Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Năm học mới ở TP.HCM: Chú trọng dạy làm người


Hôm 18-8, Ủy ban MTTQ TP.HCM phối hợp cùng Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị chuyên đề năm học mới, lắng nghe ý kiến, góp ý, đề xuất của các đại biểu về những việc cần làm trong năm học 2010-2011.

Sĩ số học sinh còn cao
TS Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: Năm học mới TP.HCM có thêm 1.059 phòng học được đưa vào sử dụng. Hệ thống trường lớp hiện nay ngành giáo dục đã giải quyết đủ chỗ học cho học sinh, đảm bảo quyền lợi được đến trường của các em.

Về đội ngũ giáo viên, hiện TP.HCM vẫn tiếp tục củng cố và phát huy lực lượng với trên 75.000 giáo viên. Riêng năm học này, TP.HCM đã tuyển dụng và tăng cường thêm gần 5.000 giáo viên.

Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Hoa, Phó Phòng Giáo dục quận Gò Vấp, cho biết: "Mặc dù công tác xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp thêm phòng ốc cho năm học này được làm khẩn trương nhưng số phòng học vẫn bị thiếu. Cạnh đó, một số phường chưa có trường tiểu học nên việc phân tuyến gặp khó khăn, học sinh dồn về các trường tiểu học An Hội, Lương Thế Vinh... nên sĩ số học sinh vẫn còn đông 45-50 em/lớp". Tương tự tại Tân Phú, bà Nguyễn Thị Kim Quy, Phó Chủ tịch UBMT quận này, cho biết bậc tiểu học còn thiếu 219 lớp, THCS thiếu 409 lớp nên sĩ số lớp học luôn "cán mốc" 48 học sinh/lớp.

Học sinh Trường Tiểu học Bình Long (Bình Tân) hân hoan
ngày đầu tiên đến trường. Ảnh: Phapluattp

Bạo lực học đường vẫn là mối lo
Theo ghi nhận của Ban VH-XH HĐND TP.HCM và UBMTTQ TP.HCM về tình hình chuẩn bị năm học mới tại 24 quận, huyện đều cho thấy vấn đề quan tâm nổi cộm của phụ huynh vẫn là tăng học phí, bạo lực học đường.

Giáo sư Trần Văn Tấn, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Sài Gòn, cho rằng khi Chính phủ "bật đèn xanh" cho phép các tỉnh, thành được tăng học phí nhưng năm học này TP.HCM chưa tăng là sự thận trọng cần thiết vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dân nghèo. Ông góp ý: TP.HCM chưa tăng học phí chứ không phải không tăng nên cần xem xét, tính toán, vùng nào tăng, vùng nào được miễn giảm và mức tăng phải phù hợp với tình hình kinh tế địa phương và mức sống của người dân.

Góp ý về vấn đề bạo lực học đường, ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM, nói: "Tình trạng bạo lực học đường cứ xảy ra liên tục là trách nhiệm của ngành giáo dục chứ không của ai khác. Để hạn chế bạo lực học đường, ngành giáo dục phải là chủ thể với các ban, ngành khác tìm biện pháp ngăn chặn". Đồng tình, ông Trần Thiện Tứ, Ủy viên UBMT TP.HCM, cho rằng ngành giáo dục nêu cao khẩu hiệu "Học chữ, học nghề, học làm người" nhưng trong báo cáo nhiệm vụ năm học mới lại không thấy ngành đề cập việc "học làm người". "Chúng ta cần phải quay lại "Tiên học lễ, hậu học văn". Học làm người trước thì học thêm một chữ sẽ có lợi thêm cho người ấy, có lợi cho gia đình, có lợi cho xã hội" - ông Tứ nói.

Ông Huỳnh Công Minh cho biết để hạn chế bạo lực học đường, các đơn vị trường học cần nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò Đoàn Thanh niên trong các trường phổ thông. Tăng cường các phòng tư vấn về tâm lý học đường để giúp học sinh giải tỏa bản thân, hướng đến giá trị sống đẹp, có ích.

Vấn đề học phí, theo ông Minh sẽ tăng vào năm tới và tăng có lộ trình. Năm học 2010-2011, Sở GD&ĐT TP.HCM và Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá đã có văn bản hướng dẫn về đối tượng và chính sách miễn, giảm. Theo đó, học sinh thuộc hộ nghèo (có mức thu nhập bình quân dưới 10 triệu đồng/người/năm) được miễn 100% học phí và tiền cơ sở vật chất theo mức quy định của HĐND và UBND TP.HCM. Ở những hộ cận nghèo (thu nhập bình quân 10-12 triệu đồng/người/ năm) được giảm 50% học phí.

(Theo Phapluattp)