Xã hội
   Cô giáo bán nhà xây trường
 

Một ngôi trường mẫu giáo khang trang được xây dựng giữa vùng quê nghèo, là tất cả tâm huyết và tài sản của cô giáo mầm non Phùng Thị Bích. Cô xây trường trên quê hương chồng mình ở thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Bị "nghỉ việc" vì thẳng thắn đấu tranh
Sinh năm 1962 tại Ứng Hoà (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương năm 1989, chị Phùng Thị Bích theo chồng về An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội và xin dạy hợp đồng tại trường mầm non bán công An Khánh. Những năm 1990, ngành mầm non chưa được quan tâm nhiều nên đời sống của giáo viên rất khó khăn.

Ngoài giờ lên lớp, chị Bích còn nhận thêm hàng về làm nghề may mặc tại nhà để thêm thu nhập. Lớp chị chủ nhiệm có hai cháu bé hoàn cảnh gia đình khó khăn đặc biệt nên chị làm đơn xin miễn tiền học cho hai cháu nhưng không được ban giám hiệu đồng ý. Cô giáo Bích đã bớt đồng lương ít ỏi (lúc đó lương giáo viên mầm non của chị chỉ được 290.000 đồng/tháng) của mình đóng tiền học cho hai cháu và thông báo với gia đình các cháu rằng nhà trường đồng ý miễn tiền học. Vào các dịp lễ, tết chị còn mua quần áo, quà bánh để tặng cho các cháu.

Hết lòng yêu trẻ, chị Bích cũng là một người thẳng thắn, dám đấu tranh với những tiêu cực. Nhiều lần, chị đã lên tiếng bảo vệ những giáo viên có trình độ sư phạm, được đào tạo căn bản nhưng không được sắp xếp công việc đúng chuyên môn, chị còn nêu những vấn đề bất cập trong ngôi trường chị dạy với lãnh đạo địa phương.

Chị Bích (ngoài cùng bên trái) trong một giờ sinh hoạt lớp.

Năm 2004, sau kỳ nghỉ hè, chị chờ mãi không thấy nhà trường giao nhiệm vụ. Lên ban giám hiệu hỏi, chị biết mình được nhà trường cho tạm nghỉ với lý do ít học sinh. Nghe tin cô giáo Bích nghỉ, phụ huynh học sinh đã làm đơn kiến nghị nhưng chị vẫn không được quay lại trường. Ở nhà, nhớ trường, nhớ lớp, nhớ những ánh mắt ngây thơ của những cháu bé, chị lăn ra ốm. Chị ốm, sút đi đến mấy cân và suốt ngày nằm khóc. Chị buồn vì không được đến trường, không được ngày ngày chăm sóc, rồi nghe tiếng bi bô của các cháu nhỏ. Ít lâu sau chị xin nghỉ việc ở trường và anh Nguyễn Minh Đạo, chồng chị, đưa chị về La Phù (Hoài Đức), nơi anh đang công tác.

Tại đó, chị xin phòng giáo dục mở một lớp nhận dạy trẻ. Ban đầu một vài cháu, rồi mọi người biết đến nhiều hơn bởi sự chăm sóc trẻ nhiệt tình và yêu trẻ đặc biệt, lớp của chị tăng lên đến vài chục cháu. Vốn chỉ định mở lớp cho đỡ nhớ nghề, cho khuây khoả bên tiếng cười con trẻ, nay các cháu quá đông, chị lại phải đi tìm giáo viên, tách lớp để đảm bảo sự chăm sóc tốt hơn cho trẻ. Tách lớp, số học sinh của chị vẫn không ngừng tăng lên, lên đến trên 100 cháu, lúc đó một người thân của chị khuyên chị thành lập một trường mẫu giáo đủ tiêu chuẩn để đón các cháu có nhu cầu vào học vì Nhà nước đang có chính sách xã hội hoá giáo dục. Chị bắt đầu tìm hiểu các quy định của Nhà nước và mơ ước xây dựng một ngôi trường có đủ các điều kiện dạy và học đúng chuẩn bắt đầu nhen nhóm trong lòng chị.

Bán nhà để xây trường cho trẻ nhỏ
Ban đầu, chị định xin xây dựng trường ở ngay La Phù nhưng khi chị làm đơn xin mở trường thì ở đó không có đất. Tình cờ, trong một chuyến về dự hội làng ở quê chồng, thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo xã kêu gọi những người con xa quê về góp sức xây dựng quê hương, rồi qua những người bạn, anh chị được biết quê nhà chưa có trường mẫu giáo, các cháu vẫn phải học nhờ trong đình làng. Anh bàn với chị: "Hay mình về đây xây trường mầm non, vừa góp phần vào xây dựng quê hương, vừa thực hiện được ước mơ mong muốn của mình".

Nghe anh nói vậy, chị đồng ý ngay nhưng anh bảo: "Xây ở đây mình phải xác định sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì đây vốn là vùng quê nghèo, kinh tế còn khó khăn nên việc chăm lo cho con cái học hành không được như nơi mình đang dạy. Nếu không có quyết tâm lớn, không một lòng với quê hương, chắc mình sẽ bỏ cuộc giữa chừng". Nghe anh nói thế, chị vẫn quyết tâm làm, chị bảo: "Em chỉ cần được ngày ngày bên tiếng cười con trẻ, được làm điều gì đó cho trẻ thơ thì khó khăn đến đâu em cũng quyết làm".

Sau đấy chị làm đơn xin thành lập trường mẫu giáo gửi lên xã, lên huyện. Ý tưởng của chị được các cấp lãnh đạo địa phương ủng hộ nhiệt tình nhưng chính lãnh đạo huyện cũng khuyên chị không nên mở trường ở Đình Tổ, mà nên mở trường ở thị trấn Hồ, nơi có điều kiện và đời sống người dân cũng cao hơn. Chị từ chối với lý do "nơi khó khăn mới càng cần xây dựng, xây dựng trường là vì các cháu nhỏ chứ không phải để kinh doanh".

Tháng 6.2006, chị được cấp đất xây dựng trường và dự án của chị bắt đầu. Dù hai vợ chồng đã bàn nhau rất kỹ, đã thấy được những khó khăn trước mắt và lâu dài nhưng vẫn không lường hết được những vướng mắc. Chị bảo: "Lúc bắt tay vào xây dựng, hai vợ chồng có số vốn dành dụm 200 triệu đồng nên định vay mượn thêm anh em, bạn bè xây 4-5 phòng học, hết khoảng 500 triệu đồng, chờ khi nào có thêm vốn sẽ xây tiếp. Nhưng lúc dự án của chị khởi công là lúc giá vật liệu xây dựng tăng lên chóng mặt, có những thứ tăng lên đến 2-3 lần. Số tiền dành dụm chẳng có nghĩa lý gì". Chị bàn với anh bán mảnh đất ở An Khánh, tài sản lớn nhất của gia đình để lấy tiền xây trường học. Anh bảo: "Đằng nào mình cũng bán nhà lấy tiền xây thì xây luôn hai tầng, sau này khỏi phải cơi nới, xây dựng thêm.

Trước mắt, chưa bán được nhà mình cứ vay mượn anh em làm trước đã, bán được nhà sẽ trả sau". May mắn là chị được anh em bạn bè ủng hộ nhiệt tình, cho vay mượn thêm, các đại lý vật liệu xây dựng cũng đồng ý bán chịu cho chị vật liệu xây trường. Chị kể: "Những ngày xây dựng trường là những tháng ngày cơ cực nhất trong cuộc đời chị. Tiền hết, ý định bán nhà thì chưa thực hiện được vì chưa có khách mua. Các cửa hàng bán vật liệu cho chị mãi không thấy chị thanh toán nên kéo nhau đến nhà đòi nợ. Có những chủ nợ còn cho rằng chị lừa đảo, xúc phạm, mắng mỏ chị thậm tệ. Những ngày tháng ấy, chị chỉ biết khóc, đêm nào cũng phải uống thuốc ngủ mới chợp mắt được. Anh Đạo, chồng chị hàng ngày vẫn từ Hà Nội về quê vì không dám để chị một mình trong hoàn cảnh đó.

Bữa ăn trưa của các cháu học bán trú. Ảnh: Kim Chung

Những tháng ngày vất vả rồi cũng qua đi, chị đã bán được ngôi nhà, trang trải nợ nần gần hết. Tháng 12.2007, ngôi trường mẫu giáo với 8 phòng học rộng rãi, khang trang mang tên "Bích Ngọc" được khánh thành. Mỗi phòng học ở đây đều được trang bị đầy đủ các thiết bị dạy và học như đài, tivi, đầu DVD...

Hiện nay, trường có 4 lớp với 143 cháu trong độ tuổi từ 1 đến 5 theo học. Mặc dù bỏ ra một số tiền khá lớn để xây dựng trường học, nhưng không nhằm mục đích kinh doanh mà chị chỉ muốn được mang những tiến bộ của ngành giáo dục đến với các cháu mầm non, đem tình yêu thương đến với các cháu nên chị đưa ra mức kinh phí đóng góp rất thấp. Mức đóng góp trung bình của một cháu mỗi tháng chỉ khoảng hơn 100 nghìn đồng bao gồm 80 nghìn đồng tiền học phí, 15 nghìn đồng tiền chăm sóc nuôi dưỡng, 6 nghìn đồng tiền nước uống, 10 nghìn đồng tiền chất đốt. Các cháu ăn bán trú đóng thêm 6 nghìn đồng/ngày bao gồm tiền ăn một bữa chính và một bữa phụ. Đối với các cháu là con sinh đôi gửi tại nhà trường sẽ được miễn tiền học cho một cháu, các cháu con gia đình có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn hoặc tàn tật được giảm một nửa tiền học. Những ngày lễ, tết thiếu nhi, rằm trung thu chị còn vận động chồng con, bạn bè quyên góp giúp để có kinh phí tổ chức cho các cháu.

Vay tiền để trả lương giáo viên
Hôm chúng tôi đến đúng lúc chị đang cùng các cô giáo cho các cháu bán trú ăn bữa trưa. Nếu không đến tận nơi, chúng tôi không thể hình dung cơ ngơi khang trang, rộng rãi ấy là trường học của một bà hiệu trưởng làm việc... không lương. Hiện nay, trường chị có 5 giáo viên mầm non, tất cả đều đạt chuẩn nhưng là trường tư thục, mọi hoạt động đều tự lấy thu bù chi không có sự hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước. Với mức thu như hiện tại hàng tháng chỉ đủ trả lương cho giáo viên với mức từ 1,8 đến 2 triệu đồng/tháng cộng với một bữa cơm trưa.

Chị bảo: "Ở quê, bố mẹ các cháu đều làm nông nghiệp cả nên rất khó khăn. Đóng tiền học cho con cũng phải mang thóc lúa hoặc những gì nuôi trồng được đem bán mới có tiền nên chẳng bao giờ nhà trường giục các cháu nộp học phí. Thấy các cháu được đến trường là tôi đã hoàn thành tâm nguyện của mình rồi". Mặc dù trường thành lập đã được 3 năm nhưng hầu như tháng nào chị vẫn phải mang tiền nhà ra trả lương giáo viên. Xem sổ sách theo dõi thu chi của trường chúng tôi thấy lương giáo viên đã trả đến hết tháng 11 nhưng học phí tháng 10 mới thu được khoảng 50-70%.

Có những tháng đến ngày trả lương, tiền trong nhà cũng hết, chị phải chạy ra mấy chị hàng thịt ở chợ vay tạm rồi chờ ông xã có lương đem ra trả. Điều chị lo lắng là đồng lương giáo viên thấp, các cô giáo không yên tâm làm việc, không gắn bó lâu dài với nhà trường. Chị tâm sự: "Biết là còn rất nhiều khó khăn, nhưng tôi sẽ cố gắng đem hết khả năng của mình để các cháu nhỏ ở đây được hưởng những điều kiện học tập không kém nhiều so với thành phố".

Theo LĐ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Học ngoại khóa giúp trẻ phát triển kỹ năng (13/12)
 Khánh Hòa: Giáo dục tiểu học cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn (13/12)
 Áp lực người thầy (10/12)
 TPHCM chọn năm 2011 là “Năm vì trẻ em” (10/12)
 Thịt lợn “ế” vào trường mầm non? (10/12)
 Chấn chỉnh trường mầm non quốc tế (10/12)
 Trẻ dưới 6 tuổi: Giấy khai sinh thay thế thẻ BHYT (9/12)
 Việt Nam giành giải Nhất cuộc thi Piano quốc tế (9/12)
 Học sinh Thượng Hải thông minh nhất thế giới (9/12)
 Đề xuất giải pháp để nâng cao quyền tham gia của trẻ em Việt Nam (9/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i