Giáo dục mầm non
   Mùa hè, học sinh lại... đến trường
 

Từ tuần này, học sinh (HS) bắt đầu nghỉ học. Thế nhưng phụ huynh và nhà trường đã lên kế hoạch chuẩn bị cho các em một mùa hè ở trường.


Tìm chỗ vừa học vừa chơi, an toàn trong hè là nhu cầu của rất đông phụ huynh - Ảnh: Đ.N.T


Nhộn nhịp bậc mầm non
Phần lớn các trường công lập đều không nghỉ hết 2 tháng hè theo quy định. Trường nào nghỉ nhiều cũng chỉ khoảng 1 tháng, còn lại các trường chỉ nghỉ 1-2 tuần, sau đó sẽ có các lớp học hè (có đơn xin học của phụ huynh HS). Hiệu trưởng các trường mầm non (MN) cho rằng, việc rút ngắn thời gian nghỉ hè của giáo viên và mở các lớp học thêm hoàn toàn vì nhu cầu của phụ huynh.


Bà Phạm Mỹ Dung, Hiệu trưởng trường MN thực hành Linh Đàm (Hà Nội) cho biết: "Số phụ huynh đăng ký học hè cho con chiếm khá đông, chỉ có khoảng 1/3 HS nghỉ hè".


Sở GD-ĐT TP.HCM đã có quy định rõ về thời gian tổ chức hoạt động giữ trẻ trong hè bắt đầu từ 13.6 - 12.8. Tuy nhiên, do nhu cầu của phụ huynh, nhiều trường có lịch giữ trẻ khác nhau.


Trường MN 4 (Q.3) thông báo nhận giữ trẻ từ ngày 8.6 đến hết tháng 8, tùy theo tình hình phụ huynh đăng ký. Học phí và tiền ăn mỗi tháng là 1,2 triệu đồng. Ngoài ra, trường còn tổ chức giữ trẻ bên ngoài trường trong địa bàn phường nếu phụ huynh có nhu cầu. Bên cạnh lớp hè, trường cũng tổ chức các lớp ngoại khóa gồm vẽ, thể dục nhịp điệu, tiếng Anh với mức học phí 45 ngàn đồng/tháng. Trường MN Cẩm Tú (Q.Bình Tân) giữ trẻ từ 1.6 - 12.8, nhưng chưa công bố mức học phí do tùy thuộc vào số lượng đăng ký của phụ huynh.


Thời gian học hè của trường Hoa Lư (Q.1) đúng theo quy định của Sở. Học phí thu theo tuần giúp phụ huynh linh hoạt lựa chọn thời gian học (mỗi tuần là 110 ngàn đồng, tiền ăn: 25 ngàn đồng/ngày). Trường MN 20 - 10 (Q.1) giữ trẻ từ 13.6 đồng thời nhận thêm trẻ bên ngoài trường (sinh từ năm 2008) với mức học phí và tiền ăn 1.445.000 đồng/tháng, HS cũ của trường là 1.345.000 đồng/tháng.


Trong khi đó các trường MN tư thục đa dạng nhiều loại hình giữ trẻ.
Trường MN Lê Quý Đôn (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) có chương trình sinh hoạt câu lạc bộ trong tháng 6 với hàng chục môn năng khiếu, tiếng Anh, kỹ năng sống... Kết thúc chương trình này, lại tiếp tục một khóa học mang tên "Vui học hè" để phụ huynh gửi con trọn vẹn cho đến khi bắt đầu năm học mới.


Trường MN tư thục Sóc Nâu (TP.HCM) giữ cả HS bậc tiểu học nếu phụ huynh có 2 con (1 MN, 1 tiểu học) muốn tiện đưa đón. Học phí mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng/trẻ. Ngoài sinh hoạt vui chơi, các cháu được học thêm môn năng khiếu như mỹ thuật, nhịp điệu, tiếng Anh...


Trường MN tư thục Amy (Q.1, TP.HCM) giữ trẻ cả ngày thứ bảy và chủ nhật với mức 100 ngàn đồng/ngày. Trường MN tư thục Cầu Vồng (Q.Tân Bình, TP.HCM) nhận giữ trẻ ngoài trường từ 1.6 - 27.8 với học phí và tiền ăn: 1,7 triệu đồng/tháng. Bà Ái Vị - chủ trường cho biết: "Nếu phụ huynh có con học ở trường công lập không tìm được chỗ gửi con vào 2 tuần đầu và 2 tuần cuối của mùa hè, trường sẽ linh hoạt nhận giữ trẻ từ 3 tuổi trở lên".


Tiểu học chọn ngoại khóa
Đáp ứng nhu cầu có chỗ gửi con của phụ huynh, nhiều trường tiểu học tại TP.HCM cũng tổ chức các lớp học hè dưới dạng sinh hoạt ngoại khóa.


Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) tổ chức các câu lạc bộ ngoại khóa từ 1.7 - 15.8 với mức học phí từ 150 - 250 ngàn đồng/khóa bao gồm các môn năng khiếu: bơi lội, võ, bóng rổ, múa hát, kỹ năng sống, tiếng Anh và luyện chữ đẹp. Bà Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Hè là thời gian vui chơi, giải trí của trẻ nên trường chọn cách tổ chức các lớp ngoại khóa năng khiếu vừa đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh vừa giúp HS được vui chơi và rèn luyện năng khiếu của mình".


Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3 cũng dự kiến tổ chức các lớp ngoại khóa từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8. Theo bà Nguyễn Thị Lương Thanh - Hiệu trưởng nhà trường: "Các lớp ngoại khóa gồm bóng ném, đàn tranh, thể dục nhịp điệu... để giúp HS bồi dưỡng năng khiếu của mình. Riêng về học văn hóa, trường không tổ chức nên phụ huynh có nhu cầu có thể học tại các trung tâm bồi dưỡng văn hóa bên ngoài trường".


Một số trường tổ chức học văn hóa từ tháng 7, có thể có cả bán trú. Thế nhưng hiệu trưởng các trường đều cho rằng chủ yếu để ôn tập cho HS kiến thức đã học chứ không học chương trình mới.


Trung tâm văn hóa, thể thao quá tải
Bộ phận tuyển sinh của Cung Thiếu nhi Hà Nội từ ngày 15.5 phải liên tục làm việc 3 ca mới kịp đáp ứng nhu cầu đăng ký học hè của HS. Năm nay Cung Thiếu nhi dự kiến tiếp nhận 15 ngàn HS nhưng chỉ trong 3 ngày mở cửa tuyển sinh, cung đã tiếp nhận 3.200 HS.


Theo các cán bộ làm công tác tuyển sinh, các môn nghệ thuật như: múa, hát, vẽ, organ, bóng bàn, thể dục nhịp điệu, khiêu vũ thể thao... thường có số HS đăng ký vượt trội. Thậm chí một số môn như organ, dẫn chương trình, võ, khiêu vũ thể thao... đã khóa sổ ngay sau mấy ngày đầu tuyển sinh vì hết sạch chỗ. Các nhân viên của cung cho biết đa số HS đều được bố mẹ đăng ký học ít nhất 2 môn, có em học kín lịch 7-8 môn.


Trường Thể thao thiếu niên 10-10 (Q.Ba Đình, Hà Nội) cũng trong tình trạng quá tải. Các môn võ thuật, bóng bàn, bóng đá, cờ vua, bơi lội, khiêu vũ thể thao, nhịp điệu... đều rất đông HS đăng ký. Trong đó môn bơi phụ huynh phải xếp hàng mua đơn xin học từ 2 giờ sáng.


Đà Nẵng: Học phí hè đều tăng cao
Các trường MN bắt đầu nhận trẻ học hè vào đầu tháng 6. Mức thu học hè của hầu hết các trường đều tăng cao. Các trường công lập tăng lên từ 100% - 600% so với trong năm học. Chẳng hạn trường MN 20-10 (Q.Hải Châu) học phí trong năm khoảng 80 ngàn đồng/tháng thì đến hè tăng từ 400 - 450 ngàn đồng/tháng. Các trường vùng ven ngày thường vốn chỉ quy định từ 5-30 ngàn đồng/tháng thì hè tăng 100 - 150 ngàn đồng/tháng.


Bà Huỳnh Thị Tam Thanh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho rằng: "Mức thu này tùy thuộc vào sự thỏa thuận của nhà trường và gia đình vào cuộc họp cuối năm, lãnh đạo sở, phòng giáo dục không can thiệp. Sở và phòng chỉ có quy định, hướng dẫn về việc chăm sóc, dạy dỗ các cháu, cơ sở vật chất... trong thời gian này đối với các trường".


Các trường tiểu học trên địa bàn Đà Nẵng cũng tổ chức học hè cho HS. Mức thu cũng theo thương lượng của phụ huynh và nhà trường, học phí tăng từ 50 ngàn đồng/tháng lên 200 ngàn đồng/tháng (học 5 buổi) và 150 ngàn đồng/tháng (học 3 buổi). Hiệu trưởng các trường tiểu học cho hay, thời gian này chỉ giúp trẻ vui chơi, hoạt động ngoại khóa.


Theo Thanh Niên

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Hà Nội: Các chính sách đột phá cho GD mầm non (27/5)
 Gian nan phổ cập trẻ 5 tuổi (26/5)
 Bình đẳng cho trẻ mầm non (24/5)
 Xót xa bữa ăn bán trú học sinh (23/5)
 Vào trường mầm non: Đúng tuyến cũng lo (20/5)
 Chính thức đưa phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào Luật (19/5)
 Vất vả xoay xở bữa ăn cho trẻ mầm non (17/5)
 Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kiểm tra công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi ở Thái Bình (16/5)
 Khó tuyển giáo viên mầm non: Vẫn là bài toán đời sống (14/5)
 Rà soát các trường mầm non dân lập địa phương (12/5)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i