Sở GD&ĐT Hà Nội đang xây dựng những quy định chính thức về mô hình trường chất lượng cao. Dù còn nhiều bàn cãi, nhưng đây sẽ là "cây gậy pháp lý" để tránh tình trạng trường chất lượng cao "hữu danh vô thực".
Lấy học phí và ngoại ngữ định giá trường
Trong nhiều buổi làm việc với lãnh đạo thành phố về vấn đề giáo dục, đại diện các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy... liên tục đưa ra thực tế: Trường công lập thực hiện mô hình cung ứng chất lượng cao (CLC) đang lúng túng để giải trình hình thức hoạt động của mình. Và, các trường mong muốn sớm có một văn bản chính thức quy định về trường chất lượng cao để "danh chính ngôn thuận" giải thích với phụ huynh và cả nhà quản lý.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đã yêu cầu Sở GD&ĐT sớm rà soát lại những trường đang thực hiện thí điểm. Trường đủ điều kiện, mời Bộ GD&ĐT về khảo sát đánh giá cao như thế nào, học phí thu đã phù hợp chưa... Trường không đủ điều kiện, yêu cầu cho quay về trường bình thường không thể cứ để cho phụ huynh nghi ngờ mãi.
Thực tế, dù chưa có một định nghĩa về trường CLC, nhưng từ năm 2007, không ít trường học ở Hà Nội bắt đầu có sức hút lớn với loại hình này. Đặc biệt với khối ngoài công lập, nhiều trường tự định ra các chuẩn CLC với mức học phí khá cao. Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm đang thu 3 triệu đồng/học sinh/tháng với lớp CLC và 6 triệu đồng/học sinh/tháng với lớp quốc tế. Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm có mức thu 2,5 triệu đồng/học sinh/tháng và dự kiến nâng lên 4 triệu đồng/học sinh/tháng từ nay đến năm 2015...
Riêng đối với bậc học mầm non, hiện có 6 trường thực hiện thí điểm mô hình trường cung ứng dịch vụ CLC, tự chủ tài chính, nhưng mới chỉ có 3 trường được UBND quận phê duyệt đề án. Việc tiến triển chậm chạp của mô hình này trong khi nhu cầu thực khá lớn cho thấy vướng mắc chính là thiếu hành lang pháp lý. Bà Vũ Ngọc Dự, Hiệu trưởng Trường mầm non Mai Dịch (quận Cầu Giấy) cho biết: "Mặc dù trường có chiến lược rõ ràng, dài hơi, lộ trình tăng học phí cũng được đưa ra, nhưng vẫn không tránh khỏi việc phụ huynh bức xúc về mức phí cao hơn các trường công".
Không dễ tìm định lượng chung
Phát triển mô hình CLC là một hướng đi cần duy trì, nhưng để phát triển vững chắc và đúng hướng, cần phải có một bộ tiêu chuẩn cụ thể để các trường căn cứ vào đó phấn đấu, cũng như để cơ quan chức năng và xã hội kiểm định tính trung thực của mô hình. Tuy nhiên, xây dựng bộ khung tiêu chí này rất khó khăn. Hơn nữa, việc xác định như thế nào là CLC cũng còn là một khái niệm khá mơ hồ.
Theo dự thảo bộ tiêu chí, cơ sở vật chất chỉ là một trong 5 yếu tố cấu thành trường CLC. Đặc biệt, trong 5 tiêu chuẩn đánh giá mà Sở GD&ĐT đề ra có tiêu chuẩn: Người học và kết quả giáo dục, chiếm tới 50% số điểm. Tuy nhiên, ý kiến về vấn đề này còn rất khác nhau. Theo TS. Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, trường CLC có 3 đặc trưng cơ bản là hiện đại, khác biệt cao và tôn trọng sự đa dạng. Điều này cho thấy, CLC không nhất thiết phải có một "chuẩn đầu ra" như Sở GD&ĐT đã yêu cầu phải có 90% học sinh khá, giỏi trở lên. Sự đa dạng về mô hình CLC cũng cho thấy các trường đứng cạnh nhau, cùng đào tạo cấp học, nhưng sẽ không "triệt tiêu" nhau.
TS. Vũ Văn Dụ, Phó Vụ trưởng Vụ GDTH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trường CLC không nên quan niệm giống như trường chuyên mà có thể tạm định nghĩa là trên chuẩn so với quy định. Việc Sở đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá và chấm điểm sẽ rất khó, bởi có những yếu tố không thể cân đo đong đếm.
Có thể, bộ tiêu chí mà Sở đang xây dựng không thể trọn vẹn ngay, nhưng vẫn cần có để làm công cụ đánh giá cho các nhà quản lý khi có nhiều trường chưa đạt mức CLC nhưng vẫn tự công bố. Ngay trong tháng 1/2012, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, định hình với từng cấp học, với tham vọng khẳng định được mô hình và đưa ra mức kinh phí tương ứng cho các cơ sở.
Theo KTĐT