Tâm lý
   Rèn kỹ năng sống từ việc nội trợ
 

Nhiều bậc phụ huynh quan niệm rằng con cái chỉ cần học thật giỏi để sau này có được một công việc ổn định với thu nhập cao, chứ không cần phải biết thêm những công việc khác như dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ áo quần, nội trợ...

Vì thế, đã có không ít bà mẹ phải rơi vào tình huống đứng ngồi không yên khi con cái rời khỏi vòng tay cha mẹ.

Chuyện nhỏ nhặt?
Dù Tú An đã hơn 15 tuổi, nhưng khi đi đâu xa nhà quá một ngày là chị Hà Anh (Dĩ An, Bình Dương) không thể yên tâm vì lo lắng cậu con trai ở nhà không biết xoay xở làm sao để có một bữa cơm. Ngay từ khi Tú An bước vào học cấp II, vợ chồng chị Hà Anh đã quán triệt con chỉ tập trung vào việc học tập sao cho đạt kết quả thật tốt, còn những việc khác đã có bố mẹ lo tất cả.

Khi bà nội của Tú An nhắc nhở, làm như thế là tạo cho con tâm lý dựa dẫm, ỷ lại không tốt cho sau này, chị Hà Anh đã phản ứng: "Cháu làm việc khác sẽ không tập trung học. Thôi thì người lớn làm gắng thêm một tý mà khỏi khổ tâm".

Với quan niệm và cách ứng xử của mẹ như thế, nên mỗi khi đến bữa ăn Tú An chỉ việc ngồi chờ mẹ hoặc bố thay phiên nhau bưng bê đến tận nơi, ăn xong lại để đũa bát đấy cho mẹ dọn dẹp. Áo quần tắm thay ra chỉ việc đưa đến máy giặt cách nhà tắm khoảng 5m mà cậu cũng không mang đi. Rất nhiều việc nhỏ nhặt dù phù hợp với lứa tuổi của mình như quét dọn nhà cửa, tưới cây... cậu đều không động tay đến.

Chị Hạnh Nhi (Biên Hòa, Đồng Nai) đã cố gắng dạy con những việc liên quan đến nội trợ, bếp núc, chợ búa, nhưng thấy Hạnh Liên học hành quá căng thẳng, không có nhiều thời gian, con bé lại không mấy mặn mà đến việc nội trợ nên chị cố gắng làm thay con. Những ngày nghỉ hay dịp lễ, tết, đôi khi chị Hạnh Nhi nhờ con đi chợ, nấu ăn, nhưng thấy con làm cái gì cũng vụng về, tay chân lóng ngóng nên thôi. Chị tự an ủi: "Con gái mình ngoan ngoãn, học giỏi là tốt rồi. Việc nữ công gia chánh sau này học vẫn chưa muộn".

Con gái nhập học đại học mới hơn một tháng mà chị Hạnh Nhi đã phờ phạc cả người. Chị đích thân đi thuê phòng trọ, sắm sửa các vật dụng không thiếu một thứ gì cho con. Vậy mà, ngày nào chị cũng băn khoăn, lo lắng vì chuyện ăn uống và sinh hoạt của cô gái cưng.

Chị tâm sự: "Không biết mấy ngày qua nó xoay xở thế nào, không khéo tôi phải nghỉ việc lên thành phố hoặc thuê người giúp việc để phục vụ nó". Hạnh Liên dù rất muốn ăn những món ngày xưa mẹ nấu nhưng không biết... bắc cái nồi ra sao. Giờ đây, cả hai mẹ con chị Hạnh Nhi đều thấm thía chuyện không học nội trợ sớm.

Để con yêu nội trợ


Khi trẻ tiếp xúc với công việc nội trợ, dù có vụng về, lóng ngóng thì cha mẹ cũng phải uốn nắn từ từ, không nên có tư tưởng nóng vội phủ nhận tất cả những thành quả của trẻ

Để cho trẻ tự biết lo cho bản thân, cứng cáp và tự lập sớm, tự tin khi bước vào cuộc sống, các bậc cha mẹ phải dạy trẻ biết làm những việc trong gia đình, bắt đầu từ những việc nhỏ phù hợp với lứa tuổi. Trẻ muốn vững bước vào đời thì trước hết trẻ phải biết tự lo cho bản thân và có thể tự phục vụ mình.

Khi trẻ tiếp xúc với công việc nội trợ, dù có vụng về, lóng ngóng thì cha mẹ cũng phải uốn nắn từ từ, không nên có tư tưởng nóng vội phủ nhận tất cả những thành quả của trẻ.

Cha mẹ phải biết khuyến khích, động viên trẻ kịp thời từ những kết quả nhỏ nhất mà trẻ đạt được. Trong quá trình người lớn làm bếp, phải tạo điều kiện cho trẻ tham gia. Cha mẹ phải chỉ dẫn cho trẻ từng việc làm nhỏ như nhặt, rửa rau, dọn chén bát, múc và bày thức ăn ra mâm sao cho hấp dẫn... Qua đó sẽ rèn cho trẻ tính thẩm mỹ, cẩn thận, khéo léo...

Những lúc trẻ rảnh rỗi hoặc có điều kiện, người mẹ nên dẫn con cùng đi chợ, hướng dẫn con cách lựa chọn thức ăn sao cho ngon và phù hợp với túi tiền. Vừa mua thực phẩm vừa giảng cho con nghe cách phối hợp chế biến các món ăn và cách sử dụng gia vị sao cho hợp. Đây cũng là bài học đầu đời về cách chi tiêu hợp lý, khoa học khi dạy con cách lên thực đơn các món ăn vừa ngon vừa đủ dinh dưỡng.

Không chỉ con gái mới "học" nội trợ mà ngay cả con trai cũng phải biết chia sẻ cùng mọi người khi vào bếp. Việc nội trợ chính là cơ hội để cha mẹ dạy cho con hiểu vì sao phải "ăn trông nồi, ngồi trông hướng", văn hóa ẩm thực thể hiện ra sao trong bữa ăn.

Dạy trẻ biết cách nấu ăn, là nền tảng để giáo dục con cách ứng xử có văn hóa với mọi người, từ cách bày biện cho đến việc nhường nhịn, gắp thức ăn cho người khác... Đó là phép lịch sự tối thiểu mà mỗi người cần phải có. Quan trọng hơn, việc nội trợ góp phần giúp con rèn tính tự lập, không ỷ lại và có khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh.

Theo PNO

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cha mẹ là người bạn của con! (3/11)
 Làm gì khi con nói bậy - Phần cuối (3/11)
 Làm anh khó đấy! (3/11)
 Làm cha mẹ ngày càng khó (3/11)
 Kích thích con cái tham gia việc nhà (2/11)
 Con gái trang điểm - Khi nào mới nên? (2/11)
 Nói sao cho con chịu nghe (2/11)
 Lời khuyên làm cha mẹ (1/11)
 Trẻ lên 4 quan niệm về tình yêu (1/11)
 Trò chuyện để trẻ thông minh (1/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i