là miễn thuế trong 5 năm đầu tiên, đất xây dựng trường học được giảm thuế khi chuyển mục đích sử dụng... không đủ "hấp dẫn" để khuyến khích nhà đầu tư bỏ tâm huyết và vốn đầu tư vào lĩnh vực nhiều rủi ro, ít lợi nhuận này. Các ngành chức năng cần phải ngồi lại với nhau, khoanh vùng những khu vực ngoại thành khó khăn, khu vực thiếu trường lớp được miễn giảm thuế trong thời gian 10, 20 năm cho đến khi có đầy đủ trường lớp.
Theo PN