Chắc bạn không thể phủ nhận rằng có những lúc bạn đã ước cục cưng của mình thần kỳ biến mất - không phải mãi mãi mà chỉ khoảng nửa tiếng thôi, để bạn đọc nốt tờ báo hay nói được đôi ba câu chuyện với bạn bè. Nhưng điều này vô cùng khó, vì dường như bé cứ bám lấy bạn mọi lúc mọi nơi.
Căng thẳng, căng thẳng quá! (Ảnh: Inmagine)
Bạn cũng không muốn bỏ lỡ một nhịp phát triển nào của bé; bạn bí mật thích thú việc con muốn có mình, cần đến mình; và hơn hết thảy, bạn cảm thấy có lỗi nếu "bỏ rơi" con. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng họ luôn cần ở bên các con và tham gia vào những trò chơi của chúng, nhưng điều đó lại khiến họ không còn thời gian nghỉ ngơi - từ đó có thể dẫn đến căng thẳng, và những đứa trẻ vô tình trở thành đối tượng "xả stress". Thật ra thì tập cho con biết tự chơi là món quà tốt nhất bạn dành cho bé, vì cùng với đó, bạn cũng đang tập cho con những kỹ năng quan trọng mà bé cần có để biết suy nghĩ, sáng tạo, tự tin và thành công.
Dạy con cách... chơi
Bước đầu tiên là hãy cho bé thấy chơi một mình có thể vui thế nào. Quá trình này có thể bắt đầu từ khi bé chưa biết đi. "Trong một chừng mực nhất định, tự xoay xở là một kỹ năng cần phải học mới có được, và nếu lúc nào bạn cũng ở bên cạnh thì có thể bé sẽ không bao giờ học được kỹ năng này," Tiến sĩ Cynthia Chandler, chuyên ngành Giáo dục mầm non, cho biết. Bạn có thể cho bé vào cũi, hay một khoảng không gian giới hạn với vài món đồ chơi phù hợp độ tuổi trong khi bạn làm việc, đọc sách ở ngay bên cạnh, hay thậm chí là ra khỏi phòng, điều đó sẽ giúp bé phát triển khả năng tập trung và tự làm mình vui vẻ. Những chiếc trống, lục lạc và những hình khối đơn giản, nhiều màu sắc, dễ cầm nắm có thể giữ cho một em bé 6 tháng tự chơi một mình trong vòng 20 phút - vừa đủ thời gian để bạn nhâm nhi một tách cà phê.
Khi bé đã chập chững biết đi rồi, khoảng không gian và thời gian "chơi riêng" của bé có thể rộng hơn, nhưng vẫn cần bố mẹ để mắt đến. Bé thấy thế giới xung quanh thật nhiều điều hấp dẫn và sẽ rất thích thú chơi một mình với những món đồ chơi yêu thích trong khoảng 15 phút hoặc nhiều hơn. Khi bé được khoảng 2 tuổi, dần khám phá ra thú vui và niềm đam mê của bé, bạn cũng hãy chia sẻ những đam mê của bạn, những điều bạn muốn làm một mình và vì sao. Trẻ con thường chịu ảnh hưởng lớn từ những sở thích của bố mẹ. Chẳng hạn khi thấy bạn khiêu vũ, bé cũng sẽ nhún nhảy và xoay tròn; khi thấy bạn thường xuyên đọc sách, bé sẽ thấy điều này thật thú vị và muốn học theo như vậy.
Bạn nên hiểu trong khi nhiều đứa trẻ thường chơi một mình hết sức tự nhiên, thì cũng có nhiều bé khác cần sự hướng dẫn của bố mẹ. Đừng so sánh mà hãy giúp đỡ con, dần dần tăng thời gian con bạn tự chơi một mình. Bạn cũng có thể dùng một chiếc đồng hồ hoặc một bộ đếm thời gian để giải thích với bé rằng bé sẽ chơi một mình trong phòng cho đến khi chuông báo thức reng reng. Hãy tỏ ra khuyến khích, ủng hộ các trò chơi hoặc sản phẩm mà con tự hoàn thành, chẳng hạn như "Bé tự xếp được cả một tòa nhà cơ à, bé giỏi ghê!" để bé tự tin hơn.
Tạo không gian vui chơi cho bé
Cách tốt nhất để khuyến khích con bạn tham gia những trò chơi độc lập là hãy tạo ra một không gian riêng, an toàn cho bé ở trong nhà hay ngoài sân để khuyến khích những trải nghiệm.
Những đồ chơi có tính tư duy sáng tạo sẽ giúp bé tự chơi lâu hơn (Anh: Inmagine)
Nếu có điều kiện, hãy dành hẳn cho bé một phòng để chơi đùa, trong đó có nhiều loại đồ chơi khác nhau. Trong phòng không để những đồ vật nhiều góc cạnh, và nếu được, có thể lót thảm êm hay gối êm để bé không bị ngã đau. Nhưng thật ra, đôi khi chỉ cần một ngăn tủ cũng đủ để thành kho đồ chơi thú vị của bé rồi. Bố mẹ có thể chuẩn bị thêm một ít sách và đồ chơi để trong giỏ ở nhiều phòng khác nhau để nếu bố mẹ có đi sang phòng khác thì bé vẫn có thể chơi một mình, và sau đó nhớ nhắc bé dọn lại đúng chỗ. Không cần thiết phải thường xuyên mua đồ chơi mới, vừa tạo cho bé thói quen không tốt, vừa khiến bé dễ bị ngợp và chán. Thay vào đó, bạn hãy giấu đi vài món đồ chơi và tháng sau lại đưa ra để bé cảm thấy bất ngờ và hứng thú hơn với những món đồ chơi cũ. Theo các chuyên gia - và cả theo lời khuyên của nhiều bà mẹ nữa - không gian vui chơi của trẻ nhất thiết phải có các hình khối xây dựng như Duplo hay Lego, phục trang, giấy, bút chì màu và một số dụng cụ khác để bé sáng tạo nghệ thuật. Những loại đồ chơi có tính tư duy, sáng tạo sẽ giúp bọn trẻ tự chơi lâu hơn.
Giữ cho bọn trẻ luôn bận rộn
Tiến sĩ Chandler nhớ lại đã có lần cô đã giao cho các em học sinh tiểu học của mình một bài tập: đặt một chiếc bánh quy nhỏ lên ổ kiến và xem phải mất bao nhiêu lâu lũ kiến "thanh toán" hết số bánh ấy. Các bậc phụ huynh không thể tin được rằng con họ chịu dành thời gian lâu để ngồi quan sát những điều như vậy. Ngoài ra cũng có thể khiến bé "bận rộn" với những trò nho nhỏ như nằm xem đám mây kia có hình gì, bày ra những thí nghiệm khoa học đơn giản (xem thêm ở naturerocks.org), các tác phẩm nghệ thuật và làm các sản phẩm thủ công... để bạn rảnh tay lo công việc của mình.
Thật ra cũng không hại gì khi thỉnh thoảng cho phép con ngồi xem TV 30 phút, nhưng hãy cố gắng giúp con khám phá những trò tiêu khiển năng động hơn. Những đứa trẻ phụ thuộc vào người khác, hay thứ gì khác như TV hay trò chơi điện tử thường gặp phải khó khăn trong việc tự chịu trách nhiệm khi lớn lên. Bằng việc khuyến khích con mình phát triển những cảm xúc, bạn đã giúp bé trang bị tốt hơn để đối mặt với những thách thức trong cuộc sống.
Bừa bộn là sáng tạo? (Ảnh: Inmagine)
Cho phép bé bừa bộn
Hầu hết trẻ con đều bề bộn và thích làm mọi thứ rối tung lên, nhưng chính sự bừa bộn này có thể giữ chân bé hàng giờ liền cho bạn làm việc riêng. Cho bé thỏa sức vẽ vời lên tấm rèm tắm cũ chẳng hạn, hay cho bé xây pháo đài hay cung điện bằng những chiếc gối... nhà bạn có thể bừa bộn hơn một chút, nhưng bố mẹ lại có thêm nhiều thời gian để học hành, làm việc, hay thời gian riêng tư để... cùng chơi ô chữ chẳng hạn.
Chấp nhận bừa bộn một chút, nhưng bù lại khuyến khích bé trải nghiệm và học hỏi. Bạn muốn dành thời gian cho bản thân thì đôi lúc cũng hãy từ bỏ sự kiểm soát và cho phép con làm điều mà chúng giỏi nhất: chơi!
Theo Webtretho