Chơi là cách bé học được nguyên nhân - kết quả, hình dạng - màu sắc, các kỹ năng vận động, giao tiếp... Đó là những điểm nên bắt đầu từ sớm. Sự đa dạng của đồ chơi bán sẵn có thể làm bạn lúng túng; vì thế, tiêu chí chọn đồ chơi cho bé cần an toàn và hợp với từng giai đoạn phát triển.
Tất nhiên, phần lớn đồ chơi đều ghi chú rõ ràng độ tuổi dành cho bé trên bao bì nhưng bạn có thể tham khảo vài gợi ý dưới đây khi chọn đồ chơi cho con theo từng tháng tuổi:
1 tháng tuổi
Bé sơ sinh biết nhận diện âm thanh, ánh sáng, giọng nói thân quen. Bé chỉ có thể nhìn thấy đồ chơi ở khoảng cách tương đương khoảng cách từ bé tới khuôn mặt bố (mẹ). Đồ chơi treo cũi (nôi) có màu sắc tương phản cao, đồ chơi tạo nhạc như cái lục lạc là hai loại cần cho bé. Bạn có thể mua đồ màu đen - trắng, trắng - đỏ là tốt nhất.
2 tháng tuổi
Bé quan tâm hơn đến màu sắc và các điểm xung quanh. Ở giai đoạn này, chiếc lục lạc, thú nhồi bông màu sắc tương phản hay tươi tắn hợp với bé. Các bé trở nên nhạy cảm với âm nhạc và âm thanh, nhất là âm thanh êm dịu và những giai điệu vui nhộn. Vài đĩa CD dành cho bé cũng khiến bé thoải mái.
3 tháng tuổi
Bé bắt đầu để ý hơn về thế giới xung quanh vì bây giờ, bé đã biết cử động cổ tương đối. Ở giai đoạn này, bé thích nhìn chằm chằm vào người (vật nuôi) đối diện. Để kích thích thị giác cho con, có thể gắn những bức tranh khuôn mặt trên bức tường, cạnh chỗ thay tã (nằm) của bé. Đồ chơi của bé cũng là những khuôn mặt cười là hợp nhất.
4 tháng tuổi
Giai đoạn này, có thể đầu tư vào đồ chơi rung lắc và vòng ngậm cho bé mọc răng. Một thanh đồ chơi gắn với cũi của bé với nhiều đồ chơi đầy màu sắc lơ lửng là lựa chọn tuyệt vời.
5 tháng tuổi
Bé dễ dàng nắm đồ chơi với cả hai tay và thích thú với những đồ chơi như cốc, chén nhựa, quả bóng, khối hình, đồ chơi có cánh hoặc lốp tròn.
6 tháng tuổi
Bây giờ, bé càng lúc càng năng động hơn. Vì thế, tiếp tục những loại đồ chơi với cốc chén, quả bóng, thú nhồi bông, giai điệu vẫn còn phù hợp. Hãy tìm món đồ chơi có phản ứng khác nhau khi có một hành động khác nhau (chẳng hạn, khi ấn vào phím này, phát ra âm thanh này; khi vặn vào nút kia, có chuyển động khác).
7 tháng tuổi
Đây là tháng bé thích đầu tư các trò chơi cùng cha mẹ và thành thạo để chơi trò "ú - òa". Đồ chơi cung cấp một bất ngờ như bông hoa khi mở hộp là lựa chọn tuyệt vời ở thời điểm này. Một chiếc thìa gỗ, một chiếc chậu nhôm giúp bé sẵn sàng tạo thành một ban nhạc.
8 tháng tuổi
Bé có thể bò tốt bây giờ và rất thích được chơi đùa cùng bố, mẹ. Hãy cho bé một bát nhựa lớn, thìa gỗ và các đồ vật được đặt vào bên trong cái bát. Những hình khối đa dạng là cách hoàn hảo để bé phát triển kỹ năng vận động.
9 tháng
Bé mạnh mẽ và năng động hơn. Tất cả những gì bé yêu thích thời điểm này là bò theo một chiếc xe tải đồ chơi và được dạy nhấn nút để tạo ra âm thanh. Đồ chơi với các nút điện tử, tạo ra nhiều tiếng ồn khác nhau được đánh giá cao.
10 tháng
Bé có thể tạo ra một số âm thanh thú vị. Đồ chơi như ghép gỗ, búp bê tạo âm nhạc hợp với các bé gái. Bây giờ, bé của bạn sắp biết đi nên đồ chơi giúp bé chuyển động như ngựa gỗ, đồ chơi kéo - đẩy sẽ hợp với bé. Những bài tập này giúp bé di chuyển, làm bài tập cho đôi chân để chuẩn bị học đi.
11 tháng
Sách ảnh là lựa chọn tốt ở giai đoạn này vì bé có thể không còn thích nhai sách nữa. Các loại nhạc cụ như chuông, trống... cũng thu hút bé vì bé sẽ học cách để tạo ra âm thanh từ chúng.
12 tháng
Bé bắt đầu độc lập hơn, đi khắp nhà với sự giúp đỡ của bố mẹ. Đồ chơi âm thanh và đồ chơi bé ngồi lên được và đẩy đi là hấp dẫn nhất. Các bé cũng thích chơi nước nên một bát nước, cùng vài cái thìa, cốc nhựa cũng là niềm vui bất tận với bé. Hãy cho bé chơi trên ghế ngồi cao dành cho bé, trên một cái khăn lớn dưới sàn nhà hay bên ngoài, ở nơi râm mát.
Lưu ý: Bé cần đồ chơi để làm phong phú cuộc sống và khuyến khích học tập. Không phải loại đồ chơi đắt tiền nào cũng hữu ích, mà chỉ một cái hộp rỗng, vài cái lá cây, thìa nhựa... cũng là đồ chơi hữu ích. Hãy xem xét những thứ bạn sắp ném vào thùng rác vì có thể nó là món đồ giải trí có giá trị với bé.
Theo Mevabe