|
Một lớp nhà trẻ dân lập |
Thiếu lớp học do cơ sở vật chất hạn chế, kết hợp với kinh phí và nhân lực cho lớp học này tăng cao.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT TP HCM, tỉ lệ trẻ đi học nhà trẻ chỉ đạt khoảng 30%, ở khối mẫu giáo tỉ lệ này là 90%. Trong khi đó, tại Hà Nội, để phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi trong điều kiện cung không đủ cầu, nhiều trường tuyên bố không nhận trẻ sinh năm 2008.
Theo quy định của Nhà nước, các cơ sở giáo dục mầm non phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi, nhưng trên thực tế, rất khó để tìm được nơi học cho trẻ từ 4 - 18 tháng tuổi. Trường công không nhận, trường tư thì học phí quá cao, nhóm trẻ gia đình có cơ sở vật chất vừa thiếu vừa nhếch nhác trong khi trình độ của người trông giữ trẻ yếu kém.
Hiện nay, một số trường tư thục ở TP HCM nhận trẻ từ 4 tháng nhưng học phí từ 3 - 5 triệu/tháng, thậm chí cao hơn. Với mức học phí này thì những gia đình thu nhập thấp không có khả năng gửi con. Còn ở trường công lập, rất ít trường chịu duy trì lớp cho độ tuổi này.
Tại Hà Nội, riêng lứa tuổi 18 tháng trở xuống hầu hết cơ sở mầm non trên địa bàn không nhận. Lý giải việc từ chối nhận trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, nhiều trường cho rằng kinh phí và nhân lực phục vụ cho lớp nhà trẻ trội hơn lớp mẫu giáo rất nhiều, không phù hợp với giá cả hiện nay trong khi nguy cơ đau ốm và tai nạn ở lớp nhà trẻ cao.
Ngoài ra, theo quy định với nhóm nhà trẻ, phải bố trí phòng ốc rộng, đồ chơi cá nhân ngay trong lớp và kết cấu phòng đảm bảo an toàn. Đây cũng là yếu tố khiến các trường có cơ sở vật chất còn hạn chế ngại mở lớp nhà trẻ.
Mặt khác, theo nhiều hiệu trưởng các trường mầm non, để mở lớp nhà trẻ cần nhiều bảo mẫu hơn và đòi hỏi tay nghề cao hơn vì mỗi cô chỉ có thể chăm 3 - 4 bé. Trong khi đó, nguồn bảo mẫu còn thiếu cả về số lượng lẫn tay nghề.
Nhiều bảo mẫu cũng né độ tuổi nhà trẻ vì công việc nặng nhọc, vất vả và tính trách nhiệm cao trong khi đồng lương không thay đổi./.
Theo TTO