|
Hàng trăm người xếp hàng trước cổng trường Mầm non Thành Công ngày 30/6 để kiếm suất học cho con. (Ảnh: Hoàng Hà). |
Trong khi Hà Nội có rất nhiều các nhà chung cư, khu thương mại... mọc lên thì trường học cho trẻ mẫu giáo vẫn là bài toán cần lời giải
Cảnh "trực chiến" để xin học cho con vào học các trường mầm non công lập giờ đây đã trở nên quen thuộc với người dân Hà Nội và ở các thành phố lớn mỗi khi mùa tuyển sinh đến. Không chỉ các bậc phụ huynh mà cả những ông cụ, bà cụ ở cái tuổi "cổ lai hy" cũng chen chân trước cổng trường, sẵn sàng đặt ghế, trải chiếu... thức thâu đêm để chờ xin cho con, cháu mình được vào học.
Chuyện "dở khóc, dở cười" này không chỉ giờ đây mới được các phương tiện thông tin truyền thông lên tiếng mà nó đã trở thành chuyện "khổ lắm, nói mãi". Sau mỗi mùa tuyển sinh, chuyện đâu lại vào đấy và lại chờ năm sau "đến hẹn lại lên".
Chuyện cứ như đùa, bởi giữa một thủ đô văn minh như vậy mà lại xảy ra "nghịch cảnh" không đáng có này. Không thể nói Hà Nội nghèo đến nỗi không thể xây trường mầm non được vì hàng ngày, hàng giờ ở Thủ đô lại mọc lên biết bao nhiêu nhà cao tầng, khu đô thị, khu thương mại...
Mà Hà Nội cũng chỉ thiếu trường mầm non công trong khi nhà trẻ tư thục lại quá thừa thãi. Một gian nhà, một căn gác 20-30m2... là cũng có thể mở được trường mẫu giáo tư thục. Ở bất kỳ nơi đâu trong Hà Nội này, chỉ trong vòng bán kính vài chục mét là cũng đã có thể tìm thấy trường học tư thục. Nhưng vì sao cha mẹ vẫn muốn cho con vào học trường công, nếu phải trả lời "cho xong chuyện" thì họ cho rằng học phí ở trường tư đắt hơn trường công.
Nhưng ngồi suy xét lại, nhiều bậc phụ huynh lại không nghĩ thế. Họ không muốn gửi con ở trường tư trước hết là bởi không có môi trường cho trẻ sinh hoạt. Một gian phòng 15-20 m2 mà "nuôi nhốt" hàng chục cháu như vậy thì quả không ổn chút nào. Đồ chơi ở các nhà trẻ tư nhiều khi chỉ là vài ba bộ đồ chơi Trung Quốc, vì có nhiều đồ chơi... cũng không có chỗ để.
Và điều phụ huynh không yên tâm nhất là chất lượng giáo viên nhiều trường tư thục không đảm bảo. Đôi khi chỉ là một bà về hưu tự mở trường, thuê dăm cô "giúp việc" phụ giúp là cũng đã có thể nhận trông trẻ. Hoặc trường nào có giấy phép thành lập hẳn hoi, cô giáo được đào tạo bài bản thì cũng chỉ sau một thời gian ngắn, số cô này bị hao hụt dần, thay vào đó là những người không cần chuyên môn, miễn sao là giá thuê nhân công rẻ...
Như vậy, chẳng dại gì trong thời buổi mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con, các bậc cha mẹ lại chấp nhận gửi "cục vàng" của mình vào những nơi không an toàn. Và thực tế, nhiều bài học đau lòng đã xảy ra ở những nhà trẻ như vậy.
Vậy trẻ con thiếu trường mầm non để học do đâu? Phải chăng là do chưa có sự quan tâm đích đáng của ngành giáo dục cho bậc học này. Đã đến lúc không thể kéo dài mãi cái cảnh xếp hàng thâu đêm chờ xin học cho con được nữa, mà Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội nói riêng và ngành Giáo dục-Đào tạo cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại, xem còn thiếu và yếu ở khâu nào để có cách giải quyết kịp thời.
Trước hết phải bắt đầu ngay từ khâu đào tạo. Đối với một ngành học đặc thù như giáo dục mầm non, việc tuyển chọn giáo viên tương lai cũng cần phải được quan tâm đích đáng. Bởi không chỉ có chuyên môn, mà cô giáo cũng phải có lòng yêu trẻ, nếu không thì đó chính lại là thảm họa đối với trẻ.
Cùng với đó, cần quan tâm đến việc phát triển đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng với sự gia tăng dân số. Không có lý, dân số Thủ đô ngày một tăng mà chỉ quan tâm đến việc xây thêm các khu cao tầng, khu chung cư, khu thương mại... mà chậm quan tâm hoặc "bỏ quên" việc xây trường mầm non cho trẻ.
Một vấn đề quan trọng nữa là các ngành chức năng phải thực sự chú ý đến việc phát triển các trường mầm non tư thục. Kiên quyết "nói không" với những trường không đủ các tiêu chuẩn thành lập, để các tiêu chí về giáo dục giữa trường công và trường tư không còn khoảng cách. Khi các bậc cha mẹ yên tâm về chất lượng giáo dục, con cái được gửi ở nơi đáng "đồng tiền bát gạo" thì chắc chắn họ không tiếc tiền để đầu tư cho con em của mình./.
Theo VOV