Ăn dặm là một thời kì đặc biệt giúp bé nhanh chóng tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên ăn dặm khi nào là hợp lí, cần cho bé ăn những gì trong thời kỳ này cho hiệu quả, khoa học là điều không hề đơn giản. Nhiều mẹ cho bé ăn dặm quá sớm và ăn những thực phẩm không hợp lí có thể làm tổn thương đường ruột của bé.
Khi nào nên cho bé ăn dặm?
Tuỳ thuộc vào từng điệu kiện của người mẹ mà nên cho trẻ ăn dặm vào thời điểm nào. Nếu mẹ có thời gian ở nhà và cung cấp đủ sữa cho bé thì nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Nếu vì công việc hay mẹ ít sữa thì có thể cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 4-6 tháng tuổi.
Khi bé có các biểu hiện như:
- Trông trẻ có vẻ đói, muốn ăn mặc dù đã được bú no 4, 5 lần hai bên vú mỗi ngày hoặc 250ml sữa pha.
- Thường ngủ một mạch đến sáng nhưng càng ngày càng dậy sớm, thậm chí tỉnh dậy lúc nửa đêm.
- Trông có vẻ bồn chồn không yên, thòm thèm khi nhìn người khác ăn.
- Bắt đầu gặm ngón tay hoặc cho bất kì thứ gì vào miệng.
Nếu trẻ có nhu cầu nhiều về chất dinh dưỡng mà sữa mẹ không đáp ứng được thì nên cho trẻ ăn dặm, tránh trẻ sẽ bị thiếu máu do thiếu sắt hoặc thiếu các vi chất khác như can xi và các loại vitamin cần thiết khác.
Tuy nhiên, các mẹ không nên cho bé ăn dặm trước 3 tháng, vì lúc này trẻ chưa có men amylaza nên không hấp thu được chất bột nên dễ gây ra các tổn thương về hệ thống tiêu hoá.
Cho trẻ ăn dặm khoa học
Các thức ăn dùng cho trẻ ăn bổ sung
- Gạo, ngô, khoai tây, khoai lang, khoai sọ.
- Thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu, đỗ.
- Rau xanh (rau ngót, mồng tơi, rau muống, rau dền, rau cải, bắp cải, su hào, bí đỏ, bí xanh, cà rốt...).
- Dầu, mỡ, lạc, vừng (đậu phộng, mè).
- Các loại quả chín.
Chú ý, các thức ăn này phải được nghiền nhỏ, tán nhuyễn để nấu xúp, nấu cháo hoặc canh để bé dễ nuốt. Khởi đầu, bạn nên cho bé làm quen với lượng thức ăn nhỏ mà bạn đã chuẩn bị. Đây chỉ là giai đoạn bé mới tập ăn, vì thế phải cho bé thời gian để làm quen dần. Bé sẽ thất vọng và buồn bực nếu bị ép ăn vì sữa vẫn là thức ăn chính của bé lúc này.
Số bữa ăn cụ thể trong ngày của trẻ
- 6-7 tháng: Bú mẹ là chính + 1 bữa bột loãng + nước quả, sau tăng dần lên 2 bữa mỗi ngày và nấu đặc dần.
- 7-12 tháng: Bú mẹ là chính + 3-4 bữa bột đặc mỗi ngày + hoa quả nghiền.
- 13-18 tháng: Bú mẹ + 4-5 bữa cháo + hoa quả, tập ăn cơm nát lúc ăn cùng gia đình.19-24 tháng: Bú mẹ + mỗi ngày 4-5 bữa cơm nát + hoa quả.
- Từ 25 tháng trở đi cho trẻ ăn cơm như người lớn nhưng được ưu tiên thức ăn. Thức ăn cần nấu mềm, lúc này bữa ăn của trẻ thường chung với gia đình.
- Ngoài 3 bữa ăn chính cần cho trẻ ăn thêm các bữa phụ bằng các thực phẩm mà gia đình có như: khoai lang, khoai tây, ngô, chuối, bánh... hoặc cho ăn thêm 2 bữa phụ: cháo, phở, bún, súp, sữa...
Nguyên tắc cho ăn và chế biến
- Cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới.
- Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi, bảo đảm thức ăn hợp với khẩu vị của trẻ.
- Chế biến các thức ăn phối hợp giàu dinh dưỡng, sử dụng các thức ăn có tại địa phương. Bát bột, bát cháo của trẻ cần thêm nhiều loại thực phẩm khác nhau để tạo nên màu sắc thơm ngon hấp dẫn và đủ chất.
- Thường xuyên đổi món, đổi khẩu vị để không gây cảm giác nhàm chán và biếng ăn cho trẻ.
- Khi chế biến đảm bảo thức ăn mềm dễ nhai và dễ nuốt. Thêm dầu, mỡ hoặc dầu vừng, dầu lạc (mè, đậu phộng) làm cho bát bột vừa thơm, vừa béo, mềm trẻ dễ nuốt lại cung cấp thêm năng lượng giúp trẻ mau lớn.
- Không cho bé ăn thức ăn thừa, rau củ cũng không nên đun nấu quá lâu vì sẽ hủy hết vitamin. Khi chế biến thức ăn với khối lượng lớn, đừng để nguội thức ăn trước khi cho vào tủ lạnh (vì vi khuẩn sẽ có cơ hội sinh sôi). Nên đặt thức ăn nóng vào đĩa lạnh, đậy lại và cho vào tủ lạnh.
- Tất cả dụng cụ chế biến phải sạch sẽ, cần rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn.Cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt.
- Cho trẻ ăn sam (kết hợp vừa bú mẹ vừa ăn sữa ngoài) nhiều hơn trong và sau khi ốm, cho trẻ ăn và uống nhiều chất lỏng hơn đặc biệt khi bị tiêu chảy và sốt cao.
- Không cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì cho ăn uống như vậy trẻ sẽ bỏ bữa hoặc ăn ít đi trong bữa ăn.
Không nên cho trẻ ăn các thức ăn sau đây quá sớm:
- Các loại ngũ cốc có chứa gluten, gluten trong lúa mì và trong bất kì sản phẩm nào có lúa mì. Sử dụng các loại này quá sớm có thể khiến trẻ bị tổn thương đường ruột, giảm cân.
- Thực phẩm chế biến từ sữa: pho-mát, bơ có thể gây ra chứng đau bụng, đi ngoài...
- Trứng: Cho bé ăn lòng trứng nấu kĩ khi bé được 6 tháng tuổi, chỉ cho bé ăn lòng trắng trứng khi được 8 tháng tuổi. Sử dụng trứng quá sớm có thể làm cho trẻ bị phát ban, nổi mụn.
- Các loại quả hạnh, cam, quýt, cà chua...
- Lạc và các loại quả có vỏ cứng có thể gây dị ứng.
- Không dùng nhiều đường, nhiều muối.
Theo mangthai.vn