Tôi ngồi nhìn chồng hăm hở thu nhặt sách báo để vứt vào sọt rác, tự dưng xốn xang nhớ bố. Nói đúng hơn là nhớ khung cảnh nhà mình ngày trước.
Cũng giống như thế này, một người hăm hở đi thu dọn và một người ngồi thẫn thờ nhìn đống tài sản tinh thần của mình ra đi.
Hễ phải dọn nhà mẹ tôi hỏi: "Chỗ này vứt đi được chưa?". Mặc dù bố có giữ lại được một vài thứ như bức thư gửi cho con trai ngày con lên đường nhập ngũ, lá đơn khiếu nại của một nông dân... nhưng tủ sách của bố cứ vơi dần, vơi dần...
Năm vừa rồi, mẹ khoe: "Mẹ vừa bán được hơn 100 nghìn tiền giấy vụn". Nhân lúc bố đi mua báo, mẹ lôi hết các cặp tài liệu ra, vứt sạch. 5 cặp giờ chỉ còn 1 cặp, cái tủ thoáng đãng hẳn. Mẹ bảo: "Bí mật nhé, ông ấy không nhớ gì đâu".
Đấy là năm mừng thọ bố 80 tuổi. Bố vẫn giữ thói quen mua sách báo, dù có khi cả tuần chả đọc nổi một chữ. Con cháu sang đầy nhà, mắt bố sáng lên mỗi khi có ai quan tâm đến những thứ ông quan tâm. Bố bảo: "Cầm về mà đọc, cầm về mà đọc".
Tủ sách nhà tôi cứ thế đầy lên. Tủ tài liệu của bố ngày càng mỏng dần.
Cả mấy anh em tôi đều nhiễm thói quen đọc sách của bố. (Ảnh minh họa).
Nghe chiến tích bán được hơn 100 nghìn tiền giấy vụn của mẹ, tôi buồn muốn khóc. Từ lúc nghỉ hưu, năm nào bố cũng lụi cụi giở các cặp tài liệu ra để sắp xếp lại. Thỉnh thoảng bố đưa cho chúng tôi đọc những lá thư nhắc nhớ từng sự kiện trong gia đình. Mấy anh chị em lại có dịp ôn nghèo, kể khổ, thấy gần nhau hơn, có trách nhiệm với nhau hơn.
100 nghìn tiền giấy vụn đã làm tơi tả kế hoạch để lại một đống gia sản kỷ niệm của bố dành cho con cháu trong đó có những thứ giúp anh chị em tôi nối lại với nhau từ quá khứ, từ cái thời ăn không biết no, gặp cuốn sách nào cũng ngấu nghiến như thể nếu không có sách thì ngày mai còn đói hơn. Thời ấy sách hiếm, bố làm thẻ thư viện rồi mượn về cho cả nhà cùng đọc. Nhiều hôm mẹ hét toáng lên vì phát hiện có đứa ngồi cả tiếng đồng hồ trong nhà vệ sinh, chỉ để được yên thân đọc nốt một cuốn tiểu thuyết Pháp.
Anh cả đi Liên Xô về, thùng hàng lớn nhất không phải là bàn là, nồi áp suất mà là sách. Mẹ gần như choáng váng trước tủ sách toàn tiếng tây tiếng tàu của con trai. Còn bố thì cười xòa: "Có kiến thức là có tất cả".
Hai mươi năm sau, anh cả thành đạt hơn người. Giàu có hơn mong ước của cả nhà cộng lại. Sum họp gia đình, anh nói: "Con có được ngày hôm nay là nhờ thùng hàng toàn sách vở ngày ấy".
Cả mấy anh em tôi đều nhiễm thói quen đọc sách của bố. Sau này, có người đứng ở vị trí cao trong xã hội, có người suốt đời chỉ quẩn quanh vị trí làm công ăn lương nhưng khi bàn luận chuyện cuộc đời, thế sự, thì ngang ngửa nhau. Có lẽ cũng nhờ những năm tháng được bố bồi đắp món ăn tinh thần, những năm tháng đói cơm, đói thịt, nhưng khá đủ đầy về kiến thức sách vở.
Giờ ngồi nhìn chồng hăm hở dọn dẹp nhà cửa, hăm hở vứt đi một mẩu giấy, một cuốn sách không còn cần thiết nữa, tôi bật cười, nghĩ đến mấy mươi năm sau. Có thể sẽ lặp lại cảnh tượng chồng tôi đi khoe với các con: "Bố vừa bán được 100 nghìn tiền giấy vụn từ mấy cái cặp tài liệu của mẹ. 100 nghìn tiền giấy vụn ấy có thể sẽ mua nốt cả chỗ tôi để dành cho các con: Nét chữ đầu tiên, bức tranh đầu tiên, lá thư đầu tiên... Có thể tôi đã già nua, mệt mỏi đến mức không đủ sức để quan tâm xem mình đã mất gì. Có thể các con tôi sẽ cảm thấy muốn khóc, giống như tôi bây giờ.
Bây giờ, khi đã làm một người mẹ, tôi mới hiểu, tài sản bố để lại cho chúng tôi lớn đến nhường nào...
Theo Phụ nữ Việt Nam