Tẩm bổ sao cho hợp lý, có cần cho trẻ dùng chất kích thích tăng trưởng?
Con cao lớn, khoẻ mạnh, thông minh, nhanh nhẹn... là mơ ước của tất cả các bậc phụ huynh. Nên khi bé có dấu hiệu biếng ăn, gầy gò, chân có vẻ hơi ngắn... không ít ông bố bà mẹ đã ra sức tẩm bổ, lùng mua cho bằng được các loại sữa, thuốc "kích thích" tăng trưởng. Nhiều câu chuyện bi hài đã xảy ra chỉ vì thói quen bố mẹ "tự biến thành bác sĩ nhi" kiểu này! Vậy tẩm bổ sao cho hợp lý, có cần cho trẻ dùng chất kích thích tăng trưởng không?
Thiếu "kích thích", bé "baibai" cơm
Khi bé có dấu hiệu biếng ăn, gầy gò, chân có vẻ hơi ngắn... không ít ông bố bà mẹ đã ra sức tẩm bổ, lùng mua cho bằng được các loại sữa, thuốc "kích thích" tăng trưởng
Bé Bống (Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) đã được gần 13 tháng, nhưng cân nặng chỉ có 8,5kg. Một tháng trời từ khi khỏi ốm, bé không chịu ăn cháo, chỉ ăn linh tinh, một ngày may ra uống được 400ml sữa. Chị Hằng - mẹ bé đứng ngồi không yên, ai mách uống thuốc kích thích ăn nào cũng mua, nhưng không thấy hiệu quả.
Cũng làm mẹ "mất ăn mất ngủ", cu Bon con chị Ngọc lười ăn "nhất quả đất". Thời khắc "khủng khiếp" nhất trong ngày là lúc cả nhà tập hợp lực lượng cho bé ăn. Ai mách gì gia đình chị cũng áp dụng cho con yêu, nhưng không thể kích thích bé ăn nhiều hơn để cải thiện cân nặng. Còn với chị Nga thì khác, nhóc nhà chị quen dùng thuốc kích thích từ bé nên từ 2 năm nay, thiếu thuốc ăn là bé "baibai" cơm luôn!
Chuyện của chị Hằng, chị Ngọc hay chị Nga không phải là hiếm hiện nay, khi mà cứ bật tivi lên lại thấy hàng loạt quảng cáo thuốc kích thích ăn uống cho trẻ. Trong khi hiệu quả chưa thấy đâu, nhiều bà mẹ vẫn than ngắn thở dài vì con mình "còi" vẫn hoàn "còi".
Trong vai một bà mẹ đang "bế tắc" vì không tìm ra cách cho con ăn nhiều hơn, tôi ghé vào một vài cửa hàng thuốc trên đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội). Khi tôi vừa "kêu than" con biếng ăn, ngay lập tức nhân viên bán hàng đã "quảng cáo" rất nhiều loại thuốc "kích thích ăn uống" với giá cả từ vài chục đến vài trăm nghìn. Thuốc có thể là men tiêu hóa, cốm bổ tì... Dù trên vỏ hộp ghi rõ, phải tham khảo ý kiến bác sĩ, nhưng nhân viên bán hàng cho rằng đó là việc không cần thiết. Để minh chứng cho thông tin này, cô khẳng định: Không chỉ trẻ biếng ăn mà nhiều bé với triệu chứng khác, không ít bà mẹ cũng "hành xử" như vậy.
Theo bác sĩ Vũ Thị Bắc Hà, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Trung ương Huế: Trẻ biếng ăn có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung có thể có các nhóm nguyên nhân như thực thể (tại chính bản thân đứa trẻ), khách quan (môi trường, cách nuôi dưỡng của cha mẹ...), tâm lý, khẩu vị, do thay đổi thời tiết, mọc răng, tiêm ngừa...
"Không có thuốc nào là không có hại, kể cả thuốc bổ cũng có tác dụng phụ. Quan trọng nhất là khi dùng thuốc phải có chỉ định của thầy thuốc, kể cả thuốc Đông y", BS Nguyễn Hữu Hoan, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay.
Có nên cho trẻ dùng vitamin tổng hợp?
Các bác sĩ cho biết thêm, hiện nay có nhiều gia đình vì không có thời gian chuẩn bị thức ăn cho trẻ nên cứ nấu cháo trắng, thịt, cà rốt, khoai tây xay trộn vào. Ngày nào cũng bắt trẻ ăn vì nghĩ đây là những chất bổ dưỡng. Tuy nhiên, khi thấy món cháo là trẻ khóc toáng lên và không chịu mở miệng. Hoặc trẻ thường thích ăn nhạt, nhưng các bà mẹ lại thêm nếm theo khẩu vị của mình nên con không thể ăn được. Nhiều ông bố bà mẹ cứ thấy con có dấu hiệu biếng ăn là "sôi sình sịch" ra mua ngay thuốc kích thích ăn uống cho bé.
Bác sĩ Hoan bổ sung: "Không thiếu những đứa trẻ đến khám với triệu chứng vàng da, khó ngủ, bứt rứt, khó chịu, nôn trớ. Hỏi ra mới biết, vì mẹ cháu nghĩ cà rốt chứa nhiều vitamin A nên cho ăn thường xuyên để sáng mắt, đỏ da. Nhưng không biết rằng, ăn quá nhiều cà rốt sẽ bị ngộ độc vitamin A.
Trong 20 loại acid amin trong cơ thể con người, chỉ có 12 loại tự tổng hợp được, số còn lại phải cung cấp qua thức ăn. Với trẻ em thì có 10 loại không tự tổng hợp được, phải bổ sung các acid amin cần thiết. Tuy nhiên, những loại thuốc này không gọi là "thuốc kích thích ăn" mà chỉ gọi là thuốc bổ (bổ sung vitamin và muối khoáng) mà thôi".
Cũng có nhiều người nhầm tưởng cứ cho con dùng vitamin tổng hợp là yên tâm. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng dùng được. Giải thích nguyên nhân, BS Hoan phân tích: Những vitamin B,C tan trong nước, nếu bổ sung thừa sẽ thải ra nước tiểu. Nhưng trong các loại vitamin tổng hợp, có cung cấp một số vitamin khi bổ sung vào không được đào thải một cách tự nhiên, nếu thừa sẽ tích trữ lại ở các mô mỡ, gây tác dụng phụ.
Theo BS Hoan, bình thường 1 tế bào không chỉ tiết ra 1 loại men mà có thể 2-3 loại. Nếu trẻ chỉ được bổ sung 1 loại thì tế bào đó ức chế luôn cả những dịch kia tiết ra. Có những loại men tiêu hóa nếu bổ sung "nhầm" những thứ như men acid dịch dạ dày, dịch tụy, bổ sung thừa sẽ ức chế quá trình tiết thông thường.
Còn theo BS Bắc Hà: "Lỗi lớn nhất của các bà mẹ hiện nay là không quan tâm xem con mình thiếu chất gì, đã vội đi mua ngay các loại kích thích ăn uống cho con. Bổ sung men tiêu hóa, hay vitamin các chất cho một đứa trẻ thiếu thì không sao. Nhưng nếu trẻ không thiếu mà vẫn liên tục "nạp năng lượng" sẽ dễ gây rối loạn hay mất cân bằng sinh thái hệ đường ruột".
Theo GĐXH