Xã hội
   Năm học mới ở TP.HCM: Chú trọng dạy làm người
 

Hôm 18-8, Ủy ban MTTQ TP.HCM phối hợp cùng Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị chuyên đề năm học mới, lắng nghe ý kiến, góp ý, đề xuất của các đại biểu về những việc cần làm trong năm học 2010-2011.

Sĩ số học sinh còn cao
TS Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: Năm học mới TP.HCM có thêm 1.059 phòng học được đưa vào sử dụng. Hệ thống trường lớp hiện nay ngành giáo dục đã giải quyết đủ chỗ học cho học sinh, đảm bảo quyền lợi được đến trường của các em.

Về đội ngũ giáo viên, hiện TP.HCM vẫn tiếp tục củng cố và phát huy lực lượng với trên 75.000 giáo viên. Riêng năm học này, TP.HCM đã tuyển dụng và tăng cường thêm gần 5.000 giáo viên.

Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Hoa, Phó Phòng Giáo dục quận Gò Vấp, cho biết: "Mặc dù công tác xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp thêm phòng ốc cho năm học này được làm khẩn trương nhưng số phòng học vẫn bị thiếu. Cạnh đó, một số phường chưa có trường tiểu học nên việc phân tuyến gặp khó khăn, học sinh dồn về các trường tiểu học An Hội, Lương Thế Vinh... nên sĩ số học sinh vẫn còn đông 45-50 em/lớp". Tương tự tại Tân Phú, bà Nguyễn Thị Kim Quy, Phó Chủ tịch UBMT quận này, cho biết bậc tiểu học còn thiếu 219 lớp, THCS thiếu 409 lớp nên sĩ số lớp học luôn "cán mốc" 48 học sinh/lớp.

Học sinh Trường Tiểu học Bình Long (Bình Tân) hân hoan
ngày đầu tiên đến trường. Ảnh: Phapluattp

Bạo lực học đường vẫn là mối lo
Theo ghi nhận của Ban VH-XH HĐND TP.HCM và UBMTTQ TP.HCM về tình hình chuẩn bị năm học mới tại 24 quận, huyện đều cho thấy vấn đề quan tâm nổi cộm của phụ huynh vẫn là tăng học phí, bạo lực học đường.

Giáo sư Trần Văn Tấn, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Sài Gòn, cho rằng khi Chính phủ "bật đèn xanh" cho phép các tỉnh, thành được tăng học phí nhưng năm học này TP.HCM chưa tăng là sự thận trọng cần thiết vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dân nghèo. Ông góp ý: TP.HCM chưa tăng học phí chứ không phải không tăng nên cần xem xét, tính toán, vùng nào tăng, vùng nào được miễn giảm và mức tăng phải phù hợp với tình hình kinh tế địa phương và mức sống của người dân.

Góp ý về vấn đề bạo lực học đường, ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM, nói: "Tình trạng bạo lực học đường cứ xảy ra liên tục là trách nhiệm của ngành giáo dục chứ không của ai khác. Để hạn chế bạo lực học đường, ngành giáo dục phải là chủ thể với các ban, ngành khác tìm biện pháp ngăn chặn". Đồng tình, ông Trần Thiện Tứ, Ủy viên UBMT TP.HCM, cho rằng ngành giáo dục nêu cao khẩu hiệu "Học chữ, học nghề, học làm người" nhưng trong báo cáo nhiệm vụ năm học mới lại không thấy ngành đề cập việc "học làm người". "Chúng ta cần phải quay lại "Tiên học lễ, hậu học văn". Học làm người trước thì học thêm một chữ sẽ có lợi thêm cho người ấy, có lợi cho gia đình, có lợi cho xã hội" - ông Tứ nói.

Ông Huỳnh Công Minh cho biết để hạn chế bạo lực học đường, các đơn vị trường học cần nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò Đoàn Thanh niên trong các trường phổ thông. Tăng cường các phòng tư vấn về tâm lý học đường để giúp học sinh giải tỏa bản thân, hướng đến giá trị sống đẹp, có ích.

Vấn đề học phí, theo ông Minh sẽ tăng vào năm tới và tăng có lộ trình. Năm học 2010-2011, Sở GD&ĐT TP.HCM và Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá đã có văn bản hướng dẫn về đối tượng và chính sách miễn, giảm. Theo đó, học sinh thuộc hộ nghèo (có mức thu nhập bình quân dưới 10 triệu đồng/người/năm) được miễn 100% học phí và tiền cơ sở vật chất theo mức quy định của HĐND và UBND TP.HCM. Ở những hộ cận nghèo (thu nhập bình quân 10-12 triệu đồng/người/ năm) được giảm 50% học phí.

(Theo Phapluattp)

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Học làm người bắt đầu từ ai?
Ngày gửi: 9/5/2010 3:42:54 PM

Đối với trẻ em dùng bạo lực với nhau chúng ta thấy được, ngăn chặn được. Còn đối với người lớn bạo lực không thể hiện ra ở chân tay, cú đấm, cú đá mà nó thể hiện ở quyền lực thì ai sẽ thấy và ai sẽ ngăn chặn.
Để dạy cho đứa trẻ cách "học làm người" trước tiên người lớn và là người trực tiếp dạy đứa trẻ phải biết cách "sống làm người". Sống làm người nghe chừng rất dễ nhưng không phải ai trong chúng ta cũng có thể làm được, nhất là đối với những người làm lãnh đạo, làm quản lý, làm người thầy họ luôn bảo thủ cho rằng mình là người đúng,ý kiến mình nêu ra là đúng và bắt mọi người dưới quyền của mình phải tuân theo. Nếu cấp dưới không tuân theo hoặc nói lên ý kiến riêng của mình thì người cấp trên cho rằng người này chống đối và tìm cách trù dập, trù dập một mình chưa thỏa đáng còn lôi kéo them nhiều người cùng trù dập, nói xấu người kia. Tôi chính là một chứng nhân sống trong vấn đề này suốt hơn 18 năm, điều tôi sắp nói lên đây không phải muốn bêu xấu ngành mầm non nhưng là muốn từ sự việc này mọi người có thể nhìn lại mình để sống cho đúng nghĩa "sống làm người"
Những năm đầu vào nghề lương bổng của tôi rất thấp (chỉ được 80.000$/tháng) nhưng tôi và các chị đồng nghiệp là những người giáo viên mầm non sống với nhau rất chân thành, mỗi khi chúng tôi được lãnh lương chúng tôi mỗi người trích ra một ít tiền để mua kem ký về chia cho mỗi lớp được một ly thôi cùng ăn chung với nhau rất vui và quên đi hết những mệt nhọc trong công việc(vì lúc đó một mình tôi dạy lớp Chồi với 49 học sinh). Cơ sở vật chất trường tôi lúc ấy rất tệ(nhà vệ sinh thì thiếu cửa, phòng học thì bằng vách ván ọp ẹp, lớp học thì thưc thớt, học trò thì mặc quần áo cháo lòng để đi học), tuy rằng cơ sở vật chất trường học lúc ấy rất kém so với hiện nay tôi đang ở nhưng đứa trẻ luôn được chúng tôi quan tâm, chăm sóc rất chu đáo và tận tâm(vì chúng tôi không bị nhiều áp lực: Phấn đấu, thi đua, đạt danh hiệu này danh hiệu kia, đạt trường chuẩn này huân chương lao động kia), chúng tôi có nhiều thời gian dành cho trẻ, nói chuyện với trẻ, thăm hỏi về hoàn cảnh gia đình trẻ để có biện pháp chăm sóc phù hợp hơn. Nhưng bắt đầu nhà trường được lãnh đạo cấp quận quan tâm đẩy mạnh cơ sở vật chất, đảy mạnh đội ngũ thì bắt đầu nảy sinh dần những chuyện tranh giành, hãm hại lẫn nhau trong đội ngũ giáo viên
Người hiệu trưởng vì muốn đánh nhanh tiến độ trẻ hóa đội ngũ và đánh mạnh tham gia các phong trào của cấp quận, cấp thành phố nên bắt đầu o bế những giáo viên trẻ, đẹp và hiển nhiên là những giáo viên này không dạy tốt vẫn được đánh giá là giáo viên dạy giỏi(mặc dù họ luôn bỏ bê học trò để tham gia vào công tác làm phong trào). Ai trong chúng ta cũng biết rằng "Giã gạo thì khỏi bồng em,bồng em thì khỏi xay lúa", nhưng còn những đứa trẻ mà học các cô giáo trẻ này thì sao? Chúng thiếu sự quan tâm, chăm sóc và thiếu đi một tình thương yêu của người cô, đó mới chính là vấn đề cần bàn ở đây
Một lớp có hai giáo viên, một người đi làm phong trào còn lại một người chăm cả đàn trẻ làm sao chăm tốt được, chưa kể có khi lớp cả hai giáo viên cùng tham gia phong trào thì những đứa trẻ này thường xuyên được một cô phục vụ hoặc một cô cấp dưỡng chăm sóc, mà họ không biết gì về việc giáo dục đứa trẻ thì làm sao giáo dục được, đứa trẻ lúc này muốn phát triển theo cách nào cũng được, gọi nôm na là "tự xử". Những giáo viên phải trông coi trẻ suốt cả ngày là đã mệt cả người rồi, đến chiều nghĩ rằng sẽ được về nhà với gia đình, không đâu còn lại phải tham dự họp cả trường rút kinh nghiệm cho từng phong trào cho đến 7h-8h tối mới được về thì còn hơi đâu mà chuẩn bị tốt cho giờ lên lớp ngày mai nữa, mà mỗi tháng có ít nhất 8 cuộc họp đột xuất không báo trước như vậy. Khi chấm dứt một phong trào thì sao, thì ai tham gia thì được lãnh tiền tham gia, còn ai không tham gia thì sẽ chẳng được gì, thế là bắt đầu sinh ra chuyện ghanh tị lẫn nhau trong giáo viên, người nọ nói người kia "không làm mà muốn hưởng", người kia nói người nọ "Không ai giữ con cho lấy đâu mà làm phong trào", còn riêng người lãnh đạo không những không gỡ được mối tơ vò này mà còn bảo "chanh vắt hết nước thì bỏ đi chứ còn làm được gì mà sử dụng", thế là tâm lý của giáo viên, kẻ thì khoái trá,người thì bất bình không ai còn để tâm đến đứa trẻ của mình cần gì, muốn gì và mong mỏi điều gì
Người lãnh đạo mà chỉ luôn quan tâm đến việc ngoại giao, đến việc lãnh đạo các cấp có dòm ngó đến mình không, có công nhận những thành tích đóng góp của mình hay không, có đề cử mình không, cấp dưới của mình ai biếu quà nặng ký hơn thì sẽ có chiến lược đầu tư cho giáo viên ấy, thì còn đâu thời gian quan tâm đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cấp dưới mình. Còn người giáo viên đến trường mà chỉ mong được cấp trên đề bạt bằng các hình thức bên ngoài của mình thì còn đâu tâm trí nghĩ đến người học trò của mình vì sao nó vui, vì sao chúng buồn, buồn vì ai,...Không may những đứa trẻ này suốt những năm tháng sống trong trường mầm non mà thiếu đi sự quan tâm của người giáo viên thì chúng sẽ phát triển ra sao?...
Những điều tôi kể trên chỉ là một phần trăm của sự thật thôi
Tôi nói lên điều này để các cấp lãnh đạo hấy rằng người "lớn" sống làm người như thế thì làm sao làm gương cho người "nhỏ" và người nhỏ chỉ biết tư lợi cho mình thì còn đâu thời gian dạy dỗ thế hệ trẻ biết cách sống làm người được. Từ trong môi trường giáo dục mà khó học được cách sống làm người thì học điều đó ở đâu? Ở ai?



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Kiến nghị xây dựng trường mầm non chất lượng cao (31/8)
 Ngành Giáo dục sẵn sàng bước vào năm học mới 2010-2011 (31/8)
 Hà Nội: Chuẩn bị tiêm nhắc vaccine sởi cho trẻ em (31/8)
 Từ 15-9: Đồ chơi trẻ em phải gắn dấu hợp quy (31/8)
 Việt Nam nghiên cứu giáo dục mầm non của Mexico (30/8)
 Đà Nẵng: Nhà trẻ, mẫu giáo mức có học phí cao nhất (30/8)
 Một phần ba phụ huynh chán chơi cùng con (30/8)
 TP.HCM: Phải sử dụng hơn 1.500 bảo mẫu thay thế giáo viên (30/8)
 Tổ chức thí điểm các lớp dạy bơi trong trường tiểu học (27/8)
 Thí điểm dạy ngoại ngữ từ lớp 3: Kỳ 2: Đi mượn... giáo viên (27/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i