Xã hội
   Chọn nghề giáo thì không được nóng giận?
 

Với sự hỗ trợ của kỹ thuật công nghệ, việc ghi âm, ghi hình những lời nói "hớ", những bài giảng "nhảm", những cuộc trao đổi "ăn thua đủ" giữa thầy và trò rồi truyền tay nhau, đưa lên mạng... đang trở thành "chuyện thường ngày ở lớp học". Học sinh (HS) xem đây là "bằng chứng" tố cáo hành vi "không phải" của thầy cô. Song, bản thân những "bằng chứng" đó cũng cho thấy, HS đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức làm trò.

Ảnh chỉ mang tính minh họa - Ảnh: Phùng Huy

Khổ thân người thầy
Cô Thanh, giáo viên (GV) THPT tại TP.HCM, bày tỏ: "Vẫn biết những trường hợp đưa lên mạng do GV đã không kiểm soát được mình, có những lời lẽ nặng nề với HS, nhưng tôi thật sự đau lòng khi thấy HS lại dùng cách này như một kiểu "trả đũa" thầy cô của mình".

Một GV ở Q.10 tâm sự: Chúng tôi là những con người bình thường, cũng có lúc nóng giận, thiếu kiềm chế. Thử tưởng tượng, sáng đi dạy mà con ốm, không biết gửi ai, chồng đi công tác xa; vào lớp HS không thuộc bài, lại có thái độ vô lễ với thầy thì tâm trạng sẽ như thế nào? Tất nhiên, chúng tôi luôn tự nhủ "dù thế nào mình vẫn phải là "tấm gương sáng", nhưng gặp lúc "nước vỡ bờ", bị học trò thu âm, ghi hình, phát tán trên mạng, thì có đáng thương không? Chẳng lẽ, đã chọn nghề giáo thì không được nóng giận?

Như vậy, người thầy, khi đã đứng trên bục giảng thì phải "nguội" ngay cả những lúc... nóng? Quan điểm của thầy Trần Ngọc Danh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong khá thuyết phục: Người thầy phải "đứng cao" hơn trò nên nếu xúc phạm HS, tức là GV đang đặt mình ngang hàng với HS! Thầy Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ví von: Người thầy hiện nay cũng như người... "đi tu", phải chịu đựng từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Đòi hỏi một người thầy lý tưởng rất khó, nhưng thiên chức người thầy buộc GV phải hoàn thiện như thế. Thầy Dụng cho rằng, những trường hợp đã tung lên mạng thực tế chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh". Đa số những người chọn nghề sư phạm vẫn đang ngày ngày tu dưỡng, vun đắp cho việc "trồng người".

Nhiều GV trăn trở: Chỉ vì một vài GV cá biệt mà cả xã hội nhìn nhà giáo bằng con mắt khác thì liệu có công bằng? Chúng tôi có cảm giác như đang bị "khủng bố", nếu tình trạng này kéo dài, làm sao GV còn cảm xúc, còn tự tin khi bước lên bục giảng? HS đã biết sử dụng quyền lực của thông tin nên cố tình chọc giận thầy, cho thầy vào bẫy, rồi hả hê tung "thành quả" đã "triệt" được ông thầy, bà cô "đáng ghét" lên như một chiến tích.

"Thế hệ chúng tôi ngày xưa luôn xem thầy cô như cha mẹ. Cũng vì sự cao quý đó mà tôi theo nghề. Giờ thực tế sao phũ phàng quá. Cha mẹ không tôn kính thầy cô, hoặc tôn kính không đúng cách, HS thấy vậy cũng xem thường thầy cô. Sẽ còn nhiều chuyện gây sốc cho thầy cô giáo hơn nữa", ông Phan Minh Tân, một giáo viên về hưu, cảnh báo.

Vì đâu nên nỗi?
Từ khi xuất hiện trên mạng nhiều đoạn băng ghi âm lên án những người thầy "xấu xí", dư luận đã tranh cãi khá ồn ào về hiện tượng này.

Nửa chữ cũng là công thầy. Nhiều người đã không tiếc lời phê phán "thủ phạm" của các vụ "tố thầy" vừa qua là "vô lễ", "vô ơn", "vi phạm nghiêm trọng đạo đức làm trò". Việc phát tán băng ghi âm, ghi hình của HS là sai trái và không nên, bởi các em hoàn toàn có thể nhờ vào sự can thiệp của người lớn như Ban Giám hiệu nhà trường, Hội Cha mẹ học sinh... Những "thủ phạm" trong "bóng đêm" này cần được phán xét, tư vấn tâm lý. Một luồng ý kiến khác lại bênh, ca ngợi việc đưa video clip giúp xã hội nhận rõ chân tướng của những hành động phản sư phạm đang tồn tại trong ngành. Khi gặp chuyện bức xúc, HS (hay phụ huynh) đã phản ảnh với nhà trường thì ngay sau đó HS bị GV "chiếu tướng". Do vậy, "chiêu" tung clip lên mạng an toàn vừa được dư luận... bảo vệ.


Hai quan điểm xung đột như thế nhưng cái gốc của vấn đề ở đâu thì không hề mổ xẻ đến nơi đến chốn. Thầy Trần Ngọc Danh cho rằng, hiện tượng thích ghi âm, ghi hình lỗi của GV đưa lên mạng xuất phát từ cái nhìn của người lớn đối với HS không đúng, làm các em mất niềm tin, không dám và không muốn thổ lộ bức xúc với ai cả. Nhưng "đa phần tôi thấy HS tung các đoạn băng ghi âm lên internet với động cơ muốn "chơi nổi". GV sai đến đâu thì "xử" đến đó, không thể gọi các em là "nhà báo nhân dân". Truyền thông tung hô đã góp phần "đẩy" các em đi quá đà", thầy Danh nói.

Người lớn đã thực sự có thái độ công bằng khi nhìn nhận những sự việc tương tự? Chúng ta thấy công tác giáo dục hiện nay chưa chỉ cho các em cách giải quyết khi gặp phải vấn đề khó. Thầy Nguyễn Đình Thịnh - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh) kết luận: "Mọi sự đều do giáo dục mà ra. Nội dung giáo dục hiện nay, đặc biệt là giáo dục công dân, còn nhiều thiếu sót: thiếu thiết thực, xem nhẹ giáo dục kỹ năng sống, giáo dục cách làm người". Trên thực tế, môn đạo đức và giáo dục công dân hiện chỉ dạy cho HS cấp I và II thì... ngưng. Như vậy HS cấp III thì không cần phải rèn luyện đạo đức hay giáo dục công dân nữa sao?".

Dưới góc độ của người làm công tác đào tạo GV, TS Nguyễn Đức Danh (Khoa Tâm lý - giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng: trong đào tạo sư phạm có hai mảng nghiệp vụ là nghiệp vụ giảng dạy và nghiệp vụ giáo dục. Lẽ ra, sinh viên phải được đào tạo rất kỹ ở mảng "nghiệp vụ giáo dục" thì hiện nay mảng này lại bị xem nhẹ, bị xem là môn chung, lớp học thường rất đông, chương trình nặng nề và thiếu thiết thực, sinh viên không được luyện tập chuyên sâu từng kỹ năng. Ở kỳ thi tốt nghiệp, cũng không sát hạch kỹ năng này. Cũng theo TS Danh, giữa hai khâu đào tạo GV ở các trường sư phạm và sử dụng GV ở các trường phổ thông hiện còn có độ vênh rất lớn. Trường phổ thông không biết ĐH đào tạo cái gì, trong khi trường ĐH lại không biết trường phổ thông cần gì. Từ đó dẫn đến tình trạng: phổ thông đang đòi hỏi phải đổi mới dạy học thì các trường sư phạm vẫn đào tạo theo kiểu cũ.

Theo PN

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 "Chú... là mẹ, các cháu là con" (15/12)
 Có hay không việc vô cớ đuổi giáo viên? (15/12)
 Con nghỉ học, cha mẹ bị phạt tiền (15/12)
 Xóa tên trong danh sách đạt chuẩn mầm non nếu không đạt yêu cầu (15/12)
 Bình Dương: Cần có giải pháp tốt hơn về giáo dục mầm non (14/12)
 Bình sữa chứa BPA: Nơi đề nghị cấm, nơi chưa (14/12)
 Vụ giải cứu con tin Pháp: Công lớn thuộc về giáo viên (14/12)
 Trường Mầm non Cảng (quận 4) - Danh hiệu trường chuẩn quốc gia mức độ 1 (14/12)
 Coi chừng hại con vì bắt đi… luyện chữ (13/12)
 Cô giáo bán nhà xây trường (13/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i