Giáo dục mầm non
   Nhiều nhà trẻ cam kết “bình ổn giá”
 

Tiếp nối đợt vận động không tăng giá nhà trọ, đến nay, có 100% nhà trẻ ở Q.Thủ Đức và 91,3% nhà trẻ ở Q.Bình Tân (TP.HCM) đã cam kết không tăng giá giữ trẻ đến hết năm 2011 để chia sẻ khó khăn với công nhân (CN).

Chúng tôi đến thăm nhóm lớp Mầm non (MN) tư thục Ngọc Linh (13 Tô Vĩnh Diện, Q.Thủ Đức), đúng vào giờ ăn trưa của các bé. Khẩu phần của các cháu gồm: cơm, cá basa kho thịt heo cà rốt, susu; đậu hủ chiên, canh mồng tơi, mướp nấu với cua đồng và món tráng miệng là xoài. Anh Trần Tuấn Khánh - trưởng nhóm MN Ngọc Linh cho biết: "Trước đây, tôi kinh doanh nhà hàng ăn uống. Hai năm nay mở nhóm trẻ với 50 cháu. Tùy theo lứa tuổi, giá giữ trẻ từ 850.000đ - một triệu đồng/tháng (bao gồm tiền ăn). Hiện giá cả tăng cao, nhưng khi quận vận động các cơ sở giữ trẻ không tăng giá, chúng tôi đồng ý ký vào bản cam kết".

Không tăng giá nhà trẻ sẽ giảm bớt gánh nặng cho lao động nghèo

Theo anh Khánh, nhóm lớp MN có đến 2/3 là con CN và lao động (LĐ) nghèo, để vẫn đảm bảo khẩu phần ăn dinh dưỡng cho các bé (20.000đ/cháu/ba bữa sáng - trưa - xế), anh buộc phải "đàm phán" với công ty cung ứng thực phẩm bình ổn giá để chi phí có tăng cũng rất nhẹ và anh chấp nhận lãi ít hơn trước. Đặc biệt, với những trường hợp gia đình khó khăn như bé Thúy Vi, mẹ đi làm CN lương bấp bênh, ba làm rẫy ở xa, gia đình định cho cháu nghỉ học nên anh Khánh đã không thu tiền bốn tháng nay. Hay bé Thảo My và Anh Thư (ba tuổi), bố mẹ đều là CN, anh chỉ thu tiền ăn, không thu tiền học phí.

Tương tự, Trường MN tư thục An Bình (229 Võ Văn Ngân, P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức) cũng cam kết không tăng giá giữ trẻ. Trường có 213 cháu (hai lớp mầm, hai chồi, hai lá). Ở đây, con CN chiếm đại đa số. Giá giữ trẻ 815.000đ/tháng. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: "Lúc đầu trường cũng định tăng giá, nhưng quận vận động nên lại thôi. May mắn là đất của trường thuộc dòng Mến Thánh Giá chợ Lớn, không phải đóng tiền thuê mặt bằng nên trong năm 2009 - 2010, trường đã miễn giảm tổng cộng 33 triệu đồng cho những trường hợp con em gia đình khó khăn...".

Chị Lê Ngọc Hoa (quê Tiền Giang) bộc bạch: "Hai vợ chồng tôi đều là CN, tổng thu nhập hơn bốn triệu đồng/tháng. Hằng tháng, mất gần một triệu đồng tiền gửi con. Cũng may, giá giữ trẻ không tăng, chứ nếu tăng thêm nữa thì vợ chồng tôi đành phải gửi con về quê".

Bà Nguyễn Thị Tốt - Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức cho biết: "Toàn quận hiện có 16 trường MN công lập, 36 trường MN tư thục, 62 nhóm trẻ gia đình với hơn 17.000 trẻ. Trong đó, con em CN, LĐ nghèo chiếm 60%. Từ tháng 3/2011, chúng tôi đã triển khai vận động các cơ sở không tăng giá giữ trẻ, nhưng vẫn đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng. Hiện có 100% cơ sở đồng ý. Sau khi các chủ cơ sở cam kết, Phòng đã kiểm tra các cơ sở giữ trẻ thực hiện từ khâu tiếp phẩm đến khâu chế biến...".

Quận Bình Tân, nơi rất đông CN và LĐ nhập cư cũng có tới 207 cơ sở giữ trẻ MN tư thục với 13.877 trẻ (trong đó có 74 cơ sở có giấy phép). Đến ngày 20/4/2011, 10 phường đã tiếp xúc, vận động 196 cơ sở, qua đó có 189 cơ sở đăng ký cam kết không tăng giá giữ trẻ và vẫn đảm bảo chất lượng khẩu phần ăn cho trẻ (đạt tỷ lệ 91,3% so với tổng số cơ sở).

Bà Cao Thị Hương Thủy - chủ đầu tư Trường MN tư thục Bảo Ngọc - P.Tân Tạo, Q.Bình Tân nói: "Trường có 690 trẻ, phí giữ trẻ 1,3 triệu đồng/tháng/cháu. Giá các loại thịt đã tăng khoảng 20%. Nếu không tăng giá giữ trẻ, kinh doanh sẽ không có lãi, nhưng vì cái tâm nên vẫn cam kết. Để xây trường, tôi đã vay ngân hàng, thay vì trước đây trả tiền nợ gốc 40 triệu đồng/tháng, nay tôi đành trả 20 triệu đồng. Khó khăn, nhưng với phụ huynh là CN - LĐ nghèo, trường chỉ thu 700.000đ/tháng".

Trường MN tư thục Hoa Phượng (190 đường Chiến Lược, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) có 70 bé, giá giữ trẻ vẫn giữ 600.000đ - 650.000đ/tháng. Cô Trịnh Thị Phương Yến - Hiệu trưởng trường tâm sự: "Để duy trì con số đó, trường cố gắng giảm tối đa việc chi tiêu chưa cấp thiết; thực hành tiết kiệm điện, nước, tận dụng nguyên vật liệu có sẵn (như hộp giấy, lõi giấy, lọ nhựa...) để làm đồ chơi, đồ dùng học tập...".

Ông Nguyễn Hoàng Ân - Phó ban Dân vận Q.Bình Tân cho biết: "Quận sẽ giám sát, tiếp cận với các phụ huynh, các CN trong các khu nhà trọ để tìm hiểu xem họ có phải đóng thêm tiền học, tiền ăn cho các bé không? Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng sẽ kết hợp với Phòng GD-ĐT, Phòng Kinh tế... để kiểm tra, giám sát các cơ sở giữ trẻ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và khẩu phần ăn của trẻ".

Theo PN

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Thành phố giao ban với các quận, huyện về giáo dục: Hà Nội không thiếu chỗ học (5/5)
 Hà Nội: 20% lớp mầm non tư thục thiếu giấy phép (4/5)
 Quản lý các nhóm, lớp mầm non ngoài công lập: Thừa quy định, thiếu trách nhiệm (29/4)
 Hà Nội: Trường mầm non không được tự ý tổ chức hoạt động hè (28/4)
 Tuyển sinh mầm non: Chấm dứt cảnh “rồng rắn” xin chỗ học (27/4)
 Ý tốt nhưng khó thành (26/4)
 Trẻ 5 tuổi được ưu tiên tiếp nhận ở các trường mẫu giáo (25/4)
 Khánh Hòa quyết tâm hoàn thành PCMN 5 tuổi vào năm 2012 (23/4)
 Giáo viên không được hưởng chế độ nghỉ chăm con ốm? (21/4)
 Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi: TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên hoàn thành (20/4)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i