Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã thực hiện được gần một nửa chặng đường với tỷ lệ 98,6% số trẻ 5 tuổi trên cả nước đã được huy động ra lớp. Tuy vậy, mục tiêu có 85% số tỉnh đạt chuẩn phổ cập vào cuối năm nay theo Quyết định 239/QĐ-TTg của Chính phủ nhiều nguy cơ không đạt được.
Những con số mới
Một trong những yếu tố góp phần làm tăng tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến lớp thời gian qua là sự quan tâm thiết thực của các địa phương trong việc mở rộng trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống giáo dục mầm non tại địa bàn. Chỉ trong 2 năm, có thêm 610 trường mầm non mới thành lập, nâng tổng số trường mầm non trên cả nước lên gần 13 nghìn trường, tạo chỗ học cho gần 4 triệu trẻ mầm non, tăng gần 160 nghìn trẻ so với trước khi thực hiện đề án. Riêng với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, tỷ lệ được huy động ra lớp đã tăng hơn đến 6% so với mục tiêu.
Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi có nguy cơ không đạt. Ảnh: Bá Hoạt
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, đây là những con số thực sự có ý nghĩa. Đó không chỉ là sự gia tăng về quy mô của hệ thống giáo dục mầm non, mà còn thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của chính quyền địa phương và các lực lượng xã hội với việc chăm lo, đầu tư cho bậc học đầu đời của trẻ. Tiêu biểu như Hà Nội, với quan điểm đầu tư đến đâu đạt chuẩn đến đó, hai năm qua, ngoài việc xây mới 75 trường mầm non và hơn 2.700 phòng học, Hà Nội còn bổ sung hơn 200 công trình nước sạch, hơn 1.200 công trình vệ sinh cho các trường mầm non với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. TP Hồ Chí Minh quan tâm mở trường ở các khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động.
Những nơi khó khăn hơn cũng đã thể hiện sự chủ động, tích cực trong việc huy động mọi nguồn lực tập trung cho công tác phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. Tỉnh Phú Thọ huy động mỗi cán bộ, công chức ủng hộ 2 ngày lương, lồng ghép nhiều nguồn đầu tư được hơn 120 tỷ đồng để chăm lo cho trẻ 5 tuổi; tỉnh Vĩnh Phúc trích 100 tỷ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, mở rộng các trường mầm non; tỉnh Nghệ An sử dụng 90 tỷ đồng từ ngân sách vượt thu để hỗ trợ giáo viên...
... và nỗi lo cũ
Mặc dù đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp, song về tổng thể, theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, gây cản trở đến kết quả thực hiện một số chỉ tiêu. Theo Quyết định 239/QĐ-TTg, đến cuối năm nay sẽ có 85% số tỉnh đạt chuẩn phổ cập, nhưng đã gần hết quý I, mới chỉ có 10 tỉnh đăng ký đạt chuẩn phổ cập vào cuối năm 2012, chiếm tỷ lệ chưa đầy 16%.
Khó khăn được hầu hết các địa phương nêu ra là thiếu trường, lớp trong khi nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh ngày càng cao. Ngay tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... hầu hết các trường mầm non công lập đều quá tải, sĩ số HS/lớp nhiều nơi lên tới 60-70. Tình trạng xếp hàng để xin học cho con, cháu mỗi mùa tuyển sinh dù không còn "nóng" như vài năm trước, song vẫn là mối lo lớn với cả các bậc phụ huynh và những người làm công tác quản lý ngành. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là nhu cầu đô thị hóa cao, dân số cơ học tăng nhanh. Trong khi đó, công tác dự báo về số lượng trẻ em đến độ tuổi đi học và việc đầu tư, phát triển quy mô, mạng lưới phục vụ nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế. Tình trạng nhiều chung cư cao tầng, khu đô thị đã được đưa vào sử dụng, song lại "quên" xây trường cho trẻ không phải là hiếm. Theo thống kê sơ bộ, trong số 25 khu đô thị mới xây dựng tại Hà Nội, mới chỉ có 4 khu có trường mầm non công lập. Tại TP Hồ Chí Minh, còn 12 phường, xã chưa có trường công lập trong tổng số 318 xã, phường. Không chỉ thiếu trường, thiếu lớp, điều kiện cơ sở vật chất nhiều nơi cũng còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ phòng học kiên cố trên cả nước chiếm chưa đầy 50%; số phòng mầm non học nhờ, học tạm còn tới 18%.
Một khó khăn nữa là việc thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ đời sống giáo viên mầm non, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác còn nhiều bất cập. Một số địa phương do ngân sách hạn hẹp, việc tuyển giáo viên mầm non vào biên chế phải thực hiện theo lộ trình, nên còn nhiều giáo viên ngoài biên chế trong các trường mầm non công lập chưa được trả lương theo thang bảng lương, ngạch, bậc và nâng lương theo định kỳ (Hà Nam, Yên Bái...). Tính chung cả nước, số giáo viên còn thiếu là gần 23 nghìn người. Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận: Thời gian làm việc trong ngày dài (10 giờ/ngày), công việc vất vả, thu nhập thấp, trong khi lại chịu khá nhiều áp lực do sĩ số trên lớp đông nên đang tiềm ẩn tình trạng tái diễn nguy cơ giáo viên bỏ nghề. Đây là những rào cản không nhỏ mà các địa phương phải tiếp tục vượt qua trong chặng đường còn lại của đề án nhằm đạt được các mục tiêu về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mẫu giáo 5 tuổi một cách thực chất và bền vững.
- 10 tỉnh đăng ký đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào cuối năm 2012 gồm: Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nghệ An, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hưng Yên chưa có xã nào đủ điều kiện. 8 địa phương có tỷ lệ xã, phường được công nhận phổ cập ở mức dưới 40%.
Theo HNM